Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lưu giữ vốn văn hóa dân gian truyền thống

Nhiều năm qua, những người làm công tác sưu tầm, biên soạn các công trình văn nghệ dân gian truyền thống của vùng đất, con người Khánh Hòa vẫn âm thầm cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Họ đã góp phần giữ gìn, truyền bá lại những lời ăn tiếng nói, tên đất tên làng, phong tục tập quán, câu hát điệu múa, nghi lễ dân gian, ẩm thực vùng miền… của cộng đồng 36 dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa22/04/2025

Ở tuổi ngoài 80, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban vẫn tự đặt mục tiêu cho bản thân mỗi năm cố gắng xuất bản một tập sách sưu tầm, biên khảo về văn nghệ dân gian. Sau hơn 20 năm bén duyên với hoạt động văn nghệ dân gian, ông đã giới thiệu đến độc giả gần 20 tập sách riêng của bản thân, cùng 25 công trình viết chung với các tác giả khác. Gần đây nhất, công trình biên khảo “Người Việt ăn qua góc nhìn dân gian” của ông đã nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đồng thời đạt giải C Tặng thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh năm 2024. Trong những lần trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê, yêu thích và trách nhiệm đối với công việc của ông đang làm. “Văn hóa, con người, vùng đất Khánh Hòa có sự phong phú, đa dạng, nhưng cũng rất đặc trưng, bản sắc. Càng đi tìm hiểu, tôi càng thấy nhiều điều thú vị, mới lạ. Có những điều vẫn diễn ra hằng ngày, nhưng có nhiều điều đã dần mờ nhạt, thậm chí đi vào quên lãng. Vậy nên, tôi muốn ghi chép lại một cách có hệ thống về những tri thức dân gian của người Khánh Hòa xưa để các thế hệ hôm nay và mai sau biết tới”, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cho biết.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban tham gia một hoạt động giao lưu đọc sách với thiếu nhi ở Thư viện tỉnh.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban tham gia một hoạt động giao lưu đọc sách với thiếu nhi ở Thư viện tỉnh.

Với nhà sưu tầm văn nghệ dân gian Võ Triều Dương, trong suốt gần 25 năm gắn bó với công việc sưu tầm văn hóa dân gian, ông đã giới thiệu đến công chúng hàng loạt công trình biên khảo, sưu tầm, biên soạn văn hóa, văn học dân gian có giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể tên một số tác phẩm như: "Lễ tục và hương ước dùng vào việc tang trong dân gian Khánh Hòa xưa"; "Người Ninh Hòa kể chuyện xưa" (2 tập); "Nhà tranh vách đất trong dân gian Khánh Hòa xưa"; "Dấu xưa… nền cũ… đất Ninh Hòa"; "Đạo thờ cúng tổ tiên trong dân gian Khánh Hòa xưa và nay"; "Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa"; "Con trâu trong văn hóa dân gian Khánh Hòa"… Bên cạnh đó, còn có 15 công trình ông viết chung với các tác giả khác. Cuối năm 2024, công trình biên khảo “Văn hóa giao tế xưng hô và ứng xử trong dân gian Khánh Hòa” của ông được trao giải C Tặng thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh. “Tôi theo nghề này chỉ vì niềm đam mê. Điều hạnh phúc nhất là mỗi lần được cầm trên tay những công trình của mình đã được xuất bản, để góp chút công sức vào việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của quê hương”, nhà sưu tầm văn nghệ dân gian Võ Triều Dương chia sẻ.

Tập sách “Người Việt ăn qua góc nhìn dân gian” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban.
Tập sách “Người Việt ăn qua góc nhìn dân gian” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban và nhà sưu tầm văn nghệ dân gian Võ Triều Dương là hai trong số những người đã có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn vốn văn hóa dân gian truyền thống ở vùng đất Khánh Hòa. Điểm lại chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất đến nay, lĩnh vực văn nghệ dân gian Khánh Hòa đã có được một đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu đầy tâm huyết và tài năng. Có thể kể đến những tác giả ở thời kỳ đầu với Nguyễn Thế Sang, Lê Quang Nghiêm… Ở giai đoạn sau này, có các tác giả như: Trần Việt Kỉnh, Nguyễn Viết Trung, Nguyễn Công Lý, Chu Xuân Bình, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Thành Thi, Trần Vũ, Chamaliaq Riya Tiênq (Mấu Quốc Tiến), Trần Kiêm Hoàng, Lê Đình Chi... Chi hội Văn nghệ dân gian (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) hiện có 20 hội viên, hầu hết đều ở độ tuổi khá cao, nhưng tâm huyết, niềm đam mê của mỗi người vẫn luôn nồng ấm. Với những cách thức khác nhau, mỗi người đều đang âm thầm có sự đóng góp cho việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa, văn nghệ của người dân, vùng đất Khánh Hòa xưa và nay. Thông qua hoạt động của các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian đã đưa tới công chúng những công trình, tác phẩm về ngữ văn dân gian, trữ tình dân gian, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, tri thức về con người, tri thức ứng xử xã hội, phong tục và lễ hội... Những công trình đó góp phần tạo nền tảng cho ngành Văn hóa đẩy mạnh công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa dân gian... 

Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thời gian qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đạt được nhiều thành tựu có giá trị. Qua đó, lưu giữ những giá trị truyền thống của nghệ thuật dân gian, góp phần đáng kể vào kho tàng văn nghệ dân gian của cả nước. Không chỉ góp phần bảo tồn những nét văn hóa dân gian của vùng đất Khánh Hòa, những công trình nghiên cứu đó còn trở thành mạch nguồn cho những sáng tác mới tiếp tục ra đời.

GIANG ĐÌNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/luu-giu-von-van-hoa-dan-gian-truyen-thong-b8823da/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm