Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai mở du lịch sinh thái trên dãy Tây Côn Lĩnh

BHG - Ngày 6.12.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1723/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTT) Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2024 – 2030. Đây là căn cứ pháp lý giúp khai mở cánh cửa phát triển các loại hình du lịch mới của tỉnh nói chung và vùng núi đất phía Tây nói riêng.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang27/04/2025

BHG - Ngày 6.12.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1723/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTT) Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2024 – 2030. Đây là căn cứ pháp lý giúp khai mở cánh cửa phát triển các loại hình du lịch mới của tỉnh nói chung và vùng núi đất phía Tây nói riêng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh thành lập năm 2002, nằm trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Tổng diện tích tự nhiên 15.012 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 6.414,55 ha, phân khu phục hồi sinh thái 8.357,45 ha, phân khu hành chính dịch vụ 240 ha. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Cờ Lao… Điểm khám phá lý tưởng dành cho du khách yêu thích thiên nhiên với những dãy núi điệp trùng, những khu rừng nguyên sinh như trong truyện cổ tích. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh học và bảo tồn; trong đó có 216 loài động vật hoang dã cùng hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng, nhuyễn thể và 7 ngành thực vật, 194 họ thực vật bậc cao và 1.153 loài thực vật.

Nhiều đoàn khách du lịch tham gia tour khám phá, check in đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Nhiều đoàn khách du lịch tham gia tour khám phá, check in đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Theo Ban quản lý Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu BTTT Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2024 – 2030 hướng tới mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên khu vực rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh; khai thác tiềm năng sẵn có về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan để phát triển du lịch tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần hiện thực hóa tiến trình tiến tới tự chủ về tài chính của Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Đề án xác định 10 điểm và 4 tuyến du lịch có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong Khu BTTT Tây Côn Lĩnh. Cụ thể, các điểm du lịch gồm: Rừng Trúc Hoa, Tống Quán Sủ, Thung lũng Hoa Đào, Mào Phìn, Túng Sán, Vườn thực vật, Đỉnh Tây Côn Lĩnh, Lùng Vài, suối Cự Sâu, Đán Khao; 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến từ thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) - Đỉnh Tây Côn Lĩnh – thôn Chúng Phùng, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì); tuyến từ thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) – Đỉnh Tây Côn Lĩnh – thôn Chúng Phùng, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì); tuyến từ thôn Lùng Vài, xã Phương Độ đi rừng chè cổ thụ, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); tuyến từ thôn Đán Khao, xã Cao Bồ đi Đỉnh Thượng Sơn, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên). Các tuyến du lịch được liên kết với các điểm du lịch tạo thành tuor du lịch ngắn ngày hoặc dài ngày tùy theo sở thích của du khách. Ngoài ra, các tuyến còn có thể kết hợp với các tour du lịch khác trong và ngoài tỉnh khi khách có nhu cầu khám phá các giá trị thiên nhiên và bản sắc dân tộc bản địa. Dự kiến tổng mức vốn đầu tư theo phân kỳ của Đề án chủ yếu từ hình thức cho thuê môi trường rừng, hợp tác liên kết phát triển du lịch sinh thái từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khoảng trên 900 tỷ đồng.

Khung cảnh huyền ảo trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh.
Khung cảnh huyền ảo trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu BTTT Tây Côn Lĩnh, Đề án đã xác định cụ thể 15 nhóm giải pháp, tập trung vào các vấn đề như: Bảo vệ môi trường, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng cơ chế, chính sách và công tác quản lý; nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm, đầu tư, liên kết, xúc tiến quảng bá và phát triển thị trường du lịch; phát triển cộng đồng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức hoạt động du lịch; huy động vốn và nguồn lực đầu tư; phương thức tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; thực hiện hiệu quả quy định cho thuê môi trường rừng…

Xu hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái đã trở thành mục tiêu, trách nhiệm của ngành du lịch Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 đột phá chiến lược; BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 11 về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm và mục tiêu rõ ràng là “phát triển du lịch xanh, bền vững, bản sắc; gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…”. Hi vọng rằng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Khu BTTT Tây Côn Lĩnh sẽ từng bước được hiện thực hóa, trở thành mô hình du lịch mới, thúc đẩy du lịch phát triển theo định hướng Đảng bộ tỉnh đã xác định.

Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ

Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202504/khai-mo-du-lich-sinh-thai-tren-day-tay-con-linh-70155f9/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm