Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5: Hợp lực vùng, nâng tầm điều hành chính sách tiền tệ

Sau sáp nhập 6 chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/3/2025, với trụ sở chính đặt tại TP. Thái Nguyên. Không chỉ giữ vững ổn định tổ chức, bộ máy mới của đơn vị còn phát huy vai trò điều phối chính sách tiền tệ cấp vùng, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính khu vực trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên12/04/2025

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 có trụ sở chính đặt tại trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: L.K
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 có trụ sở chính đặt tại trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: L.K

Ổn định tư tưởng cán bộ - nền móng

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 5 sau sắp xếp gồm Ban Giám đốc với 1 Giám đốc và 6 Phó Giám đốc (trong đó có 1 Phó Giám đốc tại trụ sở và 5 Phó Giám đốc phụ trách tại các tỉnh), cùng 7 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Tổng số công chức, người lao động sau sắp xếp còn 219 người, giảm 30 người so với trước. Đáng chú ý, số cán bộ lãnh đạo, quản lý tinh giản mạnh từ 79 người xuống còn 32 người, thể hiện rõ tinh thần “giảm đầu mối, tăng hiệu quả”.

Ngay khi có quyết định sáp nhập, tâm lý lo lắng về vị trí việc làm, sự thay đổi về tổ chức, văn hóa làm việc... đã xuất hiện ở nhiều cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo NHNN Khu vực 5 xác định rõ: Ổn định tư tưởng đội ngũ cán bộ là điều kiện tiên quyết.

Ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Khu vực 5, nhấn mạnh: Chúng tôi không phải gom lại 6 chi nhánh, mà đang kiến tạo một tổ chức mới. Cán bộ được bố trí dựa trên năng lực, nhiệm vụ được giao rõ ràng bảo đảm công việc thông suốt, không có xáo trộn. Chính sự đồng lòng đã tạo nên sự ổn định nhanh chóng sau sáp nhập.

Không chỉ là sự sắp xếp về hành chính, tinh gọn bộ máy còn đặt ra yêu cầu rất lớn về trách nhiệm, sự hy sinh và thích ứng của cán bộ trong thực tiễn. Một trường hợp tiêu biểu là bà Hoàng Diệu Hồng, chuyên viên Phòng Tổng hợp - người trước đây công tác tại Lạng Sơn, nay chuyển công tác về trụ sở chính tại Thái Nguyên từ ngày 1/3/2025.

Chia sẻ về hành trình đầy thử thách ấy, bà Hoàng Diệu Hồng cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi chuyển công tác về Thái Nguyên, tôi phải mang theo con nhỏ và thuê chỗ ở, trong khi chồng vẫn tiếp tục làm việc tại một ngân hàng thương mại ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, hằng ngày phải đi lại cách nhà tới 71km, nhưng gia đình tôi đã đồng thuận và nhận thức rõ trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Tôi đã chủ động thu xếp cuộc sống, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ tại NHNN Khu vực 5.

Không chỉ bà Hồng mà nhiều cán bộ khác từ Bắc Kạn, Cao Bằng cũng đang nỗ lực hòa nhập, đóng góp vào sự ổn định tổ chức mới. Những khó khăn ban đầu được xem như "giai đoạn chuyển tiếp tất yếu" và điều quan trọng là tinh thần chủ động, cầu thị, gắn bó của đội ngũ cán bộ - nền tảng quan trọng giúp NHNN Khu vực 5 nhanh chóng ổn định, vận hành hiệu quả sau sáp nhập.

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 bố trí cán bộ, nhân viên làm việc dựa trên năng lực, với các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao rõ ràng.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 bố trí cán bộ, nhân viên làm việc dựa trên năng lực, với các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao rõ ràng.

Kiến tạo mô hình “nhạc trưởng vùng”

Từ mô hình “chi nhánh tỉnh” chuyển sang “khu vực liên tỉnh”, chức năng của NHNN Khu vực 5 đã được mở rộng và nâng tầm. Cơ quan này hiện đóng vai trò điều phối tổng thể các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, quản lý ngoại hối và vàng, thanh tra - giám sát ngân hàng cho 6 tỉnh với mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng được mở rộng.

Toàn khu vực hiện có 36 tổ chức tín dụng đang hoạt động với 136 chi nhánh cấp 1; 3 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 49 quỹ tín dụng nhân dân; 52 chi nhánh cấp huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; 449 phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.

Đặc biệt, trong bối cảnh cần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, vai trò “nhạc trưởng” vùng càng trở nên quan trọng.

Chỉ hơn 2 tuần sau khi đi vào hoạt động, ngày 18/3/2025, NHNN Khu vực 5 đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng để đánh giá thanh khoản khu vực, nắm bắt nhu cầu vốn thực tế từ doanh nghiệp, định hướng tín dụng đi vào những lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, logistics trung chuyển…

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Việc chuyển sang mô hình khu vực giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách tín dụng một cách thống nhất, rõ ràng hơn. Không còn cảnh mỗi tỉnh làm một kiểu. Đặc biệt, với doanh nghiệp hoạt động liên tỉnh thì đây là bước tiến rất đáng ghi nhận.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, NHNN Khu vực 5 cũng đặc biệt chú trọng ổn định hệ thống thanh toán, bảo đảm điều chuyển tiền mặt và dữ liệu không bị gián đoạn trong vùng. Ứng dụng công nghệ số, hệ thống quản trị dữ liệu chung vùng và phương thức điều hành từ xa đã được triển khai đồng bộ ngay từ đầu.

Về thanh tra - giám sát, mô hình mới giúp tăng cường kiểm soát rủi ro theo cụm, phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn hệ thống, đặc biệt tại các tổ chức tín dụng có hoạt động lan tỏa trên nhiều tỉnh.

Đồng thời, NHNN Khu vực 5 đang nghiên cứu phân cấp hợp lý, tăng tính tự chủ cho từng cụm địa bàn, qua đó tối ưu hóa quản trị và phản ứng chính sách.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thách thức về khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hóa làm việc, khối lượng công việc tăng... Để vượt qua, lãnh đạo NHNN khu vực 5 xác định trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ vùng có tư duy chiến lược, quản lý đa địa bàn và khả năng thích ứng cao.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/ngan-hang-nha-nuoc-khu-vuc-5hop-luc-vung-nang-tam-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-1222ae1/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm