Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa được ngành GDĐT tỉnh xác định là giải pháp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên.
Sở GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục giảng dạy các môn học và nội dung giáo dục địa phương với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú như tổ chức dạy học, trải nghiệm tại di tích, thực hiện giờ học kết nối với các trường ở địa phương có di sản, mời chuyên gia, nghệ nhân giới thiệu về di sản... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về giá trị các di sản, khơi gợi niềm tự hào và vun đắp tình yêu quê hương cho học sinh.
Tự hào mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Xuân, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) không ngừng chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.
Để giúp học sinh tiếp cận và thấm nhuần giá trị lịch sử, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, ý nghĩa thông qua các chương trình văn nghệ, sân khấu hóa. Những tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, người lính Cụ Hồ, cùng các khoảnh khắc oanh liệt trong lịch sử dân tộc được tái hiện sinh động, tạo không khí trang nghiêm nhưng gần gũi, đầy cảm hứng cho học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống với cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, tái hiện những sự kiện lịch sử quan trọng và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử cách mạng. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức lịch sử mà còn chạm đến cảm xúc, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Cô giáo Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhà trường đặc biệt chú trọng các hoạt động gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng. Nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức từ sách vở, lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử qua các môn học… mà còn tái hiện bối cảnh lịch sử, giúp học sinh cảm nhận những gian khổ mà cha ông đã trải qua. Qua đó, các em sẽ thêm yêu quê hương, đất nước, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp và tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lập, tự cường trong thời đại hội nhập và phát triển”.
Em Nguyễn Hà My, học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: "Qua các hoạt động ngoại khóa về giáo dục truyền thống lịch sử do nhà trường tổ chức, chúng em không chỉ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc mà còn cảm nhận được những hy sinh, gian khổ mà cha ông đã trải qua trong các cuộc kháng chiến. Những chương trình này giúp em cảm thấy tự hào hơn về quê hương và biết ơn sự hy sinh của cha ông để chúng em có được cuộc sống như ngày hôm nay".
Cùng với ngành GDĐT, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh cũng tích cực tham gia công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hội CCB các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030.
Để công tác giáo dục truyền thống cách mạng đạt hiệu quả cao, hội CCB các cấp chú trọng biên soạn tài liệu tuyên truyền. Hội CCB tỉnh thành lập 18 tổ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại các huyện, thành phố với 107 thành viên. Từ đầu năm đến nay, hội CCB các cấp đã phối hợp với Đoàn thanh niên và các nhà trường tổ chức 21 buổi nói chuyện truyền thống với sự tham gia của gần 800 lượt học sinh, đoàn viên, thanh niên.
Thời gian tới, ngành GDĐT tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động thiết thực nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước và ý thức gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử quê hương cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng thế hệ trẻ năng động, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bích Huệ
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126865/Giao-duc-truyen-thong-lich-su-trong-nha-truong
Bình luận (0)