Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát huy động lực nội tại như kinh tế tư nhân, tiêu dùng trong nước… để hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng12/04/2025

Ông có nhận định như thế nào triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Có thể thấy, trong năm 2024, kinh tế Việt Nam mặc dù có mức tăng trưởng tốt và đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước dịch Covid năm 2019, thế nhưng mô hình tăng trưởng vẫn dựa trên những nền tảng theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều. Những động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo và kinh tế số đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đang bị tổn thương trước những bất ổn kinh tế từ thế giới, vấn đề liên quan đến thiếu bền vững về môi trường vẫn hiện diện.

Với những đặc điểm của nền kinh tế thì muốn tăng trưởng nhanh trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần rất cẩn trọng đối với bất ổn kinh tế vĩ mô. Muốn tăng trưởng một cách bền vững trong dài hạn với mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong năm 2045 thì cải cách thể chế kinh tế là một điều mấu chốt, có thể nói là động lực của các động lực tăng trưởng mới.

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Như ông trao đổi, cải cách thể thế là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Ông có thể trao đổi rõ hơn về động lực này?

Hiện nay, thể chế kinh tế của Việt Nam mặc dù đã có những hoàn thiện theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo ra môi trường rất tốt cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế nhất định và đặc biệt là thể chế vẫn còn lưỡng lự trong việc tôn trọng những nguyên tắc của thị trường, vẫn còn việc thực hiện các giải pháp can thiệp về truyền thống. Theo tôi, đây là những dư địa rất quan trọng trong cải cách thể chế cả về kinh tế cũng như bộ máy quản lý nhà nước. Đây sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Khuyến nghị của tôi là nên xây dựng hệ thống thể chế pháp luật về kinh tế theo hướng vẫn đảm bảo được vai trò quản lý của nhà nước nhưng quan trọng hơn là hỗ trợ được cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bỏ tư duy “không làm được thì cấm”.

Thứ hai, cần phải gia tăng được năng lực thực thi chính sách.

Thứ ba là giảm thiểu quản lý hành chính, tạo một môi trường minh bạch, bình đẳng cho tất cả các khu vực kinh tế phát triển.

Một trong những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay là việc áp thuế quan của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng Việt Nam và hiện nay thì chúng ta vẫn đang trong quá trình đàm phán. Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông có những khuyến nghị nào trong trường hợp chúng ta không đạt được con số có lợi cho nền kinh tế?

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam (hiện tạm hoãn 90 ngày) có thể nói là một cú sốc rất lớn nếu chúng ta không có kết quả đàm phán tốt, bởi vì nó tác động cả vào xuất khẩu và khu vực FDI. Đây cũng chính là những nguồn lực quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm vừa qua. Vì vậy, rõ ràng là tăng trưởng kinh tế sẽ có thể bị tác động rất lớn, không chỉ với việc làm, thu nhập mà còn có thể liên quan đến bất ổn kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát và lãi suất trong. Việc điều hành chính sách cũng gian nan hơn để đảm bảo mức độ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát huy động lực nội tại như kinh tế tư nhân, tiêu dùng trong nước

Vì vậy, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn và biến động, đây là một cơ hội để chúng ta tập trung vào khu vực kinh tế trong nước. Kinh tế tư nhân phải được coi là khu vực kinh tế quan trọng nhất để gia tăng được năng lực nội tại, tạo sự linh hoạt để đối phó với những bất ổn vĩ mô trên thế giới.

Đồng thời, chúng ta cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đây là cơ hội để tận dụng các hiệp định này. Việc tập trung vào một thị trường đơn lẻ rõ ràng sẽ khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có bất ổn xảy ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tái cấu trúc lại chuỗi sản xuất, gia tăng sản xuất trong nước. Tiêu dùng trong nước cũng cần tập trung phát huy và biến đây trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách hiện nay cho thấy vẫn còn dư địa để cải thiện tiêu dùng trong nước thông qua việc tăng chi tiêu công hay giảm thuế có chọn lọc. Đây là điểm rất quan trọng để có thể gia tăng tiêu dùng tư nhân, cải thiện động lực nội tại của nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/gsts-to-trung-thanh-phat-huy-noi-luc-de-tang-truong-kinh-te-cao-trong-nam-2025-162680.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm