Thương mại điện tử đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Ảnh: KHANG ANH |
Sức hút từ TMĐT
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2024, các mô hình TMĐT tại Việt Nam phát triển đa dạng; trong đó sàn giao dịch TMĐT vẫn chiếm vị trí nổi bật, các nền tảng TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục dẫn đầu, chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. Hay TikTok Shop đã thu hút hàng triệu người dùng nhờ trải nghiệm mua sắm qua livestream, tạo ra một làn sóng mới trong cách tiêu dùng.
Điều này không chỉ cho thấy, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến mà còn khẳng định sức hút, tiềm năng phát triển của TMĐT trong tương lai. Tuy nhiên theo Cục TMĐT và Kinh tế số, TMĐT vẫn có nhiều thách thức, không chỉ thách thức về hạ tầng, hệ thống logistics mà vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, bảo mật thông tin cá nhân… cũng là rào cản lớn đối với sự phát triển của TMĐT.
Những vụ vi phạm liên quan đến TMĐT xảy ra trong thời gian qua khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong lựa chọn phương thức mua hàng. Đáng kể vào ngày 24/4, đoàn kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh Gia Lai đã kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi (hẻm 420 Trường Chinh, TP Pleiku), phát hiện cơ sở vi phạm: Khu vực chứa đựng không đầy đủ giá kệ, sản xuất thực phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật (bao gồm 14 sản phẩm). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về ATTP đối với cơ sở, kiến nghị đình chỉ hoạt động sản xuất của 14 sản phẩm chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định và yêu cầu cơ sở thu hồi sản phẩm.
Được biết, hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi hoạt động từ năm 2023 đến nay. Cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản Tây Nguyên và chủ yếu chào bán trên các nền tảng mạng xã hội như: Tik Tok, Facebook… Trung bình mỗi ngày, qua các phiên live trên các nền tảng mạng xã hội, cơ sở này xuất bán khoảng 1.000 đơn hàng cho người tiêu dùng trên khắp cả nước. Chỉ riêng trên nền tảng Tik Tok, cơ sở đã bán gần 650.000 sản phẩm ra thị trường.
Thận trọng lựa chọn
Trên thực tế, thông qua hoạt động mua sắm hàng hóa trên môi trường TMĐT, chất lượng sản phẩm luôn được người dân quan tâm. Người dân rất cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cần cập nhật thông tin hàng hóa, thông tin các vụ việc vi phạm… để hạn chế mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Chị Nguyễn Thu Trang (phường 4, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Từ rất lâu, tôi đã quen với việc mua sắm trực tuyến. Do tương tác thường xuyên bằng điện thoại thông minh, thông tin hàng hóa, thực phẩm đến liên tục và cứ thế tiện tay đặt hàng. Trong những lần mua hàng, không phải lần nào tôi cũng nhận hàng như ý mà rất nhiều lần phải trả lại cho người bán vì chất lượng sản phẩm không như hình ảnh, thông tin giới thiệu của người bán, nhất là qua các phiên livestream.
Sở Công Thương khuyến cáo, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khi mua sắm trực tuyến bằng cách chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, lựa chọn nền tảng mua sắm, đơn vị vận chuyển an toàn, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Theo ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT mang lại nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ khi thông tin sản phẩm không được kiểm chứng chặt chẽ. Những rủi ro phổ biến mà người tiêu dùng gặp phải khi mua sắm trực tuyến là: Mua phải hàng giả, nhái, bởi nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng sự thiếu minh bạch của các nền tảng để bán hàng giả, kém chất lượng, gây thiệt hại trực tiếp đến người tiêu dùng. Do đó, không chỉ có các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Triều, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh TMĐT có dấu hiệu vi phạm: Bán hàng không hóa đơn chứng từ, không thực hiện đúng quy định về kinh doanh trực tuyến… Những vụ việc vi phạm cũng đã được công khai trên các phương tiện truyền thông. "Sở Công Thương khuyến cáo, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khi mua sắm trực tuyến bằng cách chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, lựa chọn nền tảng mua sắm, đơn vị vận chuyển an toàn, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý", ông Nguyễn Hải Triều nói.
Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/phat-trien-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-9eb0e49/
Bình luận (0)