Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồ Đình Phục, nung yêu thương chảy vào từng nhịp tim

Việt NamViệt Nam13/04/2025


(QBĐT) - Trong cuộc đời sự nghiệp của văn nghệ sĩ chỉ cần một đôi câu “cắm rễ” trong lòng của công chúng chính là một niềm hạnh phúc lớn. Mỗi một phong cách nghệ thuật sẽ phác họa nên chân dung nghệ sĩ, chính tác phẩm sẽ làm nên tên tuổi tác giả, và đôi khi nó đến một cách bất ngờ nhất, có thể là sau khi vừa ngủ dậy, ta bỗng dưng “nổi tiếng” có hàng nghìn người theo dõi, chia sẻ tác phẩm của mình dù được sáng tác từ thời xa lắc... Người ở đây mà tôi muốn nói đến đó là tác giả thơ, nhạc Hồ Đình Phục...

 

Mới đây, trên khắp các trang mạng xã hội hàng nghìn lượt chia sẻ ca khúc “Đất mẹ yêu thương Quảng Trị-Quảng Bình” của tác giả thơ, nhạc Hồ Đình Phục với những hiệu ứng rầm rộ, “đa chiều”. Tôi gọi điện thoại cho ông đùa rằng: “Cảm giác như thế nào sau một đêm bỗng dưng “được” nổi tiếng?” Ông cười to sảng khoái, chưa nói gì, mà hát liền ngay ca khúc đang “hót”: “Có những tháng ngày không thể nào quên, có những niềm yêu xa rồi lại nhớ. Có những dòng sông sáng ngời muôn thuở ...

Đất mẹ yêu thương sâu lắng nghĩa tình... Quảng Bình ơi, ơi Quảng Trị ơi...”

 

Tôi cũng vô thức gõ nhịp trên bàn hòa theo cùng giai điệu thiết tha, sâu lắng và cũng rất đỗi tự hào. Tự dưng thấy không còn tách biệt về khoảng cách địa lý, sông núi nối liền nhau, lời ca hòa vào một, và tình người trở nên thắm thiết, nghĩa tình.

Tác giả thơ-nhạc Hồ Đình Phục.
Tác giả thơ-nhạc Hồ Đình Phục.

Qua hiệu ứng “âm nhạc” của Hồ Đình Phục (bút danh Binh Son) người ta bắt đầu quay trở lại tìm hiểu và đào sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả U70 “phát tiết” muộn mằn này. Hồ Đình Phục bén duyên đầu tiên không phải nhạc mà là thơ. Một chàng trai sống ở vùng sơn cước, trót yêu và say đắm cảnh sắc núi rừng. Từ tình yêu ấy, Hồ Đình Phục đã trở thành một chiến sĩ kiểm lâm bảo vệ và phát triển những cánh rừng. Khoác lên mình bộ đồng phục màu xanh lá anh lại càng tự hào và yêu thêm công việc của mình. Với anh, rừng là quê hương, là hơi thở...

 

40 năm trong nghề nhưng Hồ Đình Phục chỉ có 4 năm ngắn ngủi công tác ở trên quê hương Tuyên Hóa-Quảng Bình, còn lại 36 năm là gắn bó với núi rừng Quảng Trị. Trong mỗi chuyến băng rừng lội suối, Hồ Đình Phục đã viết nên rất nhiều bài thơ theo từng cung bậc cảm xúc của mình:

 

“Rừng ơi!

Tình nghĩa vẹn toàn.

Núi cao dốc đứng vô vàn hiểm nguy

Gian lao anh chẳng sá gì

Bám rừng dẫu bước chân đi tím bầm

Xanh màu chiếc áo Kiểm lâm

Sắt son một dạ quyết tâm giữ rừng”.

 

Công việc là vậy, luôn dành hết tâm huyết và trách nhiệm của một chiến sĩ kiểm lâm nhưng Hồ Đình Phục cũng đôi khi, có những giây phút chạnh lòng, đứng trước rừng sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa không gian bao la, vô tận: “Rừng chiều ngọn gió lao xao/Thu vàng xác lá phương nào tìm anh/Mịt mù giữa chốn rừng xanh/Thương anh sợi nhớ mong manh sớm chiều/Em ơi gian khó còn nhiều...”. Chính vùng “riêng nhớ” đó là cội nguồn sức mạnh để cho Hồ Đình Phục vững vàng tâm trí hơn mỗi khi nghĩ về.

Hơn 400 bài thơ, đã ra đời trong hoàn cảnh đó, và Hồ Đình Phục đã phải lòng người con gái núi rừng Quảng Trị. Từ đây anh có cớ để thương để nhớ, để viết về vùng đất này nhiều hơn:

“Em trong tôi một bóng hình bé nhỏ.

Chút nghiêng chao giữa sóng gió cuộc đời

Trút vào lòng bao đắng ngọt đầy vơi”

 

Và rồi tất cả cũng qua, những ngày gian lao, cách trở, nhớ nhung... cuối cùng người chiến sĩ kiểm lâm cũng kết thúc nhiệm vụ, 40 năm bảo vệ và phát triển rừng, được nghỉ hưu và trở về quê hương, vào năm 2016.“Tạm biệt nhé ráng chiều buông nắng lạ/Cánh chim bay ngọn gió núi ngọt mềm.../Tạm biệt nhé sức xuân thời trai trẻ/Ta hiến dâng tất cả hết cho rừng...”. Và đây có lẽ chính là bước ngoặt, là dấu ấn để cho tác giả thơ, nhạc Hồ Đình Phục-Binh Son rẽ sang một con đường khác, đầy thăng hoa và có tính nhạc điệu hơn. Từ thơ, Hồ Đình Phục đã “biến tấu” qua nhạc thật tự nhiên. Những bài hát của ông được giới chuyên môn trong lĩnh vực âm nhạc đánh giá cao, và được đông đảo quần chúng đón nhận, đến nay có hơn 60 ca khúc do ông tự sáng tác và phổ nhạc, còn một số khác thì được các nhạc sĩ phổ nhạc từ các bài thơ của ông.

 

Nhạc và thơ như những nhịp trình của thời gian, đan xen tâm trạng và cảm xúc của tác giả, như ca khúc: Xanh những cánh rừng, Đừng để rừng đau, Vẫn đợi anh về, Anh với rừng-biển và em, Khoảng chiều...

 

Với tâm hồn và tình yêu dành cho thơ nhạc, cuối cùng cũng được đền đáp, đó là năm 2022 tác giả Hồ Đình Phục được kết nạp vào Phân hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình.

 

Như con thác ẩn dưới cánh rừng vươn mình ra biển lớn, nhạc Hồ Đình Phục đã chạm đến trái tim của nhiều người và không còn nằm trong phạm vi hẹp của dải đất miền Trung, chỉ cần nơi nào yêu mến thơ nhạc Hồ Đình Phục-Binh Son thì ở đó lại cất vang lên những lời ca. Bước đầu nhạc Hồ Đình Phục đã gặt hái được nhiều quả ngọt. Ca khúc “Giữ đạo nghề công chính liêm minh” đoạt giải nhì toàn quốc cuộc vận động sáng tác về Tòa án nhân dân, do Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Ca khúc “Vang lên trong tim mình” đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác về Đoàn Thanh niên do Tỉnh đoàn Quảng Bình phát động. Ca khúc “Quảng Bình hôm nay” đoạt giải khuyến khích trong cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình... Nhiều tạp chí địa phương và báo chí trung ương đã đăng tải thơ-nhạc của Hồ Đình Phục. Đặc biệt, sự ra đời của tập sách “Dấu ấn” vào năm 2021 đã góp phần đưa những tác phẩm của ông đến gần với công chúng hơn.

 

Giờ đây, bên dòng Nhật Lệ bình yên, trong xanh, gia đình ông sống ở đó, nhưng những năm tháng cũ, ký ức cũ vẫn luôn chảy một cách đằm thắm dịu dàng và có lúc bùng lên trong huyết quản để thơ, nhạc Hồ Đình Phục-Binh Son có thêm những bước đi mới, ngã rẽ mới...

Trác Diễm



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/ho-dinh-phuc-nung-yeu-thuong-chay-vao-tung-nhip-tim-2225584/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm