
Nâng cao năng suất, chất lượng
Năm 2018, Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp Đoàn Tùng (Thanh Miện) với quy mô sản xuất 1 triệu sản phẩm cần câu mỗi năm. Những năm qua, doanh nghiệp không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và giải phóng sức lao động. Để làm chủ công nghệ, công ty đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân.
Theo chị Đặng Thị Tươi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam, nhu cầu của thị trường tăng cao nên doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân phải có tay nghề cao để vận hành máy móc. Do đó, những năm qua, doanh nghiệp đã đưa hàng chục công nhân sang Trung Quốc để học tập kinh nghiệm. Khi về nước, đây là lực lượng nòng cốt trong việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam cho biết, trước đây công đoạn quấn chỉ tại nhà máy ở Việt Nam hầu hết được thực hiện bằng tay. Cách làm thủ công này không chỉ mất thời gian mà còn khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Để tối ưu chi phí sản xuất, công ty đã cho chị sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh sự chỉ dạy của các chuyên gia nước ngoài, chị Liên còn chủ động tìm hiểu các tài liệu liên quan để bổ sung thêm kiến thức. Những vấn đề không hiểu, chị trực tiếp đề xuất với cấp trên để được hướng dẫn cụ thể hơn.
"Sau 3 tháng đào tạo tại Trung Quốc, tôi đã cơ bản sử dụng thành thạo công nghệ mới. Về nước, tôi được công ty giao phụ trách công tác đào tạo cho những lao động mới. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, năng suất đã tăng gấp đôi so với trước đây. Các sản phẩm lỗi, kém chất lượng hầu như không còn", chị Liên chia sẻ.
Trong quá trình làm việc, anh Phạm Đăng Đoán, Tổ trưởng Tổ sản xuất của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (TP Hải Dương) luôn tích cực tham mưu Ban Giám đốc nhiều sáng kiến hay, góp phần tiết kiệm nguyên liệu, tăng năng suất lao động. Điển hình là giải pháp "Đánh giá, kiểm tra mức độ tin cậy của sản phẩm" được anh Đoán thực hiện trong năm 2024, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 2,5 tỷ đồng. Đầu năm 2025, anh Đoán được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh là công nhân lao động tiêu biểu toàn quốc.
"Tại công ty, tôi được đào tạo chuyên sâu về công nghệ sản xuất, phần mềm quản lý và các công cụ tự động hóa. Nhờ đó, kỹ năng nghề nghiệp và năng suất làm việc của tôi được cải thiện từng ngày", anh Đoán cho biết.
Chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao
Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương ở khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ rất sớm. Từ năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đã đưa khoảng 300 lao động sang nhà máy tại Bắc Giang để học việc và đào tạo chuyên sâu. Tại đây, các học viên được đào tạo về kỹ năng thực hành, kỹ thuật sản xuất và các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành công nghiệp mà Boviet đang hoạt động. Những khóa học được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế đã giúp người lao động dễ dàng tiếp thu và ứng dụng vào sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương, việc đưa lao động đi đào tạo là chiến lược phát triển con người lâu dài của Boviet. Sau khi hoàn thành các khoá học, những lao động này sẽ là chuyên gia nội bộ, có khả năng chuyển giao công nghệ và hướng dẫn các đồng nghiệp khác, góp phần tạo nên một đội ngũ lao động có tay nghề cao trong tương lai. Ngoài ra, Boviet còn đang hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Công ty đang triển khai hệ thống tự động hoá, IoT và AI vào quy trình sản xuất để tối ưu năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí. Do đó, chúng tôi luôn hỗ trợ người lao động tiếp cận những công nghệ mới để quản lý, theo dõi tiến độ công việc. Doanh nghiệp cũng có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ tốt để khuyến khích người lao động chủ động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh", chị Phạm Thị Thảo, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương chia sẻ.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, không ít lao động phổ thông lo lắng vì mất việc làm. Tuy nhiên, đây là động lực để người lao động chủ động tiếp cận với nền khoa học, kỹ thuật hiện đại. Để khẳng định bản thân, người lao động cần siêng năng học tập, nâng cao tay nghề và tác phong làm việc.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá, đội ngũ công nhân có vai trò quan trọng và là lực lượng nòng cốt trong phong trào "Bình dân học vụ số". Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị cần tạo điều kiện tốt nhất để người lao động phát huy bản lĩnh, trí tuệ làm chủ công nghệ. Việc trực tiếp đào tạo không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao.
ĐỖ QUYẾTNguồn: https://baohaiduong.vn/khi-cong-nhan-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-409277.html
Bình luận (0)