Tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90% ở đô thị
Giám sát tại UBND thành phố Quảng Ngãi cho thấy, sau hơn 3 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; công tác thu gom, xử lý chất thải rắn có nhiều cải thiện với tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90% ở khu vực đô thị, 80% ở khu vực nông thôn; vi phạm về môi trường được tăng cường kiểm tra, xử lý, đặc biệt tại các cụm công nghiệp, khu dân cư; đã triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và bảo vệ đa dạng sinh học. Đối với huyện Sơn Tịnh, UBND huyện ưu tiên quản lý chất thải rắn và phân loại rác thải. Huyện đã đạt được những kết quả tích cực trong tăng cường ngân sách, huy động xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Việc kiểm soát ô nhiễm cũng được chú trọng, đặc biệt tại các khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải và các doanh nghiệp có nguồn thải cao đã lắp đặt quan trắc tự động.

Tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Ban quản lý đã triển khai chương trình quan trắc môi trường bao gồm điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1421/QĐ-UBND. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý rác thải, vận hành các trạm xử lý nước thải, cùng các hoạt động quản lý, giám sát môi trường. Đến năm 2024, một số nhiệm vụ đạt 100% kế hoạch.
Còn theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, trong thời gian thực hiện dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, công ty đã thực hiện định kỳ các công tác môi trường, ban hành kế hoạch, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, môi trường. Các loại chất thải phát sinh đều được công ty tận dụng tối đa để tuần hoàn tái sử dụng, tái chế. Đa số các nguồn thải phát sinh đều được thu gom, đưa về hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Hệ thống xử lý khí thải, nước thải, nước mặt đều được công ty đã lắp đặt, truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về cơ quan chức năng theo đúng quy định. Đồng thời, công ty cũng tích cực phủ xanh gần 60ha trong toàn khu liên hiệp, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ tiếp tục trồng khoảng 41ha cây xanh.
Tăng cường nguồn lực xã hội hóa
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương, đơn vị vẫn đối mặt với không ít thách thức. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã thẳng thắn chỉ ra các bất cập hiện hữu như: việc thu gom rác thải chưa triệt để; nguồn lực tài chính cho môi trường chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, công tác xã hội trong hóa bảo vệ môi trường thấp; hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác môi trường chưa đủ về số lượng, hạn chế về chuyên môn; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao; việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến bảo vệ môi trường còn vướng mắc…

Từ thực trạng trên, một số đơn vị, địa phương đã đề xuất nhiều kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Trong đó, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi kiến nghị Đoàn giám sát về kinh phí để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế Dung Quất theo quy định; bố trí kinh phí đầu tư xem xét xây dựng các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất...
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã tập trung thảo luận các giải pháp then chốt để định hướng công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Trong đó, đối với huyện Sơn Tịnh với bối cảnh thực hiện chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp huyện cần thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường 2020; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường, đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các công trình xử lý chất thải rắn, nước thải. Đồng thời, huyện cần mở rộng phân loại rác thải tại nguồn, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ môi trường chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với cấp tỉnh và chuẩn bị kế hoạch chuyển giao nhiệm vụ quản lý môi trường. Các ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị Đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu và sẽ tổng hợp, có ý kiến với các cấp có thẩm quyền.
Qua kết quả giám sát cho thấy, để giữ được màu xanh cho Quảng Ngãi, chỉ những nỗ lực rời rạc là chưa đủ, cần sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân. Khi mỗi quyết sách đều đặt môi trường ở trung tâm, khi mỗi nhà máy, mỗi tuyến kênh đều được giám sát nghiêm túc, thì bức tranh Quảng Ngãi xanh – sạch – phát triển bền vững mới thật sự thành hình.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/khong-the-bao-ve-moi-truong-neu-thieu-ha-tang-ky-thuat-dong-bo-post410253.html
Bình luận (0)