
Tranh thủ lúc gần trưa, bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Đông Đoài, xã Đức Quang) mang 50kg lạc nhân đến cơ sở dầu lạc OCOP Mai Lợi (thôn Đại Quang, xã Đức Quang) để ép dầu. Không chỉ bà Thanh, nhiều người dân khác cũng mang nguyên liệu đến ép dầu, người ngồi chờ, người tất bật chuẩn bị để đưa vào máy ép.
Bà Thanh cho biết: “Nhà tôi trồng được 3 sào lạc nên cứ thu hoạch xong là mang đi ép để dùng dần. Làm vậy tuy tốn công và chi phí cao hơn so với mua dầu ngoài chợ nhưng ít ra tôi biết rõ nguồn gốc, yên tâm hơn khi dùng cho cả nhà”.

Không chỉ ép lạc, nhiều hộ dân còn mang vừng, đậu nành đến ép để chế biến dầu ăn phục vụ gia đình. Mỗi loại dầu có hương vị riêng, phù hợp với từng cách chế biến món ăn và được đánh giá là tốt cho sức khỏe nếu sử dụng hợp lý. Ưu điểm của dầu ép thủ công là không pha trộn, không phụ gia, giúp người dùng kiểm soát được chất lượng sản phẩm ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Nhiều hộ gia đình dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn chủ động mua lạc, vừng từ các vùng quê để mang đến cơ sở ép dầu. Bà Nguyễn Thị Yến (xã Tứ Mỹ) cho biết: “Trước đây gia đình tôi vẫn dùng dầu ăn đóng chai mua ở các cửa hàng. Nhưng thời gian gần đây, thông tin về dầu giả, không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều nên tôi chuyển sang dùng dầu ép thủ công. Loại dầu này có mùi thơm tự nhiên, khi nấu ăn cũng thấy ngon miệng hơn”.

Tùy theo loại hạt, sản lượng dầu thu được cũng khác nhau. Trung bình 10kg lạc nhân cho ra khoảng 4-5 lít dầu; vừng và đậu nành cho lượng dầu thấp hơn nhưng bù lại có hương vị đặc trưng và công dụng riêng. Với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/lít, dầu lạc hiện đắt gấp gần ba lần dầu ăn công nghiệp trên thị trường. Còn dầu vừng, dầu đậu nành có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/lít. Tuy vậy, không ít gia đình vẫn sẵn sàng chi trả mức giá cao để có được sản phẩm nguyên chất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nhu cầu tăng cao kéo theo hoạt động tại các cơ sở ép dầu cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Ghi nhận tại các cơ sở sản xuất dầu lạc, dầu vừng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao như: Dầu lạc Mai Lợi, Dầu lạc & dầu vừng Mai Tĩnh (xã Đức Quang), Dầu lạc Anh Thơ (xã Đức Đồng), lượng nguyên liệu mà người dân mang đến ép mỗi ngày đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước.



Ông Nguyễn Văn Lợi - chủ cơ sở dầu lạc OCOP Mai Lợi cho biết: “So với trước đây, lượng khách đến ép dầu tăng rõ rệt. Có những ngày cơ sở phải hoạt động liên tục từ sáng sớm tới tối muộn mới kịp trả hàng. Nhiều người không chỉ ép để dùng mà còn làm sẵn để gửi cho con cháu ở xa hoặc biếu người thân”.
Được biết, đây là thời điểm người dân đã thu hoạch xong lạc nên số lượng nguyên liệu đưa đến cơ sở của ông Lợi rất lớn. Mỗi ngày, cơ sở tiếp nhận từ 1 đến 1,5 tấn nguyên liệu. Người ép ít thì vài chục kg, người ép nhiều lên tới cả tạ để dự trữ dùng dần. Ngoài dịch vụ ép thuê, cơ sở còn trực tiếp thu mua lạc để chế biến và bán dầu thành phẩm ra thị trường với sản lượng ổn định khoảng 1.000 lít mỗi tháng. Được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2023, dầu lạc Mai Lợi hiện là lựa chọn quen thuộc của nhiều gia đình trong vùng.

Cũng theo ông Lợi, để có được dầu thực vật nguyên chất, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều bước. Sau khi phơi hoặc sấy khô, nguyên liệu được đưa vào máy bóc vỏ. Người dân sau đó sẽ sàng lọc lại, loại bỏ hạt lép, mốc hay lẫn tạp chất trước khi đưa vào ép nhằm đảm bảo chất lượng dầu đầu ra.
Nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ được cho vào máy ép từ 2 đến 3 lần để thu được tối đa lượng dầu trong hạt. Dầu thô sau ép vẫn còn lẫn bã sẽ được lọc bằng máy để cho ra sản phẩm thành phẩm có màu trong, không cặn, bảo quản được lâu. Phần bã còn lại sau khi ép được người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc.
Được biết, để giữ được chất lượng, dầu ăn tự ép nên được đựng trong chai thủy tinh hoặc chai nhựa sạch, khô, có nắp kín. Tốt nhất nên bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hoặc nguồn nhiệt cao. Người tiêu dùng cũng nên chia nhỏ lượng dầu ra từng chai, sử dụng dần theo nhu cầu, không nên mở nắp thường xuyên hoặc để dầu tiếp xúc lâu với không khí vì dễ bị oxy hóa và giảm chất lượng.


Thời gian sử dụng dầu tự ép thường kéo dài từ 3 - 4 tháng nếu bảo quản tốt. Dầu có mùi thơm đặc trưng, màu vàng nhạt tự nhiên (đối với dầu lạc), hoặc màu nâu nhạt (đối với dầu vừng), không chứa chất phụ gia, nên càng cần được bảo quản đúng cách để giữ nguyên hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Nguồn: https://baohatinh.vn/lo-ngai-an-toan-thuc-pham-nguoi-dan-ha-tinh-do-xo-di-ep-dau-thu-cong-post291564.html
Bình luận (0)