Tình yêu thời lửa đạn
Những ngày tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1947) ở phường Thành Vinh lại trào dâng nỗi nhớ thương người chồng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bà thường đứng trước bàn thờ trò chuyện cùng di ảnh của chồng, rồi lần giở những bức ảnh, lá thư được gói ghém cẩn thận trong hơn nửa thế kỷ qua.

“Đã hơn 55 năm từ ngày anh Kiền chia tay gia đình lên đường nhập ngũ, có lúc tôi ngỡ như mới mấy ngày qua. Bởi hình ảnh, lời nói và cử chỉ của anh vẫn in đậm trong tâm trí, tôi vẫn thường gặp anh trong những giấc mơ hằng đêm”, bà Lương tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Lương và chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền (sinh năm 1944) gặp nhau ở lớp Chi ủy viên tổ chức tại thị xã Vinh, cả hai là đảng viên trẻ được cử tham gia chương trình sinh hoạt Đảng. Ông Kiền là cán bộ trẻ của ngành lương thực, còn bà Lương là công nhân Xí nghiệp Cơ khí Trần Phú.
Ngay từ khi gặp gỡ, hai người đã dành cho nhau sự cảm mến, tình cảm lớn dần theo ngày tháng, được bạn bè hai bên vun đắp và mong muốn thành đôi. Để rồi, sau 7 tháng kể từ ngày đầu gặp gỡ, đám cưới của hai người được tổ chức vào năm 1970 trong niềm vui chung của gia đình và bạn bè đôi bên.

Sau lễ cưới, họ vẫn làm việc tại thị xã Vinh. Dù ở gần, họ chỉ có thể gặp nhau vào mỗi Chủ nhật do công việc bận rộn. Những giờ phút ngắn ngủi bên nhau được họ nâng niu, trân trọng. Và rồi, người vợ trẻ vui mừng nhận ra trong mình đang mang giọt máu của chồng - kết tinh ngọt ngào của tình yêu giữa thời chiến.
Không bao lâu sau khi có tin vui, ông Nguyễn Văn Kiền nhận được lệnh nhập ngũ. Ngày chồng lên đường, người vợ trẻ Nguyễn Thị Lương tiễn một đoạn đường dài, tay nắm chặt tay và hứa chờ ngày chồng trở về trong niềm vui chung của quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Văn Kiền cùng đơn vị huấn luyện ở Thanh Hóa, mấy tháng sau chuyển ra Hà Bắc tiếp tục huấn luyện.
Quãng thời gian này, đôi vợ chồng trẻ thường xuyên viết thư cho nhau. Ông Kiền kể cho vợ nghe về tình cảm đồng đội, về cuộc sống quân ngũ và những ngày huấn luyện vất vả. Còn bà Lương báo cho chồng tình hình sức khỏe, công việc và người thân, gia đình ở quê. Bức thư nào cũng nặng tình yêu thương, tình cảm vợ chồng trong những tháng ngày xa cách.

Một ngày đầu năm 1972, khi bà Lương vừa sinh con gái được vài tháng thì nhận được một bức điện của chồng báo đơn vị sắp sửa vào chiến trường miền Nam. Đơn vị hành quân bằng tàu hỏa, có dừng nghỉ ở ga Vinh và mong vợ sắp xếp ra để gặp mặt.
Dự kiến tàu đến ga Vinh vào buổi sáng nhưng do tình hình khẩn cấp, tàu xuất phát trước mấy giờ nên đến Vinh vào tối ngày hôm trước. Ông Kiền đành đi bộ đến nhà người quen nhờ lấy xe đạp chở mình về nhà. Về đến nhà, người lính chỉ kịp ôm hôn con gái bé bỏng đang nằm trong nôi và nắm tay vợ dặn dò “Chờ anh về nhé!” rồi vội vã hành quân cùng đơn vị…
Một tấm lòng sắt son
Chiến trường ngày càng ác liệt, thông tin liên lạc giữa 2 miền càng trở nên khó khăn. Từ ngày chồng vào chiến trường, bà Nguyễn Thị Lương chỉ nhận được 3 bức thư viết vội, có thư phải sau 1 năm kể từ ngày gửi bà mới nhận được. Nội dung những bức thư là tình cảm của người lính chiến dành cho người vợ chốn hậu phương, là quyết tâm chiến đấu và niềm mong ước đoàn tụ trong ngày hòa bình.
Cuối năm 1972, bà Lương nhận được giấy báo tử của chồng, đất dưới chân như bị sụp, mọi vật xung quanh quay cuồng, người vợ trẻ tưởng chừng như gục ngã. Nhưng rồi, nghĩ đến con gái còn bé bỏng, bà đã cố gượng lên để tiếp tục sống và nuôi con.
Không thể kể hết những nỗi vất vả và buồn tủi của người phụ nữ nuôi con một mình, bà Lương đã gắng gượng vượt qua tất cả để nuôi cô con gái Nguyễn Thị Thu Hiền ngày một khôn lớn.

