Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khát vọng vươn mình từ công nghiệp thông minh

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện tử và nền kinh tế số, các tỉnh kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ đã và đang ra sức tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đầu tư công nghiệp thông minh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Thời ĐạiThời Đại25/04/2025

Những tín hiệu khả quan này báo hiệu cho năm 2025 đầy sôi động trong thu hút đầu tư thế hệ mới, với khát vọng vươn mình từ công nghiệp bán dẫn, công nghiệp thông minh của vùng Đông Nam Bộ.

Từ hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới

Bình Dương không chỉ là địa phương nổi lên trong thu hút vốn đầu tư hàng đầu vùng Đông Nam Bộ mà còn được các bộ, ngành và doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là địa phương đi đầu, tiên phong trong phát triển công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong những định hướng quan trọng mà Bình Dương tập trung trong giai đoạn tới. Điển hình mới đây nhất tại tỉnh Bình Dương, Becamex IDC đã ký kết thoả thuận hợp tác với Viện Hệ thống Nano Điện tử Fraunhofer ENAS (Đức) thành lập Trung tâm nghiên cứu vi điện tử tại Bình Dương.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, hợp tác giữa Becamex IDC và Viện Hệ thống Nano Điện tử Fraunhofer ENAS là cơ sở kết nối với các nhà khoa học, nghiên cứu thuộc Viện Fraunhofer và các viện thuộc châu Âu. Quan hệ hợp tác này sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, góp phần phát triển ngành công nghệ mới có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu của xu thế trong giai đoạn phát triển mới.

GS.TS. Harald Kuhn, Viện trưởng Viện Hệ thống Nano Điện tử Fraunhofer ENAS cho rằng, bán dẫn rất quan trọng cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào công nghiệp thông minh, hàng không vũ trụ, nhà xưởng thông minh. Vi điện tử là chất xúc tác phát triển các ngành công nghệ cao này. Đặc biệt những địa phương trọng điểm về kinh tế như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh rất cần có nguồn nhân lực về vi điện tử. Việc thành lập một trung tâm vi điện tử tại Bình Dương sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm đưa những tập đoàn lớn trong lĩnh vực này đến đầu tư tại Việt Nam.

Viện Hệ thống Nano Điện tử Frauhofer ENAS có thế mạnh về hệ thống Nano điện tử, chuyên về hệ thống thông minh và sự tích hợp trên nhiều ứng dụng khác nhau. Viện cung cấp sự hỗ trợ toàn diện từ phát triển ý tưởng đến nguyên mẫu, tập trung vào cảm biến có độ chính xác cao, cấu trúc Nano tích hợp, thiết bị vượt ra ngoài giới hạn mở rộng của công nghệ CMOS và công nghệ tích hợp tiên tiến. Đồng thời cung cấp giải pháp cho các công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ cùng các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ, mô phỏng hệ thống, phân tích dữ liệu dựa trên trí tuệ nhân tạo AI và bảo mật hệ thống.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hiện Bình Dương có 3 trường đại học là Việt Đức, Quốc tế Miền Đông, Thủ Dầu Một tham gia vào chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn theo chương trình “phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiến sĩ Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) cho biết, ngay từ năm 2024, Khoa kỹ thuật của trường được Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư thêm Trung tâm Điện tử - bán dẫn - viễn thông với hệ thống các phần mềm, thiết bị thí nghiệm thực hành đáp ứng cho chuyên ngành bán dẫn - vi mạch. Trung tâm được đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp khoa triển khai các quy trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu phát triển nâng cao chất lượng nhân lực ngành.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, công ty đang tích cực làm việc với các đối tác và chuyên gia quốc tế trong ngành bán dẫn nhằm hình thành khu khoa học - công nghệ, khu công nghiệp khoa học - công nghệ cho Bình Dương. Điều này nhằm hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Bình Dương và từng bước xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới.

Đến hạt nhân khu công nghệ thông tin tập trung

Nếu như tỉnh Bình Dương xác định “thành phố mới Bình Dương” là nền tảng để Bình Dương trở thành trung tâm chuỗi cung ứng bán dẫn trong giai đoạn mới thì mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển công nghiệp bán dẫn với hạt nhân là khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành .

Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao tại huyện Cẩm Mỹ, 1 khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Long Thành và 1 khu đổi mới sáng tạo tại huyện Long Thành. Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ với Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình, Đồng Nai đề ra các nhiệm vụ với các giải pháp là hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn. Tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc vào Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành, khu công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo và các khu công nghiệp khác đối với ngành công nghiệp bán dẫn, ưu tiên các lĩnh vực như thiết kế, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; cảm biến, thiết bị IoT với công nghệ MEMS (Micro-Electro-Mechanical Systems). Ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn fabless, doanh nghiệp sản xuất chip chuyên dụng MEMS, chip IoT. Hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh. Hình thành vườn ươm doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh.

Ngoài ra, Đồng Nai có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cảng hàng không quốc tế Long Thành, gần các cảng biển quốc tế, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu. Đây là các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tạ Quang Trường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sở sẽ chủ động tham dự các chương trình kết nối, hội thảo nhằm tìm hiểu công nghệ, tìm kiếm cơ hội và đối tác trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn Đồng Nai.

Phân tích, đánh giá về hiện trạng công nghiệp bán dẫn trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức dẫn chứng tỉnh này hiện có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp ICT, trong đó có lĩnh vực điện, điện tử. Minh chứng cụ thể trong giai đoạn 10 năm 2010-2020, lĩnh vực điện, điện tử đã tăng trưởng mạnh ở mức 8,9%/năm, đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng GRDP vào năm 2020, tương đương với 10% trên tổng GRDP ngành chế biến chế tạo của tỉnh và 4% của tổng GRDP lĩnh vực điện, điện tử trên cả nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, hàm lượng giá trị tăng trên mỗi lao động trong lĩnh vực điện, điện tử đã có dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Lao động trong lĩnh vực điện - điện tử chiếm tỷ trọng ít nhất trên toàn tỉnh Đồng Nai, chỉ đạt 4% tổng lao động trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, GRDP tạo ra trong lĩnh vực này trên mỗi lao động đạt mức 313 triệu đồng/lao động, gấp đôi mặt bằng chung chế biến chế tạo của tỉnh và cao nhất trong các ngành chế biến chế tạo.

Các công ty lớn thuộc ngành điện, điện tử đầu tư hoạt động tại tỉnh Đồng Nai như FICT, SHC, Topband, Hansol trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, lắp ráp bản mạch, mô-đun hiển thị. Đa số các công ty chủ yếu tập trung trong việc lắp ráp linh kiện, phụ tùng, với công đoạn hoàn thiện, tích hợp sản phẩm hiện còn thiếu.

Điển hình cụ thể về thu hút công nghiệp bán dẫn là năm 2024, Đồng Nai đã thu hút được một số dự án FDI như Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch 1 về sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị quang học có sử dụng linh kiện bán dẫn với số vốn 83 triệu USD.

Đồng Nai triển khai vườn ươm doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, với sự nỗ lực, Trường Đại học Lạc Hồng đã đưa vào sử dụng phòng thực hành vi mạch bán dẫn trên cơ sở hợp tác với Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu và các đối tác lớn như onsemi, Đại học Bang Arizona (ASU), cùng các trường đại học hàng đầu tại Đài Loan và Hàn Quốc.

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ mà điển hình nổi bật như Bình Dương, Đồng Nai đã và đang nỗ lực thu hút các công ty công nghệ cao đến đầu tư, phát triển mạnh ngành công nghiệp bán dẫn. Việc phát triển công nghiệp thông minh này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, góp phần phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đây là ngành công nghiệp được dự đoán sẽ đạt doanh thu lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/khat-vong-vuon-minh-tu-cong-nghiep-thong-minh-20250425074227607.htm

Nguồn: https://thoidai.com.vn/khat-vong-vuon-minh-tu-cong-nghiep-thong-minh-212975.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa
Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm