PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu tại Diễn đàn |
Chân dung nghề trong bối cảnh mới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, chúng ta đang cùng nhau chứng kiến và tham gia vào sự phát triển năng động những cũng đầy biến động khó lường của thị trường tài chính Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, phức tạp hơn; Cùng với đó, nhu cầu quản lý tài sản, đầu tư hiệu quả và đảm bảo an toàn tài chính của người dân ngày càng gia tăng. Bối cảnh đó đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về quản lý tài chính cá nhân chuyên nghiệp cho người dân.
Vai trò của những nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp là rất quan trọng. Họ phải trở thành cầu nối, là người dẫn đường tin cậy, giúp người dân không chỉ quản lý tài sản hiệu quả mà còn xây dựng một tương lai tài chính vững chắc. Một thị trường tài chính chỉ có thể phát triển thực sự bền vững khi có sự tham gia của những nhà đầu tư có hiểu biết, được định hướng đúng đắn và được bảo vệ bởi những chuẩn mực nghề nghiệp rõ rang, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương khẳng định.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chân dung của nhà hoạch định tài chính cá nhân phải hội tụ nhiều yếu tố. Trong đó, người làm nghề phải có khả năng phân tích tài chính của khách hàng; xây dựng, đưa ra các giải pháp tài chính tối ưu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; có kỹ năng giao tiếp, tư vấn và khả năng lắng nghe để hiểu rõ nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của từng khách hàng; Và quan trọng nhất phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Qua đó, thúc đẩy các định chế tài chính hoạt động hiệu quả; hỗ trợ chức năng giám sát thị trường, góp phần tư vấn, phản biện chính sách.
Trong hoạt động của ngành Ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Giám đốc Trung tâm Khách hàng ưu tiên HDBank cho rằng, nhà hoạch định tài chính cá nhân chuyển từ vai trò “bán hàngˮ sang “tư vấn tài chính chuyên sâuˮ; chuyển từ tư duy “giao dịchˮ sang mô hình “đồng hành dài hạnˮ. Họ sẽ thiết kế kế hoạch tài chính cá nhân hoá và đồng hành cùng khách hàng trong quá trình triển khai thực tế; dẫn dắt tư duy tài chính có trách nhiệm và bền vững; am hiểu các nguyên tắc ESG và tài chính bền vững; có kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng truyền cảm hứng; hành xử chuyên nghiệp, chính trực và đáng tin cậy…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Đào tạo Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ cho rằng, trong giai đoạn mới, bảo hiểm nhân thọ là một mảnh ghép trong bức tranh tài chính tổng thể của cá nhân khách hàng, hoạch định tài chính cá nhân là kỹ năng không thể thiếu. Nhà hoạch định tài chính cá nhân không chỉ là người bán sản phẩm mà còn là người bạn đồng hành, tư vấn chuyên nghiệp, giúp khách hàng đạt được mục tiêu tài chính của mình. Để đáp ứng yêu cầu này, nhà hoạch định tài chính cá nhân cần liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương chia sẻ, nghề hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam còn khá mới, cần được định hình rõ ràng hơn về tiêu chuẩn và chức năng. Việc làm rõ "chân dung" và "vai trò" này là cực kỳ quan trọng, bởi nó không chỉ phát triển một ngành nghề cần thiết mà còn trực tiếp góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, củng cố niềm tin và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Sớm có khung pháp lý cho nghề mới
Để để phát triển nghề hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, các chuyên gia đề xuất cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2020); tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho nghề hoạch định tài chính cá nhân là yêu cầu tất yếu và cấp bách hiện nay, trong đó cần thiết triển khai một Chương trình quốc gia về nâng cao dân trí tài chính, quản lý, hoạch định tài chính cá nhân; đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò tài chính cá nhân, gia đình và vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân; xây dựng chân dung nhà hoạch định tài chính cá nhân cần phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Thực tế, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) cho biết, Việt Nam hiện chưa có giấy phép riêng và khung năng lực thống nhất cho hành nghề tư vấn tài chính nên cần thiết lập chuẩn hành nghề chuyên biệt, tách biệt với giấy phép môi giới; thiết lập hệ thống phân cấp năng lực để người dân có thể nhận diện và đánh giá được chất lượng tư vấn một cách minh bạch; xây dựng và áp dụng khung năng lực cho lực lượng tư vấn – đồng thời chuẩn hóa quy trình tư vấn theo nhu cầu khách hàng. Đồng thời, các cơ sở giáo dục thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo – tổ chức hành nghề – chuẩn năng lực quốc tế.
Trước những trao đổi đầy tâm huyết của các diễn giả, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương khẳng định, Diễn đàn không chỉ là một sự kiện học thuật, mà còn là cơ hội để kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau thảo luận, định hướng cho một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển như hoạch định tài chính cá nhân.
“Chúng tôi tin rằng, việc tạo ra một không gian đối thoại cởi mở, chuyên sâu ngay tại Học viện sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, và hướng tới việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhà hoạch định tài chính cá nhân trong tương lai. Đây cũng chính là những cơ sở quý báu cho chúng tôi trong việc xây dựng, triển khai các Chương trình đào tạo nói chung và Chương trình đào tạo Hoạch định và tư vấn tài chính nói riêng. Qua đó, đóng góp một phần thiết thực vào sự phát triển chuyên nghiệp, bài bản của ngành hoạch định tài chính cá nhân, và xa hơn nữa là góp phần xây dựng một thị trường tài chính Việt Nam ngày càng minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương khẳng định.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chuan-hoa-quy-dinh-nghe-hoach-dinh-tai-chinh-ca-nhan-theo-tieu-chuan-quoc-te-162682.html
Bình luận (0)