Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mỹ điều chỉnh lập trường thuế quan, Trung Quốc có chiếm ưu thế?

Dù Mỹ phát tín hiệu giảm thuế, Trung Quốc vẫn chưa vội đàm phán. Giới chuyên gia nhận định cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang gánh áp lực từ bên trong.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ25/04/2025

Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Ngày 22-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thay đổi lập trường, tuyên bố Mỹ sẽ không theo đuổi thái độ "cứng rắn" trong các cuộc đàm phán thuế quan với Trung Quốc. Ông Trump cũng đề cập khả năng "giảm mạnh" mức thuế 145% đang áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, nếu tiến trình đàm phán đạt được tiến triển.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng thừa nhận trước các nhà đầu tư rằng thế bế tắc hiện nay trong căng thẳng thuế quan với Trung Quốc là "khó có thể duy trì lâu dài", và dự báo cuộc đối đầu này có thể sẽ "hạ nhiệt" trong thời gian tới.

Gánh nặng của Mỹ

Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 24-4, nhiều hãng truyền thông quốc tế nhận định rằng những phát biểu "mềm mỏng" gần đây cho thấy chính quyền Washington đang tìm cách thay đổi lập trường để giảm bớt tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại, trong bối cảnh kinh tế Mỹ bị hạ dự báo tăng trưởng và thị trường tài chính đối mặt với nhiều rủi ro bất ổn.

Khi cuộc chiến thuế quan chưa từng có tiền lệ đang gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế Mỹ, ông Trump buộc phải điều chỉnh thông điệp công khai nhằm xoa dịu tâm lý thị trường và trấn an dư luận trong nước, tờ Le Monde (Pháp) nhận định.

Theo CNN, trong một cuộc gặp riêng với ông Trump ngày 21-4, các giám đốc điều hành của các tập đoàn bán lẻ Mỹ như Walmart, Target, Lowe's và Home Depot đã bày tỏ quan ngại về những hệ quả kinh tế tiêu cực có thể phát sinh từ việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cuộc đối đầu thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đặt ra gánh nặng nặng nề cho Mỹ hơn là Trung Quốc, theo báo cáo của tờ Nikkei (Nhật Bản) ngày 22-4.

Theo đó, Nikkei cho biết nguyên nhân là do Mỹ quá phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng như điện thoại thông minh cho đến các sản phẩm tiêu dùng thông thường như đồ chơi là búp bê Barbie.

Cụ thể trong năm 2024, 81% lượng smartphone nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc, với tổng trị giá lên tới 41,3 tỉ USD. Đối với máy tính xách tay, Trung Quốc chiếm 66% tổng lượng nhập khẩu, tương đương 32,6 tỉ USD. Riêng trong lĩnh vực xe điện cũng có tới 69% pin lithium-ion được nhập từ Trung Quốc, trị giá khoảng 16,2 tỉ USD, theo tờ Financial Times (Anh).

Trong khi đó, Trung Quốc đã chủ động đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nông sản từ Mỹ sang Brazil. Theo Nikkei, từ năm 2023 Trung Quốc đã nhập khẩu đậu nành từ Brazil với trị giá gấp đôi Mỹ (40 tỉ USD), cho thấy sự giảm phụ thuộc vào Washington của Bắc Kinh.

Trung Quốc thủ thế hay thắng thế?

Trang Sina Finance ngày 20-4 dẫn nhận định từ chuyên gia kinh tế Trung Quốc Lưu Dục Huy cho biết Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược dài hạn dựa trên định hướng 3 hơn, bao gồm mở cửa hơn, cân bằng hơn và gia tăng hơn nữa vai trò của thị trường.

Tuy nhiên, trong nội bộ Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện những lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại không nêu tên của Trung Quốc thừa nhận với CNN rằng nếu mức thuế 145% tiếp tục được duy trì, hoạt động thương mại đối ngoại của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ gia tăng thất nghiệp và bất ổn xã hội.

Dưới góc nhìn chiến lược, Nikkei nhận định Trung Quốc đang chủ động tận dụng bối cảnh căng thẳng để mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đây được đánh giá là một bước đi cho thấy sự linh hoạt trong thích ứng với thay đổi địa chính trị và thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực lớn từ khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng giảm. Đài CNN nhận định mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2025 của Trung Quốc là tham vọng, các chuyên gia kinh tế cũng cho biết mục tiêu này sẽ khó đạt nếu thương mại của Trung Quốc tiếp tục bị bóp nghẹt bởi thuế quan.

Giáo sư Vương Nghĩa Ngôi của Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nhận định với CNN rằng nếu Trung Quốc thể hiện bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào lúc này, ông Trump có thể xem đó là thành công của chiến thuật gây sức ép và sẽ gia tăng áp lực.

Cùng quan điểm, giáo sư Ngô Tâm Bá của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định Bắc Kinh đang chọn chiến lược "không vội" để duy trì thế chủ động và chờ thời điểm đàm phán thuận lợi hơn.

Điều này cho thấy Trung Quốc chưa thực sự nắm giữ ưu thế tuyệt đối, mà đang lựa chọn duy trì thế chủ động phòng thủ, đồng thời khai thác những áp lực nội bộ tại Mỹ như một yếu tố thuận lợi để củng cố vị thế trong quá trình đàm phán.

Trong bối cảnh hai bên Trung - Mỹ đều đang phải đối mặt với những giới hạn nội tại, việc kéo dài căng thẳng thương mại theo đó có thể gây tổn thất sâu rộng cho cả hai nền kinh tế lớn.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
Trở lại chủ đề
LIÊN AN

Nguồn: https://tuoitre.vn/my-dieu-chinh-lap-truong-thue-quan-trung-quoc-co-dang-chiem-uu-the-20250424232707323.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm