Một góc "xanh" trên đảo Đá Tây A 

Cùng tàu HQ 561 vượt hơn 230 hải lý, nhóm phóng viên từ mọi miền Tổ quốc đến đảo Đá Tây A vào đúng mùa biển động. Gió rít, mưa quật, sóng lớn từng cơn dồn dập khiến thời điểm này, khá nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam phải vào âu thuyền tránh trú, chờ biển êm, sóng lặng lại tiếp tục vươn khơi.

Do không thể vào hẳn âu thuyền, nên ngay khi mưa gió đã vãn, từng tốp phóng viên nhanh chóng được cano đưa từ tàu lớn HQ 561 cập đảo Đá Tây A. Đặt chân lên đảo, phía trái chúng tôi là một ngôi chùa kiến trúc cổ kính, mang đặc trưng kiến trúc mái chùa Việt Nam được xây vững chãi sát bờ biển, đối diện với quanh năm sóng gió dập dồn.

Đi qua cổng chào, tọa lạc giữa đảo là cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A, cách một khoảng sân rộng phía sau là ngôi nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam được xây dựng bề thế. “Đây là công trình đầu tiên được xây dựng trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi trẻ tổ chức, hiện là nơi sinh hoạt cộng đồng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo. Khách đến thăm đảo cũng được tiếp đón và nghỉ ngơi tại đây”, Thượng tá Nguyễn Tường Tín – Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A cho hay.

Không chỉ với nhà cộng đồng, những phóng viên từ đất liền đều thấy rất ấn tượng khi những dãy nhà xây dựng liền kề của các hộ dân, rồi trường học, trạm y tế, sở chỉ huy đảo, các dãy nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ đều được quy hoạch khoa học, sạch đẹp được bao bọc bởi những tán bàng vuông xanh mát. Nhưng màu xanh của đảo Đá Tây A không chỉ có vậy. Một vòng quanh đảo, nhìn đâu cũng thấy phi lao. Hàng phi lao hàng vạn cây chạy dài, ôm quanh đảo thành một vòng khép kín, như bàn tay của mẹ thiên nhiên ôm trọn đảo vào lòng.

Theo Thượng tá Nguyễn Tường Tín, hàng phi lao này được trồng sớm nhất với số lượng hàng vạn cây, tiếp đó là bàng vuông, tra, mù u... Và từ khi có Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, cây xanh tiếp tục được trồng mới thay thế những cây già cỗi, bị gãy do gió bão hoặc sâu bệnh, đồng thời đang nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây có giá trị kinh tế như giáng hương, sao đen…

Chuyện cây xanh, môi trường chưa vãn, cơn mưa nặng hạt bất ngờ ập xuống khiến từng cành lá, từng tán cây như nhảy múa, reo vui đón chào. Đứng trên tầng 2 nhà cộng đồng nhìn ra, Thượng tá Nguyễn Tường Tín cho hay: “Nguồn nước ngọt ở đảo được khai thác chủ yếu từ nước mưa. Nhờ được đầu tư hệ thống bể chứa, máng xối nên đảo chủ động được nhu cầu nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo. Chúng tôi cũng tận dụng triệt để nguồn nước sau sinh hoạt để tưới cho cây trồng, cộng với việc ươm giống từ các loại cây bản địa và dày công chăm sóc nên được thành quả như ngày hôm nay”.

Mục sở thị những thảm xanh quanh đảo, có thể nói, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Đá Tây A đã thực hiện hiệu quả chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Nhưng không chỉ cây bóng mát, mà cây ăn quả khắp mọi miền đất nước ngày càng được trồng nhiều tại nơi đây, như: dừa, chuối, đu đủ cùng những vườn rau xanh mướt, bất chấp khí hậu quanh năm khắc nghiệt. Điều này giúp tổng sản lượng tăng gia của đảo (rau xanh, thịt các loại, đậu phụ…) đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Ngoài âu tàu rộng hơn 13ha, đảo Đá Tây A còn có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá (Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) lớn nhất Trường Sa, trở thành điểm tựa an toàn cho ngư dân trong những chuyến ra khơi dài ngày. Khi vào âu, cập đảo, ngư dân được tiếp tế xăng dầu, nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt miễn phí… khiến họ càng thêm yên tâm bám biển.

Trung tá Nguyễn Hữu Diên – Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A cho hay, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp dịch vụ gồm nước ngọt, đá lạnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm đóng hộp… bằng giá trên đất liền. Trung tâm có nhà kho lạnh, nhà phân loại hải sản, nhà ăn, nhà máy phát điện, bể chứa nước ngọt 3.000m³, trạm cung ứng xăng dầu và đội sửa chữa tàu thuyền cùng các lực lượng tham gia tuần tra, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển.

"Nếu không có đá, nước ngọt, dầu… cung cấp ngay tại đảo Đá Tây A này thì có chuyến chúng tôi thua lỗ 400-500 triệu không biết chừng. Nghề cá lúc thuận lợi, tàu đánh bắt đầy hải sản rồi về bờ thì không sao. Nhưng cũng có lúc lượng hải sản không đáng kể, trong khi nhiên liệu, nước ngọt, nước đá trên tàu đã tiêu hao gần hết, nếu phải về bờ để tiếp hàng thì rất mất thời gian, tốn kém và cầm chắc lỗ nặng”, anh Nguyễn Phong Bình, ngư dân trên tàu BD 94726-TS của Bình Định chia sẻ trong lúc cập đảo tiếp thêm nước ngọt, xăng dầu…

Với nguồn điện chủ yếu từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hiện đảo được trang bị đầy đủ hệ thống ti vi, trạm thu phát sóng FM, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam và phủ sóng mạng điện thoại. Trên đảo còn có tủ sách báo, tủ sách pháp luật với trên 1.000 đầu sách, báo, giúp đời sống tinh thần của những người đang ngày đêm bám đảo được nâng cao, thông tin, kiến thức được cập nhật, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền...

Một ngày trên đảo Đá Tây A chắc chắn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng ấn tượng về những điều tận thấy với tinh thần vô cùng lạc quan của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây đủ để khẳng định một một sức sống mãnh liệt với ngập tràn màu xanh đang hiện hữu và mãi mãi hiện hữu giữa trùng khơi bao la.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/mang-xanh-giua-trung-khoi-152971.html