
Hơn 20 bức tranh sơn dầu của vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm tháng sống xa quê hương được quy tụ, hồi cố tại kinh thành Huế.
“Ông Hoàng xứ Annam, gầy guộc như một cây sậy, nói về hội họa, nói về họa thất (atelier) tại ngôi biệt thự của ông ở làng El Biar…” (Jules Roy).
Phẩm hạnh vị vua trẻ
Vua Hàm Nghi (1971-1944), 13 tuổi lên ngôi. Trong cuốn “Ông vua bị lưu đày” (Le Roi Proscrit), nhà văn Pháp Marcell Gaultier đã viết: “Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng với thần dân của mình. Vị vua trẻ đã làm một việc vang dội khắp đất nước: Với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn nhát”.
Chính vì những tố chất như vậy, khi Hàm Nghi lên ngôi chưa được bao lâu, ông bị Pháp lưu đày sang Angeri - một xứ sở ở Phi châu hoàn toàn lạ lẫm với người Việt lúc đó.
Tha hương nơi xứ người, ông sống khá khép mình, lặng lẽ ở ngôi biệt thự có lên là biệt thự Tùng Hiên thuộc làng El Biar và sau này, khi trở thành một họa sĩ, ông đã vẽ khá nhiều bức tranh về ngôi làng này như một sự hoài niệm, một phần gắn bó với mảnh đất quê người.
Năm 1899, ông sang Pháp xem triển lãm Paul Gauguin, về sau tranh của ông có khá nhiều ảnh hưởng từ đại danh họa này. Tiếp xúc với nền văn hóa Pháp, ông vẫn giữ nguyên hình ảnh một hoàng tử phương Đông.

Là một vị vua tha hương, bị Pháp lưu đày sang xứ Algeri ở châu Phi, nên đương nhiên, mỗi hoạt động của vua Hàm Nghi đều có người theo dõi, giám sát.
Tuy nhiên, họ rất “nương tay” và khá trân trọng trước phẩm hạnh và cách sống của ông. Đại úy De Vialar đã phát hiện ra các bức vẽ đầy “tố chất” của vua Hàm Nghi, ông đã đề nghị họa sĩ Marius Reynaud (1860-1935) dạy cho vua Hàm Nghi các kiến thức cơ bản về hội họa.
Năm 2010, tức 66 năm sau khi ông qua đời, bức tranh “Chiều tà” do ông vẽ được mang bán đấu giá tại Dorout, Paris khiến đông đảo người quan tâm. May mắn thay một bác sĩ gốc Việt cố hết sức để giành được bức tranh quý giá này. Việc đấu giá thành công bức tranh đã đánh thức sự quan tâm tới những giá trị của nhà vua còn để lại với công chúng Việt.
Trời - non - nước trên quê hương
Những bức tranh của vua Hàm Nghi vẽ trong giai đoạn lưu đày, thường là phong cảnh nơi ông sống, hoặc cảnh quan mà ông thấy có cảm xúc.

Nhà vua thường chia sẻ, tâm sự qua thư với bạn của mình vào năm 1901: “Mỗi khi cảm thấy nỗi chán chường sắp đến, tôi vớ vội hộp màu và chạy nhanh ra giữa cánh đồng. Tại đó, tôi lặng ngắm phong cảnh cả nhiều giờ liền, và cố gắng ghi nhận những vẻ đẹp mà tôi nhìn thấy (...). Hội họa đã tạo cho tôi sự khuây khỏa đến nhường nào. Chính vì thế, tôi bám víu vào đó bằng cả tâm hồn lẫn thể xác. Không có nó, tôi chẳng biết sẽ như thế nào, bởi tôi đã thấy, hệt như ngài, cuộc sống là một chuỗi đơn điệu…”.
Bức tranh sơn dầu “Vách đá biển Port Blanc (st- Lunaire) vẽ vào năm 1912 (61x50cm, bộ sưu tập riêng, Amandine Dabat), là một trong những sáng tác tiêu biểu cho phong cách của nhà vua.
Cái tên Tử Xuân thường được nhà vua ký lên tác phẩm nghệ thuật, như muốn nhấn mạnh mình là đứa con nhỏ bé của mùa xuân - mùa xuân nước Nam xa vời mà ông chưa có dịp trở về.
Nghệ thuật giúp ông nguôi bớt nỗi khắc khoải tha hương. Những bức tranh của ông thường hay thiếu vắng người, sắc màu thường bảng lảng, phảng phất sự cô độc, vắng vẻ, hiu quạnh.
Cuối tháng 3 vừa qua, Điện Kiến Trung (nằm ở Đại nội Huế) trở thành điểm hẹn nghệ thuật khi tạp chí Art Republik Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm hội họa đặc biệt “Trời, Non, Nước - Allusive Panorama”.
Đây là cuộc triển lãm hồi cố thứ hai, cũng là triển lãm quy mô lớn nhất trưng bày các tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi tại Việt Nam. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Đây là các tác phẩm được hồi hương, thẩm định, bảo quản, phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành và được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.

“Công chúng đã biết tới vua Hàm Nghi như một anh hùng dân tộc, người đã ban chiếu Cần Vương với tham vọng giành lại chủ quyền cho dân tộc từ thực dân Pháp. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rằng, ông cũng là một trong hai họa sĩ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, vì thế có thể xem ông là người đóng vai trò tiên phong trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam”, Giám tuyển Ace Lê - Tổng Biên tập tạp chí Art Republik - nhận định.
Sự “trở về” của những bức tranh của vua Hàm Nghi trong không gian Điện Kiến Trung (Huế) là lời tri ân của hậu thế dành cho vị vua yêu nước. Đây cũng là cơ hội hiếm có để công chúng tại Việt Nam chiêm ngưỡng tác phẩm của vua Hàm Nghi trong không gian triển lãm được thiết kế tại di tích nhằm đáp ứng tiêu chuẩn triển lãm của bảo tàng quốc tế.
Giám tuyển đã khá vất vả khi đi tìm các bức tranh được vẽ tại Alger và rất may mắn, anh tìm được ba tác phẩm từ ba nhà sưu tập khác nhau. Đặc biệt nhất có lẽ là bức “Vue de la résidence d’ El Biar (Quang cảnh dinh thự El Biar)” (1901). Bức tranh là một trong số hiếm những tác phẩm về kiến trúc của dinh thự Cây thông (Villa des Pins). Bức tranh này cũng chính là quà tặng của công chúa Như Lý (con gái thứ của vua Hàm Nghi, cụ của TS. Amandine) cho người trợ tá của mình.
TS. Amandine Dabat nói: “Hàm Nghi không chỉ là vị vua yêu nước, suốt đời hướng về cội nguồn, suốt đời chỉ mặc quốc phục, mà còn là nghệ sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hội họa”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nghe-thuat-trong-chon-luu-day-3152211.html
Bình luận (0)