Bà Lương chia sẻ: “Những lúc buồn tủi, tôi lại lần giở những bức ảnh và tập thư để tìm về những kỷ niệm thân thương với người chồng đã ngã xuống. Những kỷ vật ấy đã tiếp cho tôi sức mạnh, là động lực tinh thần để vượt qua bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống”.
Chúng tôi xin phép bà Lương xem một bức thư trong tập kỷ vật, bức thư đề ngày 30/4/1971, nội dung bên cạnh lời thăm hỏi là kể về công việc huấn luyện ở thao trường.
Mở đầu, người lính trẻ viết: “Vợ anh! Chắc giờ này mẹ con của anh đang mệt nhọc trong công tác, phải chịu cái cảnh mùa nực oi bức. Giả sử lúc này anh mà được ở bên mẹ con em cũng chịu nhọc và thở hộ với đấy…”. Rồi báo tin với vợ: “Lương em! Báo tin em biết anh chưa vào đâu. Anh đang phải luyện tập nhiều. Yêu cầu đánh Mỹ ngày nay có khác, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ, kỹ, chiến thuật giỏi…”.
Có những trang thư nét mực đã nhòe, có lẽ trong những đêm khuya vắng người vợ nhớ thương chồng đem thư cũ ra đọc, những giọt nước mắt nhỏ trên trang thư ướt nhòe…

Nhắc đến người mẹ hết mực thân yêu của mình, chị Nguyễn Thị Thu Hiền không giấu được niềm tự hào về tấm lòng thủy chung, son sắt của bậc sinh thành. Chồng hy sinh, người mẹ ấy đã dành trọn cả phần đời còn lại để nuôi nấng, chăm sóc đứa con gái bé bỏng đến ngày khôn lớn, trưởng thành.
Cũng theo chị Hiền, năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, bà Lương và con gái, con rể cùng các cháu đã tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền đưa về quê hương an táng. Lúc này mới biết chồng bà Lương hy sinh ngày 29/4/1975 tại Tây Ninh chứ không phải hy sinh cuối năm 1972 như giấy báo tử.
"Chồng tôi hy sinh trước giải phóng Sài Gòn 1 ngày, vậy mà từ cuối năm 1972, gia đình chúng tôi đã vô cùng đau đớn khi hay tin anh ngã xuống ở chiến trường", bà Lương nhớ lại.
Xếp lại những bức ảnh và lá thư của người chồng liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Lương cho biết: “Hai năm trước, tôi đã trao tặng Bảo tàng Quân khu 4 hơn 10 hiện vật, bao gồm những bức thư và bức điện của chồng gửi về trong thời gian huấn luyện ở Thanh Hóa và Hà Bắc. Qua đó, mong muốn những kỷ vật ấy sống mãi với thời gian, giúp thế hệ sau hiểu hơn về tình yêu lứa đôi và sự hy sinh của thế hệ thời chống Mỹ, cứu nước”.
Sau khi tiếp nhận những bức thư của bà Nguyễn Thị Lương trao tặng, Bảo tàng Quân khu 4 sẽ tổ chức trưng bày sau khi hoàn thành việc trùng tu, xây dựng. Những bức thư này là những mảnh ghép lịch sử, là bằng chứng sinh động về tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa tiền tuyến và hậu phương trong giai đoạn lịch sử đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ".
Trung tá Nguyễn Hữu Hoành - Trợ lý Bảo tàng Quân khu 4
Nguồn: https://baonghean.vn/nguoi-vo-liet-si-va-nhung-la-thu-di-cung-nam-thang-10303215.html
Bình luận (0)