Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở TP.HCM đang đối mặt với khó khăn, khi lượng khách sụt giảm mạnh - Ảnh: N.TRÍ
Ngày 22-4, tại hội thảo "Hệ thống chợ dân sinh - Nhìn về tương lai" do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức, mục tiêu là tìm kiếm giải pháp, thông tin, báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 của đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế".
Người dân quay lưng với chợ vì nhiều lý do
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP hiện có 232 chợ truyền thống. Từ sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh tại các chợ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Trước thực trạng đó, TP đang nghiên cứu các giải pháp toàn diện để đổi mới mô hình chợ, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút đầu tư từ xã hội.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, sự phát triển hệ thống chợ cũng là phù hợp với nhu cầu trao đổi hàng hóa, là nét văn hóa của người dân. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.
"Điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ trên địa bàn TP đang xuống cấp. Hệ thống chợ vẫn tồn tại tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc rõ ràng… điều này góp phần khiến người tiêu dùng dần quay lưng", ông Khánh nhận định.
Với thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết phải thay đổi công năng, mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ, hình thành những chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội.
Sẽ sớm thay đổi công năng chợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề hội thảo, bà Trần Như Quỳnh - phó trưởng phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM) - cho biết sau đề án này, ngành công thương sẽ đề xuất với UBND TP cùng các đơn vị liên quan để có chính sách cụ thể cho sự tồn tại của chợ, sự phát triển của hệ thống chợ.
"Một số chợ dân sinh hoạt động không hiệu quả có thể được chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp với chợ, hoặc có thể chuyển đổi thành chợ phiên, chợ bán các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt...", bà Quỳnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển chợ dân sinh
Ngoài ra, theo bà Quỳnh, sẽ xem xét đề xuất thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế, phí, vay vốn... cho tiểu thương để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tăng tập huấn, hỗ trợ áp dụng công nghệ thông tin để dần hình thành chợ online.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh chợ. Các chợ nổi tiếng như Bến Thành, Bình Tây, An Đông... cần được bảo tồn như một phần di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch và thương mại của TP.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đề xuất sửa đổi nghị định 60 về quản lý chợ, đặc biệt việc phân loại các loại hình chợ. Ví dụ như chợ công nhân, chợ vỉa hè phục vụ người thu nhập thấp; khu chợ chuyên biệt cho người cao tuổi; hay không gian chợ kết hợp tiện ích hiện đại dành cho giới trẻ.
Bên cạnh việc tăng ứng dụng công nghệ, dịch vụ giao hàng, ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng chợ cần đi tìm bản sắc riêng.
"Các chợ dân sinh nên tăng kinh doanh đặc sản địa phương, phân loại mô hình đặc thù, tiến hành cải tổ giao thông, thay đổi công năng, thậm chí tính toán tăng giờ kinh doanh lên 24h mỗi ngày", ông Trung nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương đánh giá hội thảo là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục ghi nhận, tham vấn ý kiến từ các cơ quan, đơn vị liên quan, chuyên gia, nhà nghiên cứu... nhằm tìm giải pháp duy trì, hỗ trợ phát triển hệ thống chợ tại TP giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-so-cho-dan-sinh-cua-tp-hcm-thanh-sieu-thi-cho-ben-thanh-binh-tay-se-phat-trien-manh-du-lich-20250422202937686.htm
Bình luận (0)