Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Loại quả chua mang kỳ vọng tỷ đô cho nông sản Việt

Từ một loại quả ít tiếng tăm, chanh dây đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu trái cây Việt. Để đạt mục tiêu tỷ đô, ngành cần chiến lược dài hạn về vùng trồng, chất lượng, mở cửa thị trường…

Báo Lào CaiBáo Lào Cai18/07/2025

chanh-day-1-2958.jpg
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn nhất thế giới, chỉ sau Brazil, Colombia, Ecuador, và Peru.

Từ “tân binh” đến ứng viên tỷ đô

Trong bức tranh hơn 1,28 triệu ha cây ăn quả của Việt Nam năm 2024, nhóm trái cây gồm chanh dây, chuối, dứa, dừa được xem là những “làn gió mới” cho chiến lược xuất khẩu. Tuy nhiên, nổi bật nhất thời gian gần đây chính là chanh dây, loại quả từng được xem là “tân binh” nhưng đang cho thấy tiềm năng bứt phá vượt trội.

Phát biểu tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa” tổ chức sáng 18/7 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Chanh dây không còn là loại quả vùng trồng thử nghiệm, mà đang trở thành ngành hàng có quy mô, lợi thế và tiềm năng xuất khẩu lớn. Nếu biết khai thác đúng hướng, đây sẽ là một trong những cây trồng chủ lực giúp trái cây Việt mở rộng thị trường thế giới”.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, sản lượng chanh dây cả nước đạt khoảng 163.000 tấn/năm, chủ yếu ở Tây Nguyên. Định hướng đến năm 2030 nâng lên 300.000 tấn, với vùng trọng điểm gồm Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, góp phần tái cấu trúc nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Thực tế, trong khi sầu riêng đã lọt vào “câu lạc bộ tỷ đô” với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD năm 2024, chanh dây dù giàu tiềm năng vẫn đang dừng lại ở con số khiêm tốn, khoảng 500 triệu USD cho quả tươi và 300 triệu USD cho sản phẩm cô đặc, puree.

“Chúng ta đang có lợi thế về giống, khí hậu, năng suất, nhưng để vươn lên, chanh dây cần nhiều hơn là phong trào mở rộng diện tích. Câu chuyện phát triển bền vững phải bắt đầu từ quy hoạch, quản lý giống đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, ông Nam cho hay.

Theo ông, việc một số thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan đang trong giai đoạn đàm phán mở cửa là tín hiệu tích cực. Song, song hành với cơ hội luôn là thách thức từ rào cản kỹ thuật, kiểm dịch thực vật, yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đến vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Theo ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, nếu coi xuất khẩu là biển lớn, thì truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm chính là con thuyền đưa nông sản ra khơi. Không chuẩn hóa, chúng ta sẽ mãi mắc cạn ở cửa ngõ thị trường.

Đối với chanh dây, Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để được Mỹ cấp phép nhập khẩu, đồng thời gửi hồ sơ sang Hàn Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, châu Âu hiện là thị trường quan trọng cho quả tươi, với sản lượng khoảng 5.000 - 7.000 tấn/năm.

“Cần sớm hình thành các vùng trồng đạt chuẩn, giống sạch bệnh và hệ thống đóng gói đồng bộ. Đồng thời, phải nâng cấp năng lực chế biến để tăng giá trị gia tăng, tránh phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu quả tươi”, ông Tuấn lưu ý.

Đây cũng là thời điểm ngành chanh dây và cả ngành trái cây nói chung phải dịch chuyển chiến lược từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng và thương hiệu. Khi đó, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong một chuỗi minh bạch và an toàn.

Liên kết để phát triển cây chanh dây bền vững

Nếu Nhà nước giữ vai trò định hướng, thì doanh nghiệp chính là “đầu tàu” biến tiềm năng thành lợi nhuận. Điển hình là Công ty cổ phần Nafoods, đơn vị đang giữ vị trí dẫn dắt ngành hàng chanh dây tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods chia sẻ: “Từ con số 0 cách đây 10 năm, chanh dây nay đã trở thành “cây hái ra tiền”. Với năng suất 40 - 60 tấn/ha, cao gấp đôi Nam Mỹ, giá thành sản xuất chỉ khoảng 20.000 đồng/kg nhưng giá bán tại vườn đạt 80.000 - 100.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 230.000 đồng/kg tại siêu thị châu Âu. Một ha chanh dây có thể mang về doanh thu khoảng 1 tỷ đồng cho nông dân”.

Không dừng ở đó, Nafoods còn tiên phong xuất khẩu sản phẩm chanh dây dạng puree, cô đặc sang nhiều thị trường khó tính. Hiện mảng chế biến này đạt kim ngạch khoảng 300 triệu USD, và vẫn tăng trưởng đều nhờ lợi thế về chất lượng và công nghệ.

Theo ông Hùng, nếu thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa cho quả tươi, cộng thêm việc kiểm soát tốt quy hoạch và chất lượng, chanh dây hoàn toàn có thể trở thành ngành hàng tỷ đô trong vài năm tới.

chanh-day-2-4880.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods.

Dù giàu tiềm năng, chanh dây vẫn đối diện nhiều thách thức. Ông Hùng chỉ rõ 3 vấn đề cấp thiết. Thứ nhất, nguy cơ trồng theo phong trào. Giá lên cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích ngoài quy hoạch, dẫn đến dư cung, rớt giá. Đây là “vết xe đổ” mà nhiều loại trái cây Việt từng gặp phải.

Thứ hai, chất lượng giống chưa đồng đều. Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc đều siết chặt tiêu chuẩn. Nếu không kiểm soát tốt, chỉ một lô hàng vi phạm có thể làm mất uy tín toàn ngành.

Để giải quyết, ông Hùng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm ban hành quy hoạch phát triển chanh dây, tránh tình trạng “trồng nóng”. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát giống, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh giống kém chất lượng.

Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm cập nhật và phổ biến nhanh các quy định mới của thị trường nhập khẩu, đồng thời giám sát chặt chẽ các đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật; Kiểm soát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa đạt chuẩn, bảo vệ thương hiệu chung của nông sản Việt.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, chanh dây đang hội tụ đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để bứt phá. Việt Nam có khí hậu phù hợp, năng suất vượt trội và doanh nghiệp tiên phong. Tuy nhiên, nếu thiếu chiến lược dài hạn, ngành hàng này dễ rơi vào vòng xoáy “được mùa mất giá”.

Lời giải cho bài toán này không chỉ nằm ở doanh nghiệp hay Nhà nước, mà ở sự liên kết bền chặt của 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân. Khi những mắt xích này vận hành đồng bộ, câu chuyện “chanh dây tỷ đô” sẽ không còn là giấc mơ.

baodautu.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/loai-qua-chua-mang-ky-vong-ty-do-cho-nong-san-viet-post649115.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm