Toàn cảnh hội thảo.
Có lịch sử hình thành và phát triển hơn 700 năm, từ hương Chủ Sơn đời Trần, đến thôn (làng) Thủy Chú thời Lê, Nguyễn, rồi thị trấn Nông trường Sao Vàng, thị trấn Sao Vàng thời hiện đại. Ngay từ thời Lý, Trần, bộ tộc người Mường đã về đây sinh sống, sau đó các dòng họ khác như: Trịnh, Lê, Bùi, Nguyễn..., từ nhiều nơi trên mọi miền đất nước đã hội tụ, cùng với bộ tộc người Mường lập làng, sinh cơ, lập nghiệp.
Trong đó, họ Trịnh đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình khai phá, phát triển của vùng đất này. Ngoài Tuyên từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương là nhân vật lịch sử lớn, "người dựng móng đắp nền hình hành nên vương triều Hậu Lê”, còn có công thần “Bình Ngô khai quốc” Trịnh Khắc Phục, Trịnh Duy Hiếu, Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Liêu, Trịnh Duy Sản...
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Vì vậy ngày nay, trên vùng đất Thủy Chú lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: Bia mộ Thái bảo Bình Lạc hậu nước Đại Việt là Trịnh Duy Hiếu và các địa danh còn để lại dấu tích khá đậm nét như: Gò Lăng tương truyền là nơi chôn cất Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Thương; Phủ Bà là nơi thờ phụng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương; Phủ Trịnh còn gọi là nhà thờ họ Trịnh....
Các nguồn tài liệu thư tịch cổ (những ghi chép trong chính sử, tộc phả và văn bia...) ghi chép về vùng đất Chủ Sơn còn được lưu giữ đến ngày nay là những bằng chứng hết sức có giá trị, góp phần minh xác về sự có mặt của dòng họ Trịnh - là lớp cư dân đầu tiên và có công đầu trong công cuộc “khai sơn phá thạch” lập nên vùng đất Chủ Sơn từ thế kỷ XIII (thời Trần).
18 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, du lịch... thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan chuyên môn ở trung ương và địa phương tại hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính là: Bối cảnh lịch sử, cảnh quan và vị trí của vùng đất Thủy Chú; Các nhân vật lịch sử tiêu biểu; Việc bảo tồn phát huy các di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Thủy Chú hiện nay.
Trong đó đã làm sáng tỏ và thống nhất quan điểm về mối quan hệ thông gia của họ Lê ở Lam Sơn và họ Trịnh ở Thủy Chú; Vai trò và vị trí của núi Chủ Sơn (hay còn gọi là núi Chủ, núi Chẩu) “như một tiền án của Khu di tích Lam Kinh với điện miếu và sơn lăng của nhà Lê, nên rất linh thiêng”; Thao Quang (gò Lăng) - nơi luyện quân của nghĩa quân Lam Sơn, và sau này là nơi chôn cất những người họ Trịnh như Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương và những người làm quan lớn trong triều đình nhà Lê như Trịnh Khắc Phục, Trịnh Duy Hiếu...
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiến nghị mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần có kế hoạch bảo tồn, tu bổ những di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến dòng họ Trịnh - Thủy Chú nói chung và Khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục nói riêng.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra những vấn đề lớn như: Cần có sự đăng đối về vai trò và sự ảnh hưởng của “nội Cham - ngoại Chủa” với Lê Lợi; Nhanh chóng tiến hành khảo cổ học các địa điểm văn hóa lịch sử vùng đất Thủy Chú làm cơ sở cho việc xây dựng đền thờ và xác định rõ ngày kị của Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương; mở rộng không gian lăng mộ dòng họ Trịnh - Thủy Chú...
Cùng với đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, như: thẩm định công nhận Từ đường dòng họ Trịnh - Thủy Chú là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; Xây dựng đền thờ Khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục và các nhân vật lịch sử nổi tiếng khác trên đất Thủy Chú; Bảo tồn khu lăng mộ cổ trên đồi Thao Quang (còn gọi là Gò Lăng) và Phủ Trịnh; Phục dựng lại điện Hoằng Kính thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương...
Các thành viên của Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm.
Đặc biệt, các tham luận đều khẳng định việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở vùng đất Thủy Chú chính là cơ sở tạo động lực ban đầu cho du lịch thị trấn Sao Vàng, tận dụng tối đa vị trí chiến lược gần sân bay Thọ Xuân và các tài nguyên sẵn có.
KIỀU HUYỀN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoi-thao-khoa-hoc-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-lich-su-van-hoa-vung-dat-thuy-chu-245354.htm
Bình luận (0)