Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiệu quả trồng ngô trên bãi bồi sông Gâm

BHG - Hàng năm, khoảng từ tháng 1 đến tháng 7, nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rút đi, để lại những khoảng đất bồi trống bằng phẳng với lượng phù xa màu mỡ của dòng sông Gâm. Tận dụng những diện tích đất này, người dân thị trấn Yên Phú và các xã Lạc Nông, Yên Phong, Yên Định, Thượng Tân, Minh Ngọc (Bắc Mê) tranh thủ làm đất trồng ngô, góp phần tăng thêm thu nhập.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang24/05/2025

BHG - Hàng năm, khoảng từ tháng 1 đến tháng 7, nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rút đi, để lại những khoảng đất bồi trống bằng phẳng với lượng phù xa màu mỡ của dòng sông Gâm. Tận dụng những diện tích đất này, người dân thị trấn Yên Phú và các xã Lạc Nông, Yên Phong, Yên Định, Thượng Tân, Minh Ngọc (Bắc Mê) tranh thủ làm đất trồng ngô, góp phần tăng thêm thu nhập.

Huyện Bắc Mê được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông suối dày đặc, đặc biệt là dòng sông Gâm hiền hòa chảy qua địa bàn huyện. Vào mùa nước rút, những bãi bồi ven sông với đất phù sa màu mỡ đã trở thành vùng canh tác quan trọng, trong đó có cây ngô, loại cây lương thực đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Để đảm bảo có thu hoạch, trước khi nước dâng lên, các hộ gia đình đã chọn các giống ngô lai ngắn ngày, cho sản lượng cao và giống ngô nếp địa phương. Nhiều người dân cho biết, trồng ngô trên diện tích đất này, không cần phải bón phân mà chỉ cần cày tơi xốp đất là tiến hành tra hạt, sau đó chăm sóc làm cỏ theo định kỳ, ngô phát triển rất tốt và cho sản lượng cao hơn so với trồng ở những nơi khác, bởi đất phù xa giàu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, huyện Bắc Mê đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân rà soát diện tích gieo trồng; chủ động các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Diện tích cây ngô được trồng trên bãi đất bồi sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Diện tích cây ngô được trồng trên bãi đất bồi sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Anh Nguyễn Văn Tuyết, thôn Nà Vìn, thị trấn Yên Phú, chia sẻ: Tận dụng diện tích đất bồi bên dòng sông Gâm trong mùa nước rút, năm nay gia đình tôi trồng khoảng 4,6 ha ngô. Do đất bồi rất nhiều phù sa nên không cần phải sử dụng phân bón, cây ngô vẫn sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến đến cuối tháng 6, đầu tháng 7.2025 diện tích ngô sẽ cho thu hoạch.

Tương tự, anh Nông Văn Vương, thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông, cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 3 ha cây ngô lai ngắn ngày, hiện cây ngô đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hy vọng năm nay mưa thuận, gió hòa để gia đình tôi có thể thu hoạch toàn bộ diện tích ngô vì năm 2024 do lượng mưa nhiều, nước dâng nên một phần diện tích ngô bị ngập, không kịp thu hoạch.

Theo ngành chuyên môn huyện Bắc Mê, năm nay người dân trồng ngô trên bãi đất bồi của dòng sông Gâm với tổng diện tích trên 162 ha, trong đó: Thị trấn Yên Phú trồng khoảng 15,5 ha; xã Lạc Nông trồng gần 8,5 ha; Thượng Tân trồng khoảng 1 ha; Yên Phong trồng trên 53 ha; Yên Định và Minh Ngọc trồng trên 42 ha. Trồng ngô trên bãi bồi sông Gâm không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn giúp người dân Bắc Mê nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, việc trồng ngô trên bãi bồi sông Gâm cũng đối mặt với một số thách thức như sâu bệnh, đặc biệt khí hậu diễn biến phức tạp, lượng mưa nhiều nên dễ xảy ra lũ lụt gây ngập úng. Do đó, người dân có thể sẽ mất trắng diện tích ngô gieo trồng nếu không tính toán kỹ thời gian gieo trồng, thu hoạch kịp thời vụ. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần theo dõi thời tiết, tuyệt đối đảm bảo an toàn về người trong quá trình sản xuất.

Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/hieu-qua-trong-ngo-tren-bai-boi-song-gam-aef204c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm