Điểm trường mầm non Hú Trù Lình là nơi từng chỉ có những phòng học lắp ghép, chật hẹp, không có điện, thường xuyên bị ngập khi trời mưa lớn, các em nhỏ từ 3 đến 5 tuổi, 100% là đồng bào dân tộc H'Mông, vẫn đến lớp mỗi ngày trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Dù vậy, các em luôn mang trong mình niềm khao khát được học, được đến trường.
Giờ đây, một ngôi trường khang trang với ba phòng học sạch đẹp đã hiện diện giữa lưng chừng đồi heo hút như một phép mầu của tình yêu thương, của tinh thần sẻ chia và của lòng kiên định với giáo dục.
![]() |
Nhà giáo Văn Thùy Dương (thứ hai từ trái sang) trong niềm vui khánh thành điểm trường. |
Điểm trường Hú Trù Lình vừa là một công trình giáo dục, nhưng đặc biệt hơn còn biểu tượng cho một tâm nguyện lớn lao của cố nhà giáo Văn Như Cương, người thầy cả đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, từng khẳng định: "Nếu có thể làm được điều gì cho trẻ em vùng cao, thì đó chính là xây trường để các em được học hành đến nơi đến chốn".
![]() |
Điểm trường Hú Trù Lình được xây dựng từ mong ước của nhà giáo Văn Như Cương và sự tiếp nối đầy ấm áp của đội ngũ kế cận. |
Điểm trường là kết tinh của tình người, của lòng yêu thương và sự chung tay bền bỉ từ nhiều phía. Đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao, là tấm lòng sẻ chia của Quỹ Trò nghèo vùng cao gói trọn tình cảm và trách nhiệm của tập thể Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh.
Ngôi trường giàu truyền thống này luôn được đánh giá cao bởi chất lượng giáo dục, đồng thời đã thắp những ngọn lửa âm thầm lan tỏa yêu thương đến khắp những vùng miền khó khăn của Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, dưới sự dẫn dắt của tập thể lãnh đạo nhà trường và đặc biệt là tấm gương của thầy Văn Như Cương - người sáng lập, trường đã bắc nhịp cầu nối bền vững giữa những tấm lòng thiện nguyện và hàng chục điểm trường vùng cao. Mỗi điểm trường mang đến một thông điệp yêu thương, là lời khẳng định rằng: giáo dục là con đường duy nhất để thay đổi tương lai, trẻ em không thể bị bỏ lại phía sau chỉ vì điều kiện vùng miền còn xa xôi, thiếu thốn.
![]() |
Các phòng học được trang bị rất khang trang, đầy đủ. |
Đại diện nhà trường - ba nhà giáo Phó Hiệu trưởng Văn Liên Na, Văn Quỳnh Giao, Văn Thùy Dương cùng các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đã mang theo trang thiết bị học tập, nhu yếu phẩm sinh hoạt, mà còn mang theo cả trái tim đầy nhiệt huyết, mang theo niềm tin rằng: chỉ cần gieo được con chữ, thì dù ở nơi cao nhất của núi rừng, ước mơ cũng có thể nảy mầm.
Chúng tôi tin rằng: Giáo dục là con đường ngắn nhất để thay đổi số phận, và tình yêu thương chính là chất keo gắn kết bền lâu nhất của cộng đồng. Mong rằng ngôi trường này sẽ mãi là nơi tràn đầy tiếng cười, ánh mắt trong veo và những ước mơ đang lớn dần lên mỗi ngày.
Nhà giáo Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh
Giữa vùng núi cao heo hút Hú Trù Lình, điểm trường khang trang vừa được dựng lên. Trong từng viên gạch, từng cánh cửa của mỗi lớp học đều chứa đựng những tâm tư, câu chuyện về tâm huyết của một người thầy đã khuất và những trái tim tiếp nối hành trình gieo chữ giữa đại ngàn.
Nhà giáo Văn Như Cương vốn nổi tiếng với sự nghiêm khắc, tận tụy trong giảng dạy, cũng là biểu tượng cho trái tim ấm áp, nhân hậu luôn hướng về học sinh nghèo, nhất là học sinh vùng cao. Thầy ra đi, nhưng tâm nguyện vẫn ở lại. Gia đình, nhà trường và những người yêu quý thầy đã biến tình yêu thương thành hành động tiếp nối đầy ý nghĩa.
![]() |
Thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đã tặng nhiều món quà ý nghĩa, thiết thực cho điểm trường Hú Trù Lình. |
Ngày hôm nay, mái trường mới đã được xây dựng vững chãi, đưa ước mơ được học chữ của những học sinh H’Mông trở nên gần gũi, thiết thực hơn. Khoảnh khắc cắt băng khánh thành, ai cũng cảm nhận rõ hình bóng thầy Văn Như Cương như vẫn hiện hữu, như đang mỉm cười dịu dàng giữa ngôi trường mang đậm tình yêu thương của một nhà giáo luôn hết mực vun đắp cho sự nghiệp giáo dục.
![]() |
Niềm vui của cô giáo và học sinh vùng cao. |
Trong buổi lễ khánh thành, nhà giáo Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường xúc động bày tỏ: "Trước lúc đi xa, thầy không mong một lễ tiễn đưa long trọng, mà chỉ mong những tấm lòng yêu mến thầy hãy biến sự tiếc thương thành hành động - dùng toàn bộ số tiền phúng viếng để xây những ngôi trường cho học sinh vùng cao…".
![]() |
Dấu ấn của Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh tại điểm trường vùng cao. |
Nhà giáo Văn Thùy Dương rưng rưng khi nhắc lại tâm nguyện của cha mình. Thời gian đã trôi qua, kể từ ngày nhà giáo Văn Như Cương rời xa cõi tạm, nhưng mỗi lần bước chân đến một điểm trường nơi vùng cao, các nhà giáo cũng là con gái của thầy: Văn Liên Na, Văn Quỳnh Giao, Văn Thùy Dương đều chung cảm giác thầy vẫn ở đây, không phải bằng dáng hình mà bằng những điều thầy để lại: là một tâm nguyện, là một ngọn lửa thắp lên trong trái tim những người ở lại bằng sự tự nguyện gìn giữ và tiếp nối.
![]() |
Một hành trình đầy yêu thương và gắn bó của thầy và trò một trường học tại Thủ đô. |
"Từ ngọn lửa đầu tiên ấy, lớp lớp học trò, đồng nghiệp và những người kế cận của thầy đã không ngừng nỗ lực để tiếp nối, gìn giữ và làm lan tỏa tinh thần ấy. Không dừng lại ở việc thực hiện di nguyện ban đầu, chúng tôi đã cùng nhau cố gắng gây dựng thêm nguồn quỹ, mở rộng quy mô và khả năng hỗ trợ, để có thể làm được nhiều việc tốt hơn, xây thêm nhiều điểm trường hơn nữa - tiếp tục hành trình gieo chữ nơi những vùng đất còn nhiều gian khó", nhà giáo Văn Thùy Dương chia sẻ.
![]() |
Các em nhỏ vùng cao cần sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội. |
Cô nhấn mạnh thêm, điểm trường Hú Trù Lình hôm nay không chỉ là một mái trường, mà còn là nơi khơi gợi khát vọng học tập, kết nối yêu thương và thắp lên niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ nơi đây. Từ nơi này, những con chữ sẽ nảy mầm, những ước mơ sẽ cất cánh, và tinh thần học tập sẽ trở thành động lực để đổi thay cuộc sống.
Nhà giáo Văn Như Cương đã luôn khước từ sự tôn vinh dành cho bản thân, mà chọn gieo tiếp những hạt mầm hy vọng cho tương lai của đất nước. Với người thầy đầy ấm áp ấy, một em nhỏ được đến trường, được học chữ, được ấm áo mùa đông là cách tưởng nhớ ý nghĩa nhất.
"Chúng tôi tin rằng: Giáo dục là con đường ngắn nhất để thay đổi số phận, và tình yêu thương chính là chất keo gắn kết bền lâu nhất của cộng đồng. Mong rằng ngôi trường này sẽ mãi là nơi tràn đầy tiếng cười, ánh mắt trong veo và những ước mơ đang lớn dần lên mỗi ngày. Sẽ lại có thêm một điểm trường để chúng tôi trở về mỗi năm, mỗi ngày lễ. Không chỉ là để đem tình yêu thương của bố tôi lan tỏa đi khắp nơi mà còn để nhắc mình sống tốt hơn mỗi ngày theo đúng di nguyện của thầy Văn Như Cương", nhà giáo Văn Thùy Dương nói.
![]() |
Niềm vui tiếp nối từ mong ước của nhà giáo Văn Như Cương. |
Nhà giáo Văn Như Cương đã luôn khước từ sự tôn vinh dành cho bản thân, mà chọn gieo tiếp những hạt mầm hy vọng cho tương lai của đất nước. Với người thầy đầy ấm áp ấy, một em nhỏ được đến trường, được học chữ, được ấm áo mùa đông là cách tưởng nhớ ý nghĩa nhất.
Ngày hôm nay, giữa bản làng xa xôi, giữa những ánh mắt thơ ngây và bàn tay bé nhỏ, ai nấy đều cảm nhận được ước mơ của nhà giáo Văn Như Cương đang đơm hoa. Niềm vui ấy cũng thắp lên nhiệt huyết cho những người làm giáo dục để ngọn lửa không bao giờ tắt đi, không bao giờ bị lãng quên.
![]() |
Lời căn dặn của nhà giáo Văn Như Cương. |
Giữa sân trường Hú Trù Lình, tấm bia khắc lời thầy Văn Như Cương được đặt trang trọng như một trái tim lặng lẽ, nhưng ấm áp, ngày ngày dõi theo bước chân bé nhỏ của những đứa trẻ nơi rẻo cao. Câu chữ khắc trên đá lại là lời nhắn nhủ dịu dàng và sâu thẳm: "Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ... nhưng trước hết phải là người tử tế".
![]() |
Lớp học hạnh phúc sẽ gieo niềm vui và niềm tin cho thế hệ tương lai. |
Trong làn gió mỏng mảnh, lời của người thầy nhân hậu như vọng lại giữa đại ngàn, nâng niu, nhắc nhở và gieo vào tâm hồn non nớt một điều giản dị mà lớn lao. Hy vọng rằng, từ những lớp học khang trang hôm nay được dựng lên bằng cả tình yêu và tâm nguyện những ước mơ sẽ lặng lẽ nảy mầm. Rồi mai này, từng em nhỏ nơi đây sẽ lớn lên, mang theo tri thức, lòng nhân ái, và trở thành những con người hữu ích cho bản làng, cho quê hương, và cho chính giấc mơ mà thầy Văn Như Cương từng ấp ủ đến tận cuối đời.
![]() |
Từng góc lớp học đều được chăm chút kỹ lưỡng để tạo cảm hứng học tập cho trẻ em. |
Điểm trường Hú Trù Lình giữa đại ngàn hôm nay là minh chứng sống động cho sức mạnh của tình người, của lòng tử tế và niềm tin bền bỉ vào giáo dục. Ở nơi tưởng chừng xa vắng nhất, khó khăn nhất, ánh sáng của con chữ vẫn được thắp lên từ tâm nguyện cao cả của một người thầy đã khuất, đến những bàn tay lặng thầm tiếp nối.
Ngôi trường ấy mang theo di nguyện của thầy Văn Như Cương - người đã chọn cách ra đi không ồn ào, nhưng để lại một tiếng nói mạnh mẽ về lòng nhân hậu và trách nhiệm xã hội. Và chính những em nhỏ H'Mông nơi đây, với ánh mắt trong veo và bước chân rụt rè bước vào lớp học mới, sẽ là những người viết tiếp ước mơ mà thầy đã từng ấp ủ. Bởi giáo dục không dừng lại ở việc dạy chữ, mà là gieo hy vọng. Và khi hy vọng được trao bằng cả trái tim, thì dù ở nơi heo hút nhất của núi rừng, một tương lai tươi sáng vẫn có thể bắt đầu từ một lớp học nhỏ, một tấm bia đá khắc lời nhắn, và một người thầy mãi không bao giờ rời xa…
Nguồn: https://nhandan.vn/khanh-thanh-diem-truong-hu-tru-linh-tiep-buoc-tre-em-vung-cao-toi-truong-post875189.html
Bình luận (0)