Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghị quyết 68: Bản tuyên ngôn tự do cho doanh nhân

(Dân trí) - Mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ không đạt được nếu không có sự đột phá của khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực này đã và đang đóng góp lớn vào GDP, tạo ra việc làm, nâng cao năng suất lao động...

Báo Dân tríBáo Dân trí19/05/2025


Nghị quyết 68: Mảnh ghép quan trọng nhất của Đổi mới 2.0

Công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đã tạo ra "đột phá thể chế" để đưa Việt Nam thoát nghèo, trong đó thay đổi quan trọng nhất là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thay đổi bản chất của quan hệ sản xuất tạo ra sự giải phóng cho lực lượng sản xuất, đem đến gia tốc khổng lồ cho nền kinh tế. Vai trò của khu vực tư nhân càng được khẳng định thì nền kinh tế càng có thêm động lực tăng trưởng.

Giai đoạn 1986-2022, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam đạt 6,45%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 3,01%. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09%, nâng quy mô GDP lên khoảng 476 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người 4.700 USD/năm. Giai đoạn này, GDP Việt Nam tăng gấp 18 lần (476,3 tỷ USD so với 26,3 tỷ USD), trong khi GDP/người tăng gấp 11 lần (4.700 USD/người so với 436,4 USD/người).

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên suốt 40 năm qua không đủ để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao với tốc độ tăng trưởng các giai đoạn 10 năm giảm dần và khó đạt được mức tăng trưởng trung bình 7%/năm. Điều này cũng được thể hiện qua sự yếu ớt của khu vực kinh tế tư nhân so với khu vực FDI.

Trên đất nước của mình, doanh nghiệp tư nhân bị phân biệt đối xử dẫn đến càng mở cửa càng thua thiệt. Giai đoạn 2010-2012, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu bởi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là ngang nhau.

Tuy nhiên, giá trị hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng ngày càng nhanh và dần chiếm trên 2/3 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2023, 72,52% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang dần trở thành quốc gia "gia công giá rẻ" và không tận dụng được các lợi ích từ chuyển giao, phát triển công nghệ mà FDI mang lại.

Nghị quyết 68: Bản tuyên ngôn tự do cho doanh nhân - 1

Toàn cảnh TPHCM (Ảnh: Nguyễn Đức Trịnh).

Những chuyển động trong nước hiện tại cho thấy hình ảnh của công cuộc Đổi mới 2.0. Đất nước không thể vươn mình với xuất phát điểm là nước nghèo. Công cuộc Đổi mới 40 năm qua đã tạo ra những nền tảng, sức bật to lớn để nền kinh tế có những điều kiện cơ bản để cất cánh.

Việt Nam ngày nay, giống Trung Quốc năm 2010 (GDP/người đạt 4.550 USD), Đài Loan năm 1986 (GDP/người đạt 4.036 USD); Hàn Quốc năm 1988 (GDP/người đạt 4.748 USD)… Hành trình "hóa rồng" của các quốc gia này đều gắn với những cuộc cách mạng về nhận thức và hành động.

Việt Nam đã bắt đầu bước vào hành trình này bắt đầu từ mũi giáp công thứ nhất: cải cách thể chế với cuộc cách mạng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" theo tinh thần của Nghị quyết 18.

Mũi giáp công thứ hai là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến gia tăng hiệu quả và hàm lượng đổi mới sáng tạo.

Cuộc cách mạng thứ nhất là về thể chế; cuộc cách mạng thứ hai là về công nghệ, đổi mới sáng tạo; cuộc cách mạng thứ ba chính là chủ thể của công cuộc đổi mới, lực lượng góp công vào những thành công của Đổi mới lần thứ nhất và Đổi mới 2.0 này.

Bên cạnh đó, sẽ có các mảnh ghép còn lại tập trung vào các đột phá trong phát triển hạ tầng, nhân lực, chính sách công nghiệp, những nút thắt đã tồn tại nhiều năm. Trong các mũi giáp công này, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân chính là mảnh ghép quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 và mục tiêu trăm năm trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Đây là Nghị quyết đưa kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trở về đúng vị trí xứng đáng của họ.

Mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ không đạt được nếu không có sự đột phá của khu vực kinh tế tư nhân. Với sự năng động, linh hoạt và khả năng thích ứng cao, khu vực tư nhân đã và đang đóng góp lớn vào GDP, nguồn vốn ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Do đó, đây sẽ là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Nghị quyết 68: Bản tuyên ngôn tự do cho doanh nhân - 2

Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân trong nước (Nguồn: Tổng Cục thống kê).

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực tư nhân đóng góp gần 60% GDP và có xu hướng tăng đều trong suốt 20 năm với giá trị tài sản cố định tăng trưởng liên tục ở mức CAGR 8% trong giai đoạn 2018-2022, cùng hiệu quả đầu tư cao vượt trội - cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của toàn nền kinh tế và gấp 1,9 lần khu vực nhà nước.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước lại có xu hướng giảm dần; khu vực FDI tuy có tăng trưởng và đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc nội, nhưng tỷ trọng đóng góp đã đạt đến tới hạn và chỉ duy trì mức 22% trong suốt thời kỳ 2019-2023.

Trong quá khứ và hiện tại, khu vực FDI đã và đang là động lực quan trọng, là "cú hích lớn" cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện tập trung vào giai đoạn gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp.

Thêm vào đó, khu vực này có giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn khá thấp, phản ánh thực tế rằng các doanh nghiệp FDI đang ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần gia tăng nội lực.

Cởi trói cho doanh nhân, doanh nghiệp

Đặt trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách phát triển khu vực tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thì việc càng cải cách càng đi lùi làm giảm niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp.

Năm 2023, đầu tư tư nhân tăng 2,3% là mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Năm 2024 đạt 8,7%, vẫn thấp hơn mức trung bình 14-15%/năm. Khảo sát niềm tin doanh nhân các kỳ của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đều cho thấy bên cạnh đơn hàng thì nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế và tuân thủ các thủ tục hành chính vẫn là các khó khăn chính của doanh nghiệp.

Như vậy, ngoài việc phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhiều biến động thì doanh nghiệp còn phải đối mặt những khó khăn từ môi trường kinh doanh trong nước. Trong môi trường nhiều rủi ro, bất định, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hình thức sở hữu thành doanh nghiệp nước ngoài hoặc "không dám lớn" để bảo vệ tài sản.

Điều này tạo ra một cơ cấu doanh nghiệp bất thường ở Việt Nam. Năm 2022, 93,5% các doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; các doanh nghiệp lớn chiếm 1,3%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 3,8%, tạo ra nút cổ chai trong phát triển vì chỉ có những doanh nghiệp này mới bắt đầu có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau 40 năm, có rất ít doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp vừa và rất ít doanh nghiệp vừa phát triển thành doanh nghiệp lớn. Nếu không có sự thay đổi đột phá về tư duy và thực thi, trong đó xác lập vị trí then chốt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp sẽ thiếu niềm tin, động lực để lớn mạnh. Kinh doanh với tư duy ngắn hạn, chộp giật của nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đến từ việc thiếu niềm tin chiến lược.

Thời kỳ đổi mới năm 1986 mở ra cánh cửa đầu tiên cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, với tư duy kinh tế đổi mới, chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các văn kiện của Đảng ra đời, từng bước thừa nhận sự tồn tại tất yếu của khu vực kinh tế tư nhân trong mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia. Nghị quyết 10 năm 2017 tạo bước ngoặt trong tư duy khi chính thức công nhận kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nghị quyết 68: Bản tuyên ngôn tự do cho doanh nhân - 3

Những công trình hiện đại tiêu biểu của Hà Nội (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).

Quan điểm chỉ đạo về vị thế kinh tế tư nhân đó đã tạo nên tiếng vang trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để giải phóng doanh nghiệp tư nhân  khỏi tình cảnh đối xử bất công do  cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại trong các quy định pháp luật. 

Sự ra đời của Nghị quyết 68 định vị lại la bàn phát triển quốc gia, đưa doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân về đúng vị thế và vai trò trong nền kinh tế; xác lập quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản trong nhận thức và tiếp cận nguồn lực.

Sự đột phá trong tinh thần Nghị quyết 68 tập trung vào thiết lập "luật chơi" chứ không phải "người chơi", không phải là ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân mà tạo ra sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân làm tốt công việc của họ. Nghị quyết xác lập mục tiêu đảm bảo quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Một điểm đặc biệt trong Nghị quyết 68 đã cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân khỏi nỗi sợ về sự an toàn khi nhấn mạnh tinh thần không hình sự hóa và không hồi tố, bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nhân, doanh nghiệp. Những vụ án kéo dài gần đây đã tạo tâm lý e dè và làm giảm động lực kinh doanh của đội ngũ doanh nhân - những người tiên phong trên mặt trận kinh tế.

Sự ra đời của Nghị quyết 68 quán triệt tinh thần phân định rạch ròi giữa trách nghiệm hành chính, dân sự và hình sự; giữa trách nghiệm cá nhân và pháp nhân. Trong xử lý sai phạm, biện pháp chủ động khắc phục phải được ưu tiên xem xét; nghiêm cấm hồi tố và đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình xử lý.

Doanh nhân khi thành lập doanh nghiệp, giống như người lái xe với chiếc xe của mình. Họ muốn đi xa, đi nhanh nhưng quan trọng nhất là phải an toàn. Người lái xe không sợ ổ gà vì họ có thể giảm tốc. Họ sợ đi trên đường mà hôm nay được phép đi nhưng hôm sau nhận được quyết định "phạt nguội".

Cái doanh nhân, doanh nghiệp cần là sự cam kết rõ ràng, là một chính sách minh bạch, nhất quán để yên tâm dấn bước. Nghị quyết 68 chính là lời tuyên ngôn mạnh mẽ cho quyền tự do kinh doanh, và là tấm lá chắn pháp lý chứa đựng niềm tin để doanh nghiệp tư nhân "dám làm, dám chịu, dám thành công". Từ chịu nhiều định kiến, với Nghị quyết 68, doanh nhân đã trở thành những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế.

Tư duy phát triển doanh nghiệp lớn mạnh và hướng ra toàn cầu

Mấu chốt của trong thành công của nhiều quốc gia Đông Á là xây dựng một nền kinh tế hướng ra xuất khẩu với các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Với tư duy như vậy, nghị quyết khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Nếu làm một phép đếm toàn văn Nghị quyết, chúng ta sẽ thấy, thuật ngữ "doanh nghiệp" được nhắc đến nhiều nhất (142 lần), sau đó đến "phát triển" (59 lần) điều này cho thấy phần nào tinh thần lấy doanh nghiệp là trung tâm và phát triển là mục tiêu chủ đạo.

Nghị quyết nhấn mạnh tư duy phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình kiến tạo, phát triển quốc gia. Hệ chính sách được thiết kế cho các loại hình doanh nghiệp với các bài toán khác nhau: Doanh nghiệp lớn, dẫn dắt được tham gia các bài toán lớn quốc gia; doanh nghiệp vừa, tiên phong được hỗ trợ vươn ra toàn cầu; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn về đất đai, tín dụng.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh được đưa vào khuôn khổ chính sách, để hỗ trợ song song với thúc đẩy phải lớn bằng "áp lực", từ đó đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp toàn quốc gia.

Nghị quyết 68: Bản tuyên ngôn tự do cho doanh nhân - 4

Pháo hoa rực rỡ soi bóng trên mặt sông Sài Gòn (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030 được xây dựng dựa trên động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp của hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay. Bên cạnh đó là các chính sách hướng đến doanh nhân khi khẳng định vị thế, vai trò của họ; đảm bảo các nhu cầu chính đáng như quyền tài sản, an toàn, được tôn trọng, vinh danh. Các chính sách hướng đến xã hội cũng rõ nét thông qua thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh và tôn trọng doanh nhân trong phạm vi cả nước.

Đổi mới năm 1986 với mục tiêu đưa đất nước và nhân dân thoát khỏi đói nghèo đã đòi hỏi một sự thay đổi lớn, một bước ngoặt lớn về tư duy phát triển. Giai đoạn hiện nay, với mục tiêu đưa đất nước vào những quốc gia tiên tiến nhất, "dân giàu - nước mạnh" lại càng đòi hỏi sự thay đổi tư duy và hành động quyết liệt hơn nữa để tạo không gian để phát huy sức mạnh dân tộc.

Nghị quyết 68 với tư duy tiếp cận toàn diện, đã tạo ra những tác động to lớn đến doanh nghiệp, doanh nhân và tinh thần kinh doanh của xã hội. Với tư duy "cởi trói" gắn các vấn đề ngắn hạn đến tư duy phát triển dài hạn.

Nghị quyết đã đem đến luồng sinh khí mới và vun bồi niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân để họ yên tâm, tự tin sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường.

Vấn đề còn lại và quan trọng bây giờ là thực thi - Làm thế nào để đưa các tư tưởng của nghị quyết vào thực tiễn, tạo xung lực cho doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nghi-quyet-68-ban-tuyen-ngon-tu-do-cho-doanh-nhan-20250516120855149.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm