Sân chơi “Tài chính thông minh” được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà trở thành một nền tảng giáo dục tài chính bền vững, được tổ chức thường niên, thu hút hàng triệu học sinh toàn quốc tham gia.
Bà đánh giá thế nào về giáo dục tài chính từ sớm cho các em học sinh? Vai trò của việc này đối với thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia?
Giáo dục tài chính từ sớm cho học sinh là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội phát triển toàn diện, công bằng và bền vững. Giáo dục tài chính không chỉ là dạy trẻ cách tiết kiệm hay chi tiêu hợp lý, mà là giúp các em biết lập kế hoạch tài chính, ra quyết định, giải quyết vấn đề và định hướng tư duy độc lập.
Việc trang bị tư duy tài chính cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là nền tảng quan trọng để hình thành một thế hệ công dân số, vừa có năng lực công nghệ, vừa có hiểu biết tài chính. Đây là một trong những hành động thiết thực góp phần hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục tài chính trong cộng đồng và nhà trường.
Kiến thức tài chính thường khô khan, khó hiểu. Vậy việc giáo dục tài chính cho các em học sinh cần có những lưu ý gì, thưa bà?
Đúng là kiến thức tài chính nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết và khái niệm học thuật sẽ rất dễ trở nên khô khan, khó hiểu – đặc biệt là với đối tượng học sinh phổ thông. Vì vậy, để giáo dục tài chính hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với tâm lý và lứa tuổi của các em, đồng thời phải đặt học sinh vào trung tâm của trải nghiệm học tập.
Thay vì chỉ truyền tải kiến thức một chiều, chúng tôi đề cao phương pháp học tập qua trải nghiệm, học mà chơi – chơi mà học với các trò chơi tương tác kèm theo các câu hỏi mô phỏng những tình huống gần gũi với đời sống hàng ngày. Cụ thể, sân chơi “Tài chính thông minh” được thiết kế theo mô hình hiện đại, kết hợp giữa các vòng thi trực tuyến trên nền tảng VioEdu và những hoạt động trải nghiệm thực tế. Học sinh sẽ vượt qua các thử thách tài chính theo cấp độ, được rèn luyện các kỹ năng rất thật – rất đời – như lập kế hoạch tài chính, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và hiểu giá trị đồng tiền, trước khi bước vào vòng chung kết toàn quốc. Đây chính là cách giúp học sinh tiếp cận kiến thức tài chính một cách tự nhiên, sinh động và đầy cảm hứng.
Chúng ta có thể kỳ vọng gì qua sân chơi “Tài chính thông minh” mà VioEdu và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức cho các em học sinh?
Việc Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT – thông qua hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu – phối hợp tổ chức sân chơi “Tài chính thông minh” giúp mang đến một mô hình giáo dục tài chính thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với các em học sinh. Sự đồng hành của Thời báo Ngân hàng – cơ quan truyền thông uy tín về lĩnh vực tài chính - ngân hàng dưới vai trò đồng tổ chức, cố vấn xây dựng nội dung, giúp đảm bảo tính chính thống và chất lượng chuyên môn của sân chơi, đồng thời, góp phần lan tỏa giá trị chương trình tới đúng đối tượng.
Chúng tôi kỳ vọng sân chơi “Tài chính thông minh” sẽ không chỉ dừng lại ở một cuộc thi ngắn hạn, mà trở thành một nền tảng giáo dục tài chính bền vững, được tổ chức thường niên, thu hút hàng triệu học sinh toàn quốc tham gia. Đây sẽ là môi trường để học sinh rèn luyện tư duy, thực hành kỹ năng tài chính, đồng thời, cũng là nơi để các cơ quan, tổ chức theo dõi, đánh giá và điều chỉnh định hướng giáo dục tài chính cho các em học sinh một cách hiệu quả và thực chất.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tai-chinh-thong-minh-mo-hinh-giao-duc-tai-chinh-thiet-thuc-162621.html
Bình luận (0)