Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết nối đường sắt – đánh thức tiềm năng du lịch xứ Trà

(PLVN) - Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hấp dẫn nhờ lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử - văn hoá phong phú và đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa Trà.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam25/04/2025

Tạo dấu ấn riêng cho tuyến đường sắt du lịch

Ngày mai - 26/4, Thái Nguyên sẽ chính thức khởi động Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”. Đây là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo cùng nét văn hóa và ẩm thực đặc sắc của địa phương tới du khách trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua tuyến đường sắt kết nối Hà Nội – Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung, nổi bật là việc thiết kế và thử nghiệm hệ thống truyền thông đa phương tiện ngay trên các toa tàu tuyến Hà Nội – Thái Nguyên, giới thiệu về văn hóa Trà, điểm đến du lịch và ẩm thực đặc trưng của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa Trà sẽ được xây dựng tại khu vực phòng chờ và sân ga, kết hợp với việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu. Việc quảng bá sản phẩm trà cũng sẽ được đẩy mạnh trên các nền tảng số thuộc hệ sinh thái của ngành đường sắt.

"Hành trình xứ Trà", tuyến đường sắt du lịch Hà Nội - Thái Nguyên.

"Hành trình xứ Trà", tuyến đường sắt du lịch Hà Nội - Thái Nguyên.

Cùng với đó là quy hoạch và phát triển cảnh quan dọc tuyến đường sắt đi qua Thái Nguyên như trồng hoa theo mùa, hình thành các vùng chè mang tính biểu tượng, tạo nên dấu ấn riêng cho tuyến tàu du lịch độc đáo này.

Đặc biệt, chương trình thử nghiệm chuyến tàu du lịch từ Hà Nội đến Thái Nguyên còn được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp lữ hành và đơn vị thuộc ngành đường sắt. Chuyến tàu được trang trí theo chủ đề văn hóa Trà, mở ra triển vọng xây dựng tuyến tàu chuyên biệt cho du lịch – kết nối hài hòa giữa văn hóa, trải nghiệm và phương thức di chuyển.

Tiềm năng du lịch gắn với Văn hóa Trà

Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Với hệ thống giao thông đồng bộ, Thái Nguyên có điều kiện thuận lợi để kết nối vùng, phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích đã kiểm kê, gần 300 làng nghề và 313 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, đây là nền tảng quan trọng cho phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Chè Thái Nguyên được mệnh danh là "Đệ nhất danh Trà".

Chè Thái Nguyên được mệnh danh là "Đệ nhất danh Trà".

Đặc biệt, Thái Nguyên nổi tiếng là vùng chè lớn nhất cả nước với diện tích 22,2 nghìn ha, sản lượng 267,5 nghìn tấn búp tươi. Tổng thu từ cây chè năm 2024 ước tính trên 13 nghìn tỉ đồng.

Trà Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mà còn là biểu tượng văn hóa được mệnh danh là “Đệ nhất danh Trà”. Nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét sinh hoạt mang đậm bản sắc địa phương, được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ.

Tại các vùng chè trọng điểm như Tân Cương, Phúc Xuân, La Bằng, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ du lịch: từ lưu trú, ăn uống, đến chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng không gian trải nghiệm và trưng bày sản phẩm Trà. Đây chính là điểm nhấn cho loại hình du lịch nông nghiệp – văn hóa, hướng tới du lịch xanh và bền vững.

Hiện toàn tỉnh có 12 điểm du lịch đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận. Tiêu biểu như Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Ngoài ra, các điểm du lịch cộng đồng như Tân Cương, Tân Sơn, Trung tâm thương mại du lịch Dũng Tân… là những điểm đến hấp dẫn, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định cam kết đồng hành, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà và khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên như một kênh xúc tiến trọng điểm. Các nội dung hợp tác bao gồm: kích cầu du lịch, kết nối tour tuyến, quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức các chương trình truyền thông và trải nghiệm thực tế.

Trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, việc tạo ra các sản phẩm đặc thù, gắn với bản sắc địa phương như văn hóa Trà, kết hợp với phương thức di chuyển độc đáo như tàu hỏa, chính là hướng đi tiềm năng để Thái Nguyên trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Nguồn: https://baophapluat.vn/ket-noi-duong-sat-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-xu-tra-post546551.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm