Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm

(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy định về công bố, đăng ký sản phẩm thực phẩm nhằm tăng cường quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ25/07/2025

Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm- Ảnh 1.

Tăng cường quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm

Theo Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thiết lập cơ chế pháp lý trong quản lý thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, do có nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã thiết lập cơ chế pháp lý linh hoạt hơn trong quản lý thực phẩm dựa trên tình hình thực tiễn, đặc biệt là cơ chế hậu kiểm, quản lý rủi ro, đơn giản và cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá là thành tựu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với hiệu quả cao “giảm trên 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng” và được Chính phủ đánh giá là hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc như thực phẩm bổ sung giả, sữa bột giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện: Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2015, 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025, 65/CĐTTg ngày 15/5/2025, 72/CĐ-TTg ngày 24/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/05/2025 chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, cùng với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Từ thực tế những vụ việc gần đây cho thấy cả Luật và Nghị định số15/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố và quảng cáo thực phẩm và đây là những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm và cần được sửa đổi, bổ sung ngay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Do đó, để kịp thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc do quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế xử lý một số khó khăn, vướng mắc của pháp luật về an toàn thực phẩm là rất cần thiết.

Mục đích xây dựng Nghị quyết quy định về công bố, đăng ký sản phẩm thực phẩm nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP; tăng cường quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm

Dự thảo Nghị quyết đề xuất quy định 2 cơ chế quản lý thực phẩm là công bố tiêu chuẩn áp dụng (tự công bố), đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ quy định cụ thể trường hợp nào thì áp dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng, trường hợp nào thì áp dụng đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, tránh trường hợp doanh nghiệp tự xác định, xếp nhóm sản phẩm và áp dụng thủ tục công bố không đúng tiêu chí, tính chất của sản phẩm, cụ thể:

1- Đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc có quy chuẩn quốc gia nhưng không có chỉ tiêu chất lượng và vi chất dinh dưỡng thì thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng.

2- Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi thì thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước, sản phẩm nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ được miễn thực hiện thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu nhằm phục vụ viện trợ được miễn thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển




Nguồn: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-tang-cuong-quan-ly-chat-luong-san-pham-thuc-pham-102250725105224105.htm


Chủ đề: Thực phẩm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm