Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguyễn Nhật Ánh hay chiếc kính vạn hoa của văn học thiếu nhi

Nguyễn Nhật Ánh là một thương hiệu có mức độ nhận diện cao bậc nhất trong bức tranh văn học thiếu nhi hơn mấy mươi năm qua. Với hơn 40 năm sáng tác, cho ra đời hơn 100 tác phẩm, hẳn nhiên ông không chỉ khẳng định tên tuổi của mình mà còn tạo được dấu ấn rất riêng về phong cách sáng tác. Những bạn đọc thân thiết của ông có thể dễ dàng nhận ra nét, chất Nguyễn Nhật Ánh trong mỗi tác phẩm. Và chính chất Nguyễn Nhật Ánh là điểm hấp dẫn mà tác phẩm của ông đem đến cho bạn đọc của mình.

Báo Phú YênBáo Phú Yên25/05/2025

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một lần giới thiệu sách mới của ông. Ảnh: Internet
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một lần giới thiệu sách mới của ông. Ảnh: Internet

Cốt truyện đa dạng, biến hóa, hấp dẫn

Một trong những yếu tố giúp tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi, thanh thiếu niên yêu thích chính là cốt truyện. Cốt truyện trong tác phẩm của ông tuy đa số xoay quanh đề tài tuổi thơ, tuổi trẻ nhưng gần như không bao giờ lặp lại. Sự đa dạng về mặt cốt truyện trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ trong phạm vi một bộ truyện mà là trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của ông. Từ một hai đề tài, ông kể được muôn vàn câu chuyện khác nhau.

“Kính vạn hoa” là thế giới tuổi thơ tràn ngập màu sắc lẫn dáng hình. Chuyện nhà, chuyện trường, chuyện bạn bè, chuyện ba mẹ, chuyện học hành, chuyện phiêu lưu khám phá…, không chuyện nào giống chuyện nào. Thế giới tuổi thơ đó tựa như chiếc kính vạn hoa, mỗi khi nhìn vào là một dáng vẻ mới mẻ hiện ra làm cho người nhìn không bao giờ chán. 54 tập cho một bộ truyện thiếu nhi, 25 năm rồi vẫn được thiếu nhi bao thế hệ tìm đọc một cách say mê, phim chuyển thể thu hút người xem và đã được làm thêm bản điện ảnh, số lượng xuất bản lên tới con số hàng triệu…, những thành tích đặc biệt ấy của “Kính vạn hoa” cho thấy sức hấp dẫn to lớn, mà cốt truyện đa dạng, phong phú là một trong những điểm mạnh của tác phẩm.

Thế mạnh của Nguyễn Nhật Ánh khi xây dựng cốt truyện không chỉ nằm ở tính đa sắc mà còn ở khả năng tạo tình huống. Trẻ em (và hầu hết người đọc) đều có hứng thú với những gì lôi cuốn, hấp dẫn, bất ngờ. Từ những câu chuyện đời thường như “Kính vạn hoa” cho đến câu chuyện giả tưởng như “Chuyện xứ Langbiang”, chuyện tình cảm bạn bè hay tình yêu tuổi mới lớn…, chuyện nào cũng đầy kịch tính. Nhiều truyện của Nguyễn Nhật Ánh mang tính trinh thám điều tra. Đây là điều mà nhà nghiên cứu Văn Giá gọi là “thẩm mỹ của cái bất ngờ” trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.

Một độc giả nhí 
chọn sách 
của nhà văn 
Nguyễn Nhật Ánh. 
Ảnh: BÍCH DUYÊN
Một độc giả nhí chọn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Lối kể chuyện hài hước, dí dỏm

Một trong những điểm mạnh, điểm khu biệt trong phong cách sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh là lối kể chuyện hài hước, dí dỏm. Truyện của ông hiếm khi thiếu vắng tiếng cười. Tiếng cười đó được tạo ra từ những tình huống hài hước. Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của các nhân vật cũng dí dỏm, vui nhộn. Những màn đối đáp giữa các nhân vật bao giờ cũng khiến người đọc bị cuốn theo bởi sự hoạt ngôn, vừa thông minh, duyên dáng, vừa chân thực, gần gũi và vô cùng tự nhiên. Các nhân vật trẻ con khi nói chuyện, bằng cái nhìn trẻ thơ, ngây thơ, hồn nhiên, cũng tạo ra những màn đối thoại ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các nhân vật của ông ít khi ngồi tâm sự nghiêm túc, đàng hoàng với nhau mà đa số đều ở trong tình thế đối thoại mang tính cà khịa nhau. Bầu không khí đối thoại đó tràn ngập tiếng cười, có khả năng xoa dịu những tổn thương, nhẹ hóa những nỗi buồn, hòa giải những xích mích, xung đột.

Trong một bối cảnh văn học thiếu nhi hiện nay còn đang chờ đợi những ngôi sao sáng, rực rỡ khác, thì Nguyễn Nhật Ánh vẫn tiếp tục tỏa sáng, bất chấp tuổi nghề và tuổi đời đã không còn trẻ nữa.

Ngoài những màn đối thoại gây cười, ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ của người kể chuyện cũng hài hước không kém, ngay cả khi đang ở trong giọng điệu trữ tình và triết lý. Như chính nhà văn từng chia sẻ, ông không thích, không muốn viết nội dung quá nặng nề. Do đó, chất trữ tình và triết lý trong tác phẩm của nhà văn cũng nhẹ nhàng, sâu lắng. Nếu có nỗi buồn thì cũng chỉ day dứt, bâng khuâng; nếu có những ngang trái, thì đôi khi lại được chiêm nghiệm, suy tư một cách dí dỏm. Trong truyện “Tôi là Bêtô”, con chó Bêtô kể về cuộc sống của mình và thằng bạn Laica hung hăng nhất vì trẻ nhất bọn rồi nhân đó triết lý: “Các bậc có tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có khi nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn và của tôi nữa, muốn làm gì thì làm ngay. Rồi sau đó mới ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế”.

Tiếng cười trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất nhẹ nhàng, sảng khoái, mang lại nhiều niềm vui cho người đọc. Truyện của ông rất hiếm có kiểu tiếng cười phê phán, giễu nhại, châm biếm, trào phúng một cách gay gắt và chua chát ngay cả khi nhân vật rơi vào những cảnh huống trớ trêu hay đau khổ. Dư vị mà truyện của ông để lại thường là cảm xúc thư thái, thoải mái, thi thoảng có chút day dứt, tiếc nuối, bâng khuâng, song tất cả đều nhẹ nhàng và mang màu sắc lạc quan tích cực bởi sự dí dỏm, hài hước.

Biệt tài nắm bắt và miêu tả tâm lý

Sở dĩ Nguyễn Nhật Ánh có thể triển khai các cốt truyện một cách uyển chuyển, mượt mà, hợp logic là bởi ông còn có biệt tài nắm bắt và thể hiện tâm lý nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc. Những nét tâm lý phổ biến mà hầu hết nhà văn nào cũng có thể nắm bắt và thể hiện được, như khi yêu, thất tình, khi mất người thân, khi bị hiểu lầm… Nhưng truyện của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ có những niềm vui nỗi buồn rõ rệt, cụ thể như vậy. Viết cho tuổi mới lớn, một trong những đề tài chiếm nhiều không gian trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh là tình yêu tuổi học trò. Những xúc cảm tế vi như những rung cảm đầu tiên với người bạn khác giới, nỗi buồn khi lỡ làm tổn thương người khác, hay nỗi luyến nhớ tuổi thơ… đều được ông thể hiện một cách tinh tế, chạm được trái tim của độc giả và khơi gợi sự thấu hiểu, đồng điệu.

Có thể nói rằng, nếu cốt truyện hấp dẫn, kịch tính làm cho truyện của ông giữ chân độc giả đi đến tận trang sách cuối cùng, thì nghệ thuật miêu tả tâm lý là yếu tố khiến cho độc giả khi khép lại trang sách vẫn còn cảm thấy tơ vương trong lòng. Nếu không có những dòng, những đoạn miêu tả tâm lý tài tình thì truyện của ông chỉ như là một kịch bản nhiều drama của nhà biên kịch chứ không phải một tác phẩm văn học. Chất văn chương trong tác phẩm của ông được thể hiện rõ nét nhất ở phương diện này là vì vậy.

Hướng đến những giá trị tốt đẹp

Như Nguyễn Nhật Ánh từng thừa nhận, rằng mình chỉ hợp và thích viết về những gì nhẹ nhàng hơn là dữ dội, khốc liệt. Ông cũng khẳng định chức năng của văn học cũng như sứ mệnh viết của mình hướng người đọc đến những nhận thức và xúc cảm đẹp đẽ. Ông chỉ muốn gieo vào lòng người đọc những xúc cảm trong trẻo, dịu dàng, bình yên. Thế nên, thông điệp sau cùng trong các tác phẩm của ông bao giờ cũng là những gì gần gũi, giản dị nhưng sâu lắng.

Trong bức tranh văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại, số lượng tác giả không phải là ít. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh hơn 40 năm cầm bút vẫn đang giữ một vị trí không ai có thể thay thế được. Ông duy trì được phong độ, phong cách của mình một cách bền bỉ bên cạnh việc không ngừng tìm kiếm những câu chuyện, lối kể chuyện mới mẻ, nhiều khi mang cả tính thể nghiệm (người kể chuyện là một con chó như trong “Tôi là Bêtô”, câu chuyện những người trẻ khi ra nước ngoài trong “Những người hàng xóm”…), thế nên tên tuổi và tác phẩm của ông chưa bao giờ bị rơi vào lãng quên. Trong một bối cảnh văn học thiếu nhi hiện nay còn đang chờ đợi những ngôi sao sáng, rực rỡ khác, thì Nguyễn Nhật Ánh vẫn tiếp tục tỏa sáng, bất chấp tuổi nghề và tuổi đời đã không còn trẻ nữa.

Nguồn: https://baophuyen.vn/van-nghe/202505/nguyen-nhat-anh-hay-chiec-kinh-van-hoa-cua-van-hoc-thieu-nhi-eb61287/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm