Nhưng đau đớn thể xác không cực nhọc bằng nỗi khổ tinh thần, khi bố chị say rượu mỗi ngày, cửa nhà luôn ầm ĩ. Bà Hậu nuốt không trôi miếng cơm, có khi nằm nghỉ sau một ngày mệt nhoài còn bị lôi dậy chửi. Suốt thời thơ ấu, chị từng chứng kiến bố đánh mẹ trong những cơn say. Từng lằn roi quật xuống lưng mẹ vẫn còn hằn trong tâm trí chị.
Câu chị hay nghe mẹ nói nhiều nhất vẫn là: “Nếu không vì các con mẹ đã bỏ quách chồng”. Cũng đã vài lần mẹ đòi ly hôn, rồi cuộc sống bộn bề lo toan cuốn người đàn bà vào lề thói cũ.
Nhưng lần này thì khác. Khi mọi người còn chưa kịp hoài nghi thì đơn gọi của tòa án đã gửi về nhà. Chẳng nói chẳng rằng, mẹ cầm dao phát quang một góc vườn, nhờ người dựng một căn lều nhỏ. Những người đàn bà trong làng thường ghé qua, góp vào đó nắm dây thép buộc kèo, mấy tấm tôn, chục bát mới tinh, bộ nồi tuy cũ nhưng vẫn dùng được. Đã mấy lần cột lều cắm xuống bị ông Hạo đạp đổ đi. Cái dây phơi trước nhà dựng đến lần thứ tư mới yên ổn được.
Anh em Huệ trở về không bảo được người say cũng chẳng thể khuyên người tỉnh. “Mẹ đã sống cả đời vì các con rồi. Bây giờ các con đều đã có hạnh phúc riêng nên hãy để mẹ sống cuộc đời của mẹ. Đời mẹ giờ nhiều nhặn gì đâu, còn một khúc thôi mà”.
“Một khúc”, hai từ ấy như có gai cứ đâm vào lòng Huệ lúc chị mua chiếc chổi cọ mới quét sạch nền đất trong lều của mẹ. Lúc cúi xuống thổi đến cay xè mắt bên bếp củi vừa mới nhóm.
Hôm dọn đồ mẹ không thèm quay lại nhìn căn nhà hai tầng khang trang mà mình từng chắt chiu cả đời gây dựng. Mẹ lấy chồng, trải qua ba căn nhà xiêu vẹo, dột nát mới có được cơ ngơi đủ đầy để đêm ngủ không phải lo bão gió ngoài kia. Bây giờ để mẹ sống trong căn lều tạm bợ anh em Huệ chẳng đành lòng.
Chị nói mẹ chờ ít ngày để con cháu thuê người xây lấy một căn nhà nho nhỏ, nhưng mẹ lắc đầu bảo:
- Mẹ không muốn phải trì hoãn thêm. Mẹ cũng không cần nhà cao cửa rộng. Ở tuổi mẹ càng cầm nắm ít thì càng nhẹ nhõm.
- Hay là mẹ về ở với chúng con?
- Mẹ còn khỏe, các con không phải lo. Ngày mẹ ra đồng, tối theo các cụ đi chùa. Đêm về ngủ một giấc nhẹ nhõm mà không phiền đến ai. Thế là thích nhất.
Bữa cơm đầu tiên của một khúc đời mới chẳng có gì ngoài bát canh rau tập tàng, bát muối lạc giã rối, bìa đậu phụ hấp cơm. Nhưng Huệ biết đây là bữa cơm ngon nhất của đời mẹ sau mấy mươi năm.
Bởi cơm hôm nay nấu vừa lượng nước, mềm và dẻo, không khô khốc như bấy lâu nay. Chỉ vì bố thích ăn cơm khô nên lần nào vo gạo mẹ cũng đứng lưỡng lự đổ bớt đi từng chút nước. Đây cũng là lần đầu tiên mẹ ăn chay mà được yên thân.
Trong căn lều, tài sản chẳng có gì ngoài cuốn kinh, bộ quần áo đi chùa. Mẹ bổ xuống những nhát cuốc đầu tiên để trồng xuống vài khóm hoa thược dược.
*
* *
Tỉnh dậy sau cơn say, ông Hạo ngồi bất động nhìn ra mảnh sân vương vãi lá xoài. Nhà vắng lặng, đàn gà bị xua đuổi mãi giờ cũng không dám về gần nhà nữa. Con chó thấy chủ nhân tỉnh dậy cũng vội lảng xa. Ông đứng dậy, mệt mỏi cầm chổi cọ loẹt xoẹt quét sân. Nhưng đang quét dở chừng ông bỗng ngồi sụp xuống hồi lâu.
Toàn bộ cảnh tượng đó đều được camera lắp ở đầu hiên ghi lại. Cũng góc quay đó Huệ từng nhìn thấy bố ngồi nhai cơm trệu trạo một mình. Chị biết trong bát cơm chỉ có con cá khô mặn chát. Chai rượu vứt lăn lóc xó hè, vọng vào camera tiếng chim quốc gọi bạn da diết ngoài hàng rào. Lúc thấy bố đưa tay vuốt cơn nghẹn, chị bỗng nhiên bật khóc. Bà Hậu bảo con:
- Đừng lo. Lúa còn đầy hòm, rau mẹ trồng sẵn ngoài vườn, cá dưới ao. Có mấy mái gà đẻ ngoài ổ nên nhà luôn sẵn trứng. Ông ấy không đói đâu mà sợ.
- Con không lo bố đói. Chỉ sợ ở một mình lại uống rượu, nhỡ cảm gió nằm đấy không ai biết.
- Biết đâu ông ấy cũng sẽ sống một khúc đời mới. Khúc đời của một người tỉnh táo.
Huệ về nhà thấy bố đang lúi húi trong bếp. Căn bếp cũ bồ hóng bám đầy, chiếc bóng điện hắt thứ ánh sáng vàng quạch. Lâu lắm rồi ông Hạo không nhóm bếp củi nên hình như ngọn lửa nhỏ đã nhen nhóm trong tâm hồn già nua ấy một điều gì đó.
Huệ nhớ đến bố của ngày xửa ngày xưa lúc các con còn nhỏ dại. Sáng sớm bố chỉ dám lót dạ lưng cơm nguội độn sắn đem rang lại bằng thứ nước mắm mặn chát. Phần còn lại bố nhường cho anh em Huệ ăn trước lúc đến trường. Bố rời nhà bằng chiếc xe đạp khô xích cọc cạch, đi làm phụ hồ cho người ta.
Chiều nào tụi Huệ cũng ngồi vắt vẻo trên cây xoài chờ bố đi làm về mang theo vài cây kẹo mút xanh đỏ bọc đường. Chân bố không bao giờ hết màu vôi vữa. Vữa ăn mòn từ móng đến gót chân, giấc ngủ nào cũng nặng nề tiếng ngáy.
Mùa mưa bão, trời đất gầm gào, sấm rung chớp giật, tất cả cánh cửa nhà đều đóng kín. Chỉ mình bố đeo đèn pin lội từ đồng dưới lên đồng trên bắt ếch để sáng sớm hôm sau mẹ mang bán lấy tiền đóng học cho mấy đứa con.
Trong ký ức tuổi thơ của anh em Huệ, bố như tán cây vươn rộng đến kiệt cùng che chở cho những đứa con. Sau này khi những cơn say khiến bố như thân cây ngả nghiêng trước bão gió cuộc đời, thì Huệ vẫn như cái tổ chim bé nhỏ bám vào cây mong trời yên biển lặng.
Qua hết mùa nồm thì những cơn mưa rào ập đến. Suốt đêm Huệ không ngủ được vì lo chẳng biết căn lều của mẹ có dột không. Mở camera ở nhà lên, Huệ thấy bố cũng không ngủ được. Ông ngồi ngoài hiên, rót một chén rượu đầy nhưng tuyệt nhiên không uống ngụm nào. Ngồi tựa cột nhà, mắt ông hướng về phía góc vườn nơi có căn lều của người vợ cũ. Ông ngồi mãi, ngồi mãi rồi chợt đứng phắt dậy khoác áo ny lon đi lẫn vào bóng tối và cơn mưa nặng hạt.
Sáng ra, lúc Huệ về thấy trong cốc rượu đầy xác của những con thiêu thân nổi lềnh phềnh. Nhà cửa im ắng không cả tiếng gió khua. Trong căn phòng tối tăm, bố nằm co ro lên cơn sốt mê man. Người bố nóng hầm hập, quần áo vẫn còn ướt nước mưa. Mẹ làm cỏ lạc ngoài đồng nghe tin vội sấp ngửa chạy về. Nghe tiếng bẻ củi lách cách quen thuộc trong gian bếp ông Hạo mở mắt nhìn quanh.
Đấy là lần đầu tiên chị thấy nước mắt chảy ra từ khóe mắt người đàn ông đã đi gần hết một đời người…
Bà Hậu nấu cháo, dọn dẹp chỗ này chỗ kia, giặt giũ, phơi phóng lại chiếu chăn qua mùa nồm ẩm mốc. Xong đâu đó bà trở về căn lều của mình đồ một nồi xôi làm oản mang lên chùa cúng rằm.
Ông tỉnh dậy thấy cháo còn nóng, trong hộp thuốc đặt đầu giường từng loại đều được dán giấy ghi rõ ràng liều lượng. Nhà cửa có bàn tay người đàn bà thân thuộc chạm vào đã không còn lạnh lẽo và ẩm mốc. Mắt ông không rời khỏi tấm chăn con công bạc màu được phơi trước sân nhà. Đấy là chiếc chăn cưới của ông bà thời khốn khó. Gió thổi, chiếc chăn bay phấp phới như càng đang muốn nhắc nhở ông rằng vật dụng còn đó mà con người thì tan đàn xẻ nghé mất rồi.
Ông nằm yên nghe tiếng muỗi kêu vo ve mới thấm thía ngộ ra bao năm qua ngay cả lúc say vẫn có người buông màn cho mình ngủ.
Đêm qua, lúc đứng ngoài cơn mưa tầm tã nhìn túp lều nhỏ ở góc vườn trong đầu ông chỉ hiện lên hình ảnh căn nhà tạm bợ nhưng đầy niềm vui lúc hai vợ chồng mới lấy nhau. Cơn mưa đêm qua có thể đã không dột vào căn lều nhỏ của bà nhưng lòng ông sướt sũng…
Vực mình dậy sau trận ốm, ông mở toang hết những cánh cửa trong nhà. Đống chai rượu vứt lăn lóc góc này góc kia đều được ông dọn sạch. Mấy cuộc gọi của bạn nhậu, ông từ chối thẳng.
Người làng thấy ông chịu khó cầm cuốc ra đồng, vét ao, sửa lại hàng rào, gặp ai cũng cười cười nói nói. Họ bảo nhau: “Ông ấy tỉnh rồi”.
Bữa cơm chiều tự nấu tự ăn, ông ngẩng lên nhìn camera hỏi: “Ăn cơm chưa các con? Nhà có canh cua, cà pháo, tép đồng này”. Huệ hỏi:
- Bố biết muối cà khi nào vậy ạ?
- Là mẹ con muối đấy. Chứ riêng vụ muối cà bố vẫn vụng như xưa.
Huệ nhìn dáng lưng bố gầy gò, lủi thủi trong một buổi chiều tà nhà nhà sum họp mà lòng trào lên thương cảm. Vì Huệ biết dưới căn lều góc vườn mẹ cũng đang lủi thủi, khác gì đâu. Nhưng mẹ nói đúng, khi đứng bên kia cái dốc của cuộc đời bố đã sống một khúc đời mới, tỉnh táo và tử tế.
Con gái Huệ đã lớn và hiểu chuyện, đi học về là ngồi canh camera suốt. Lúc Huệ đang lúi húi nấu cơm trong bếp là thấy con gọi với vào khoe: Mẹ ơi tối nay bà ngoại lại bưng cho ông món gì trong cái niêu đất ấy. Mẹ ơi hình như là ông đang sửa ghế giúp bà. Mẹ ơi bà đang mắng ông kìa! Thế mà ông chỉ cười thôi mới lạ. Mẹ ơi hình như ông vừa mới rủ bà về đi cho cửa nhà ấm cúng. Mẹ ơi…
Cây mai yên tử năm nào cũng nở vàng rực vào cuối tháng Ba. Giống mai gì kỳ lạ, lúc tết đến xuân về trăm hoa đua nở nó vẫn ung dung ủ nụ ủ mầm. Để rồi cuối xuân đủng đỉnh dâng sắc hoa vàng đến mê muội lòng người.
Trên mảnh sân nhỏ bố thái chuối trộn cám cho gà, mẹ lúi húi phơi những mẻ măng mai đầu tiên vừa luộc chín. Con chó, con mèo chạy loanh quanh điểm thêm cho cảnh nhà sinh động.
Chỉ đơn giản vậy thôi cũng đủ để Huệ bùi ngùi lặng lẽ dõi theo. Chiếc camera không chỉ thu được cảnh tượng sum vầy, mà hình như thu được cả tiếng gió vừa khua trên những tàu lá chuối…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khuc-doi-3152210.html
Bình luận (0)