Ghi nhận cho thấy, người dân bày tỏ sự đồng thuận, thể hiện tinh thần trách nhiệm và mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Cán bộ phường 4 (TP Tuy Hòa) phát phiếu lấy ý kiến tại hộ gia đình. Ảnh: CTV |
Theo đề án, trước khi sắp xếp, Phú Yên có 106 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (gồm: 82 xã, 18 phường và 6 thị trấn). Sau sắp xếp, tỉnh Phú Yên sẽ thành lập 34 xã, phường mới, giảm 72 ĐVHC cấp xã, tỉ lệ giảm 67,92% đảm bảo theo định hướng của trung ương (giảm khoảng 60-70%).
Người dân tích cực góp ý
Những ngày qua, tại nhiều khu dân cư, tổ dân phố, việc lấy ý kiến về tên gọi mới cho xã, phường sau sáp nhập đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Hầu hết người dân cho rằng đây là việc làm cần thiết, thể hiện tính dân chủ và sự tôn trọng ý kiến cộng đồng.
Theo đề án sáp nhập xã, phường mà tỉnh Phú Yên đang triển khai, TP Tuy Hòa từ 12 xã, phường kết hợp lấy thêm một số xã, phường và khu vực lân cận lập thành ba phường mới, gồm phường Phú Yên, Tuy Hòa và Bình Kiến. Tên của ba phường mới đã được địa phương triển khai xuống cơ sở lấy ý kiến đồng loạt trong cuối tuần qua và được Nhân dân đồng thuận. Bởi tên ba phường mới đều có ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt là phường Phú Yên tạo sự đồng thuận lớn.
Là người dân Phú Yên, ông Nguyễn Văn Uyển ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) rất vui vì phường mình sẽ có tên mới là phường Phú Yên, nhất là khi sáp nhập tỉnh tên tỉnh Phú Yên không còn. Ông Uyển chia sẻ: “Việc lấy ý kiến người dân trong đặt tên phường mới sau sáp nhập cho thấy chính quyền luôn lắng nghe, coi trọng tiếng nói của dân. Tôi thấy tên mới được đề xuất hợp lý, mang tính kế thừa lịch sử và dễ nhớ. Vẫn còn hình ảnh những đặc trưng lịch sử văn hóa của địa phương để giáo dục con cháu sau này”.
Cùng quan điểm với ông Uyển, chị Phạm Thị Lan ở phường 4, bày tỏ: “Tôi và gia đình đã tham gia góp ý tên mới cho xã, phường. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì được trực tiếp tham gia vào việc xây dựng hình ảnh mới cho quê hương. Các tên phường mới quá ý nghĩa nhưng nếu việc sáp nhập đi kèm với đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục thì tôi càng ủng hộ”.
Trước khi lấy ý kiến Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã lưu ý tên của đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống, văn hóa của địa phương, đảm bảo kế thừa lịch sử. Về địa giới đảm bảo thuận lợi cho người dân trong đi lại và hoạt động sản xuất thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân khi được lấy ý kiến rộng rãi. Mục đích cuối cùng của việc sắp xếp đơn vị hành chính là xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, phục vụ tốt hơn cho người dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Huyện Tuy An sau sáp nhập còn năm xã cũng đã nhận được ủng hộ của người dân, nhất là việc đặt tên xã Ô Loan trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các xã An Hiệp, An Hòa Hải và An Cư. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu ở xã An Hiệp, chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc sáp nhập ngay từ khi có chủ trương, xây dựng đề án này. Gia đình tôi làm ăn, sinh sống ở Tuy An bao đời nay nên khi nghe sau sáp nhập có xã Ô Loan thì rất vui. Tên này gợi nhớ một địa danh gắn với một danh thắng quốc gia”.
Trong đợt lấy ý kiến này, các địa phương đặc biệt chú trọng ý kiến của các cử tri lớn tuổi, vì đó là những người gìn giữ ký ức và tinh thần của địa phương. Những đóng góp của những người cao tuổi là cơ sở để chọn ra tên gọi phù hợp và có chiều sâu văn hóa. Là một cán bộ về hưu, ông Đinh Quang Việt ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) bày tỏ: “Tôi ủng hộ chủ trương sắp xếp, đặt tên mới cho các xã của huyện Đồng Xuân, vì tên mới vẫn giữ được nét riêng gắn liền với lịch sử, truyền thống cha ông để lại, không phải là sự ghép đặt máy móc”.
Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Võ Văn Binh, ngay sau khi có chỉ đạo từ cấp trên về thực hiện lấy ý kiến Nhân dân trước khi được cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, huyện đã nhanh chóng chỉ đạo lấy ý kiến một cách dân chủ, công khai và minh bạch. Việc lấy ý kiến không chỉ để chọn tên gọi phù hợp mà còn nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong quản lý nhà nước. Kết quả cho thấy tỉ lệ đồng thuận cao, điều đó cho thấy sự đồng lòng, nhất trí trong toàn dân.
Còn theo Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Bùi Thanh Toàn, việc sắp xếp, đặt tên xã, phường mới được lãnh đạo thành phố cân nhắc rất kỹ lưỡng, bám sát định hướng. Việc sáp nhập và đặt tên lại các đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu kỹ thuật về tổ chức bộ máy, mà còn là bước đi chiến lược để tạo lập nền tảng phát triển bền vững. Chúng tôi đánh giá cao ý kiến đồng thuận của người dân, nhất là việc thành lập phường Phú Yên. Đây chính là sức mạnh nội lực để các phường mới chuyển mình mạnh mẽ, xây dựng chính quyền số, phát triển KT-XH đồng đều giữa các nơi sau khi sáp nhập”.
Đến nay, chín huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đã lấy xong ý kiến Nhân dân về việc đặt tên xã, phường mới. Theo đó, có trên 98% hộ dân đồng thuận với tên mới của địa phương mình khi sáp nhập. Dự kiến hôm nay (26/4), HĐND tỉnh tổ chức họp và thông qua nghị quyết liên quan đến đặt tên 34 xã, phường mới trên địa bàn tỉnh.
Đặt người dân là trung tâm của mọi quyết sách
Dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho thấy, việc sáp nhập, đặt tên các xã, phường mới lần này được các cấp chính quyền bám sát hướng dẫn của trung ương về các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; cân nhắc kỹ lưỡng, ưu tiên các phương án tên gọi vừa ngắn gọn, vừa phản ánh được bản sắc văn hóa từng vùng, có lịch sử lâu đời. Đặc biệt có sự cầu thị, lắng nghe và có điều chỉnh hợp lý, xác định người dân là trung tâm trong mọi quyết sách. Tuy nhiên, việc đặt tên mới chỉ là một phần, quan trọng hơn là tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng các dịch vụ công tốt hơn sau khi tổ chức lại bộ máy. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh và có những quyết sách phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, các ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên mở rộng hơn so với tiêu chuẩn quy định, tạo không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quy mô dân số của ĐVHC mới phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền cấp xã và đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu quả; sẽ tạo sự thay đổi tích cực và tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm được chi tiêu công, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, Nhân dân, xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các địa phương khi lấy ý kiến người dân phải linh hoạt lắng nghe, tôn trọng tiếng nói từ mọi tầng lớp, nhất là người cao tuổi. Việc đặt tên mới không đơn thuần là thủ tục hành chính, mà phải là kết quả của sự đồng thuận, hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Do đó, khi UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định, kết quả đại đa số cử tri đại diện hộ gia đình đều thống nhất với dự thảo đề án. Tên gọi đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp đảm bảo phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ”.
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/nguoi-dan-dong-thuan-voi-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-moi-e5f0cf9/
Bình luận (0)