Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá mú Trân Châu

Những năm qua, nghề nuôi cá mú đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển nghề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về con giống. Nhằm giúp người nuôi chủ động nguồn giống chất lượng, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thành công Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá mú Trân Châu”.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa11/07/2025

Khánh Hòa có đường bờ biển dài gần 500km, nhiều eo vịnh rộng và khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng hải sản. Tỉnh là một trong những địa phương trọng điểm nuôi cá biển của cả nước với các đặc sản có giá trị cao như: Cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá chim vây vàng... Trong đó, cá mú Trân Châu là một trong những loài nuôi thương phẩm đang được ưa chuộng nhờ thịt thơm ngon, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và nhu cầu tiêu thụ lớn. Do đó, đây là một trong những loài nuôi thương phẩm có quy mô lớn tại tỉnh.

Nuôi vỗ cá mú bố mẹ tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa.
Nuôi vỗ cá mú bố mẹ tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa.

Bà Hoàng Thị Châu Long - Chủ nhiệm Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá mú Trân Châu” cho biết: Hiện nay, cá mú Trân Châu được nuôi phổ biến cả trong ao và lồng bè, tập trung tại các vùng nuôi chính như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất khiến việc nuôi loại cá này không thể phát triển ở quy mô lớn là do nguồn giống tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi, nhất là trong vụ thả giống đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3). Điều này buộc người nuôi phải nhập con giống từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia..., làm tăng chi phí và giảm chất lượng con giống do phải di chuyển nhiều. Để đáp ứng nhu cầu giống cá mú Trân Châu cho người nuôi trong tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa đã xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá mú Trân Châu. Mô hình đã góp phần gia tăng số lượng con giống sản xuất tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người nuôi, mở ra cơ hội phát triển ngành nuôi thương phẩm loài cá này ở quy mô lớn.

Theo ông Trần Văn Thu - đại diện Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa, cá mú Trân Châu (lai giữa cá mú nghệ đực và cá mú cọp cái) là đối tượng nuôi tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, được thị trường nội địa, nhất là Trung Quốc, Đài Loan… ưa chuộng. Mô hình sản xuất giống nhân tạo được triển khai tại 3 cơ sở: Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa, Trại giống Hà Văn Chung và Công ty Cổ phần TP Aqua Group. Các hình thức ương nuôi gồm bể xi măng và ao lót bạt.

Sản xuất cá mú Trân Châu giống trong bể xi măng tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa.
Sản xuất cá mú Trân Châu giống trong bể xi măng tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Khánh Hòa.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của cá từ giai đoạn bột lên hương, từ hương lên giống và từ giống 4 - 5cm lên giống 7 - 9cm đạt mức cao, dao động từ 82% đến gần 87% ở các mô hình ương trong bể và 83% đến 85% ở mô hình ao lót bạt, thời gian ương nuôi rút ngắn còn 85 đến 107 ngày. Tổng cộng, các đơn vị đã sản xuất hơn 1,15 triệu con giống cá mú Trân Châu giống kích cỡ 7 - 9cm, phần lớn được cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và một số địa phương khác. Sau 2,5 năm thực hiện, dự án đạt doanh thu hơn 15 tỷ đồng, chi phí sản xuất khoảng 11 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 4 tỷ đồng. Điều này cho thấy mô hình có tiềm năng lớn khi đi vào sản xuất ổn định.

Tại một số địa phương, cá mú Trân Châu được các hộ nuôi trong lồng bè hoặc ao, đìa, bể. Sau 8 đến 10 tháng nuôi (tùy theo kích cỡ của cá giống) là có thể thu hoạch cá thịt, kích cỡ cá thương phẩm đạt từ 0,8 đến trên 1kg/con. Cá mú Trân Châu có màu sắc đặc trưng sọc đen - vàng, thịt chắc, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, cá được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng, khách sạn với giá bán dao động từ 350.000 đồng đến trên 500.000 đồng/kg.

Theo ông Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, việc xây dựng thành công mô hình sản xuất giống nhân tạo cá mú Trân Châu tại Khánh Hòa không chỉ góp phần ổn định nguồn giống trong tỉnh, giảm phụ thuộc nhập khẩu mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho nông dân vùng ven biển.

MÃ PHƯƠNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/ung-dung-cong-nghe-san-xuat-giong-nhan-tao-ca-mu-tran-chau-e7553d7/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm