Hiện Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các địa phương đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần có kế hoạch hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài khoảng 1.188 km, trong đó Bộ Xây dựng và VEC thực hiện 17 dự án/889 km, các địa phương thực hiện 11 dự án/299 km.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đến nay tiến độ đa số các dự án bám sát kế hoạch, nhiều dự án vượt tiến độ đề ra, mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi. Trong đó, dự kiến dịp 30/4/2025 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 20 km của Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành và 70 km đoạn cuối của Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang; thông xe tuyến chính 4 dự án cao tốc, với chiều dài 158 km gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Bùng – Vạn Ninh, Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đặc biệt, sau khi các đoàn do các Phó Thủ tướng Chính phủ kiểm tra có chỉ đạo, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ thi công, sản lượng tăng so với thời gian trước đó như Dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Bùng - Vạn Ninh, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang, Hữu Nghị - Chi Lăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Thủ Đức và Long An...
Các đơn vị, địa phương đang hạ quyết tâm hoàn thành mục tiêu lớn 3.000 km đường bộ cao tốc. Trong ảnh: Hình hài cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang dần được hình thành. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, vướng mắc, tồn tại chưa được giải quyết triệt để. Đơn cử như Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Khánh Hòa mới chỉ đạt 38% khối lượng, Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 22%, Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang mới đạt 30%... Khối lượng còn lại rất lớn, đòi hỏi các đơn vị chủ động khắc phục khó khăn, tăng ca, tăng kíp, tổ chức thi công khoa học mới đáp ứng khả năng hoàn thành trong năm nay.
Tại hội nghị, các địa phương đã có báo cáo kết quả trong tổ chức triển khai dự án thi công đường cao tốc; giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng, đất đắp... Đồng thời cũng kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Với tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục bàn giao các bãi chứa vật liệu thừa của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để quản lý theo quy định. Phó Chủ tịch cho biết, thực tế khối lượng vật liệu thừa trong quá trình thi công Dự án thành phần 3 rất lớn, hiện tại chủ yếu đổ trên đất của người dân, buộc phải bàn giao lại. Trong khi đó, việc tìm kiếm vị trí đổ thải mới và chi phí vận chuyển rất tốn kém, vướng thủ tục, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên tỉnh kiến nghị bộ, ngành liên quan sớm cho ý kiến để địa phương giải quyết vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025 là mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bắt buộc phải hoàn thành và yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tăng tốc, bứt phá để về đích. Thủ tướng cũng khẳng định, địa phương nào thuận lợi về giao thông thì thu hút đầu tư thuận lợi. Đường mở lớn thì sẽ mở ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới; giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm… Mặt khác, việc hoàn thành 3.000 km cao tốc góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Thảm bê tông nhựa tại gói thầu số 3 Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Thủ tướng chỉ rõ, khối lượng công việc còn lại của các dự án còn rất lớn, do vậy đòi hỏi quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Các đơn vị, địa phương phải thực hiện nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.
Chúng ta đã thấy hình hài con đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, song không thể chủ quan mà phải tiếp tục phát huy tinh thần tiến công, thần tốc, đột phá hơn nữa; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Đối với các địa phương còn khối lượng gải phóng mặt bằng lớn cần huy động hệ thống chính trị vào cuộc, vận dụng linh hoạt các chính sách, không để người dân thiệt thòi, chú ý đời sống vật chất, tinh thần và sinh kế cho người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Các tỉnh gồm Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Long An phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để hoàn thành di dời đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Các nhà thầu tiếp tục phát huy tinh thần thi công "vượt nắng, thắng mưa", "tăng ca, tăng kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Mặt khác, cần kịp thời động viên tinh thần đối với cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, áp dụng chế độ thưởng phù hợp.
Nhà thầu thi công gói thầu số 1 Dự án thành phần 3. |
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các dự án hoàn thành đúng hoặc vượt tiến độ; đồng thời cần có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các nhà thầu không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến tiến trình chung.
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/hoan-thanh-3000-km-duong-bo-cao-toc-muc-tieu-lon-quyet-tam-cao-9fc178e/
Bình luận (0)