Không chỉ là nhân chứng của sự kiện trọng đại, mang ý nghĩa bước ngoặt, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi cùng cán bộ, nhân viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam còn trải qua quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ, cam go giữa lòng địch, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi sinh ra và lớn lên ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Khi đang là sinh viên của Trường Cán bộ Thể dục Thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục Thể thao), theo tiếng gọi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, năm 1971, ông Lãi cùng hàng triệu thanh niên khi đó xung phong ra chiến trường. Sau quá trình huấn luyện ông Lãi được điều về công tác tại Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi được cử làm nhân viên Ban Chính trị, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi cùng kỷ vật là lá cờ giải phóng. 

Thời điểm đó, địch bố trí Trại Davis (khu vực gần Sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc địa bàn phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên và là chỗ ở cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sống, làm việc giữa lòng địch, ông Lãi cùng cán bộ, nhân viên phái đoàn của ta vừa đấu trí, đấu sức trước các thủ đoạn tấn công rất tinh vi, thâm độc của kẻ thù nhằm làm lung lạc ý chí chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng.

“Trại Davis vốn là một doanh trại cũ của địch, chúng tôi được bố trí ở trong những căn nhà kiểu dã chiến, lụp xụp, vào mùa hè, hơi nóng từ mặt đất xung quanh và mái nhà cùng bốc lên, địch còn thường xuyên cắt điện, nước, khiến cán bộ, nhân viên đều rất khó chịu, ngột ngạt”, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi bồi hồi nhớ lại.

Không chỉ gây khó khăn về nơi ở, sinh hoạt, xung quanh trại Davis, địch còn quây kín dây thép gai, bố trí nhiều thiết bị nghe lén, thường xuyên cho lực lượng khiêu khích, biểu dương lực lượng hòng đe dọa tinh thần của cán bộ, nhân viên trong phái đoàn ta... Dù điều kiện sống khó khăn, bị địch khủng bố tinh thần nhưng theo ông Lãi, ông cùng đồng đội vẫn khắc phục khó khăn, giữ vững lòng tin theo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Chúng tôi vẫn duy trì nền nếp, giờ giấc làm việc, sinh hoạt, chơi thể thao. Phái đoàn còn tổ chức tăng gia sản xuất để thư giãn, nâng cao đời sống và tiến hành kiểm tra chặt chẽ các loại thực phẩm, đồ ăn để đề phòng địch đầu độc”, ông Lãi kể.

Trước bước tiến thần tốc trên chiến trường của quân giải phóng, nhất là từ tháng 3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên của ta giành được thắng lợi vang dội, không khí xung quanh Trại Davis ngày càng căng thẳng, địch tăng cường canh gác, quan sát, thăm dò, khiêu khích. 

Thời khắc cựu chiến binh Phạm Văn Lãi cắm cờ trên tháp nước của Trại Davis. Ảnh do nhân vật cung cấp

Với sự lạc quan, niềm tin vào ngày toàn thắng, ông Lãi cùng đồng đội tích cực chuẩn bị cho ngày tổng tiến công. Khoảng 8 giờ sáng ngày 30-4, ông Phạm Văn Lãi được cấp trên giao nhiệm vụ vào kho lấy cờ giải phóng và giao cho vệ binh treo lên điểm cao nhất của Trại Davis. Nhận thấy tính khẩn trương của nhiệm vụ, ông Lãi cùng đồng đội là ông Nguyễn Văn Cẩn chủ động thực hiện.

“Chúng tôi lúc đó đều rất vui mừng, háo hức và tất bật, xác định tháp nước có vị trí cao nhất, tôi cùng anh Cẩn chạy tới để treo cờ. Trên đường chạy đến đó, tôi thấy có một đoạn ống nước bằng sắt, nghĩ đây là vật chắc chắn, chịu được sức gió, tôi tận dụng để làm cán cờ”, ông Phạm Văn Lãi kể lại.

Đến bên tháp nước, ông Lãi leo lên trước, ông Cẩn theo sau. Lên đến đỉnh hai ông cùng buộc cờ, khi cảm thấy chắc chắn, cựu chiến binh Phạm Văn Lãi quyết định tung cờ. Đứng trên điểm cao nhất của Trại Davis, nhìn lá cờ giải phóng kiêu hãnh bay trong gió, ông không kìm được nước mắt. “Chúng tôi ai cũng tự hào, xúc động, vậy là sau bao năm gian khổ, bị địch kìm kẹp, quê hương bị bom đạn tàn phá, nay đất nước đã được thống nhất”, ông Phạm Văn Lãi cho biết.

Rất may mắn lúc đó, cán bộ tại phái đoàn có mang theo máy ảnh đã kịp thời chụp lại khoảnh khắc cựu chiến binh Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cắm cờ trên tháp nước của Trại Davis. Bức ảnh đó cùng lá cờ giải phóng trở thành kỷ vật ông Lãi luôn lưu giữ, trân trọng cho đến tận ngày nay.

PHẠM QUYẾT

Nguồn: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/hoi-uc-cua-nguoi-cam-co-giai-phong-tai-trai-davis-mua-xuan-nam-1975-824943