“Đòn bẩy” nông nghiệp công nghệ cao
Đất đai, khí hậu và sông suối trên địa bàn huyện Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 704 hộ và cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi cũng phát triển mạnh với 157 trang trại, chủ yếu áp dụng mô hình lạnh khép kín. Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm), Anova Agri, Vinamit đã chọn Phú Giáo làm nơi đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) quy mô hàng trăm ha. Điển hình như Khu nông nghiệp Unifarm ở xã An Thái có diện tích hơn 400 ha, chuyên trồng cây ăn trái theo công nghệ Israel. Tại xã Phước Sang, 2 khu sản xuất của Anova và Vinamit áp dụng thành công mô hình hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cung ứng thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Sau hơn 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích khu NNCNC An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định và có khả năng nhân rộng cho người nông dân. Cụ thể như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel, điều khiển tự động bằng máy tính, theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu mang lại doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm. Theo lãnh đạo Unifarm, công ty xác định đầu tư vào nông nghiệp không phải để cạnh tranh hay thay thế vai trò của nông dân mà là hợp tác để nông dân có thể sản xuất như Unifarm, đồng thời có thể khai thác hiệu quả những nền tảng về thị trường và chuỗi cung ứng của Unifarm. Từ chuyển giao công nghệ của công ty, đến nay đã có nhiều công ty, trang trại và nông hộ vươn lên trở thành những đơn vị uy tín trong ngành.
Ông Tô Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết bên cạnh đầu tư hệ thống tưới tự động hay nhà kính, các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện đang tích cực ứng dụng thiết bị cảm biến, phần mềm phân tích dữ liệu và hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh. Nhờ vậy, nông dân có thể điều chỉnh hoạt động canh tác kịp thời, giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả sản xuất. Toàn huyện hiện có 107 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP. Đây là bước đệm quan trọng giúp nông sản huyện Phú Giáo dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại và thị trường xuất khẩu. “Các mô hình phát triển NNCNC tại huyện Phú Giáo cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Người nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ thay thế các sản phẩm hóa học; đồng thời áp dụng các kỹ thuật tái sử dụng, tái chế chất thải và nước thải trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, ông Tô Văn Đạt nói.
Hướng đến du lịch sinh thái
Hiện nay, tham quan các trang trại NNCNC là một trong những hoạt động du lịch tiêu biểu của huyện Phú Giáo. Điển hình như khu NNCNC An Thái, đến đây du khách vừa có thể tham quan vừa học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, đặc biệt là mô hình trồng dưa lưới, chuối hữu cơ và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Trang trại Chiến Thắng Citafarm (xã Tam Lập) cũng là nơi lý tưởng cho các bạn trẻ đến trải nghiệm với loại hình tham quan vườn cây ăn trái đầy đủ các loại đặc trưng của tỉnh. Đến đây, mọi người có thể trải nghiệm cảm giác thú vị với hoạt động câu cá giải trí, khám phá khu rừng nguyên sinh với diện tích hơn 10 ha.
Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, địa phương đang từng bước định hình hướng đi mới cho ngành công nghiệp, đó là kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp hiện đại với phát triển du lịch trải nghiệm. Đây được xem là mô hình phát triển bền vững, vừa nâng cao giá trị nông sản vừa tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm NNCNC trên địa bàn huyện vẫn chưa trở thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho du khách. Nhiều trang trại còn gặp khó khăn trong việc đón tiếp khách tham quan do yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, bảo mật công nghệ. Một số điểm du lịch tiềm năng khác như suối Rạt (xã An Bình), khu du lịch Hang Cọp (xã Tam Lập) chưa hoạt động ổn định, thậm chí ngừng hoạt động do ít khách hoặc ảnh hưởng từ khai thác khoáng sản. Một trong những trở ngại lớn nhất khiến du lịch địa phương chưa phát triển là thiếu quy hoạch, định hướng dài hạn. Do vậy, hầu hết các điểm đến còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có các sản phẩm du lịch trọn gói hay chỉ số thống kê rõ ràng về lượng khách, doanh thu. Trong khi đó, địa phương chưa có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch...
Nhằm giải quyết những hạn chế nói trên và những thách thức đặt ra hiện nay, huyện Phú Giáo đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái một cách bài bản, gắn với các chương trình lớn của Trung ương và của tỉnh...
Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo: Phú Giáo có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Với hệ thống trang trại sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, cùng với cảnh quan sinh thái và bản sắc văn hóa địa phương đa dạng, phong phú, huyện Phú Giáo có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo định hướng làng thông minh. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, khuyến khích mô hình sản xuất kết hợp du lịch, đặc biệt tại các huyện phía Bắc, trong đó có Phú Giáo. Đây là động lực lớn để địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững. |
TIẾN HẠNH
Nguồn: https://baobinhduong.vn/huyen-phu-giao-khai-thac-loi-the-nong-nghiep-de-phat-trien-xanh-a345682.html
Bình luận (0)