Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành và huyện Di Linh cắt băng khánh thành Nhà máy Xử lý chất thải rắn Liên Đầm |
Nhà máy Xử lý chất thải rắn Liên Đầm đi vào vận hành giai đoạn 1 của Dự án do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh làm chủ đầu tư trên tổng diện tích trên 21 ha, tổng vốn đầu tư 291 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm.
Giai đoạn 1 dự án đã sử dụng trên 18 ha, vốn đầu tư 142 tỷ đồng, công suất 150 tấn/ngày đêm gồm 9 cụm công trình chính đã hoàn thành. Trong đó, có cụm dây chuyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lò đốt chất thải công nghiệp và sinh hoạt; dây chuyền sản xuất gạch không nung; hệ thống xử lý nước thải…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và địa phương tìm hiểu về mô hình vận hành hoàn chỉnh của Nhà máy Xử lý chất thải rắn Liên Đầm |
Bên cạnh đó, các hoạt động tái chế nhựa, nghiên cứu và phát triển vườn cây thực nghiệm, trước mắt sẽ được Nhà máy Sài Gòn Xanh Đa Phước tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ trong giai đoạn đầu.
Ông Ngô Pa Ri - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, thông tin: Thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý chất thải theo nguyên lý tuần hoàn – khép kín – tăng cường tái chế; đồng thời, triển khai các hạng mục của giai đoạn 2 để sớm đạt công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải của địa phương.
Phân loại rác đầu vào trước khi xử lý |
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn đã đặt ra nhiều áp lực.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc khánh thành Nhà máy xử lý rác thải huyện Di Linh hôm nay là một bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển xanh của tỉnh. Nhà máy không chỉ có ý nghĩa giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Một phần dây chuyền xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Liên Đầm |
Để công trình phát huy hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư và đơn vị vận hành cần thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, hướng tới mô hình tuần hoàn tài nguyên, tái chế, tái sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cũng yêu cầu huyện Di Linh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp để làm tốt công tác phân loại, thu gom rác thải; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ để nhà máy hoạt động ổn định, đúng quy định.
Rác sau khi xử lý hoàn tất sẽ tạo thành đất phục vụ nông nghiệp |
Cuối tháng 3 vừa qua, tại xã Gung Ré (huyện Di Linh) đã xảy ra vụ cháy tại bãi rác trên địa bàn xã này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vườn sản xuất của người dân và diện tích rừng trên địa bàn. Nhà máy xử lý rác thải Liên Đầm đi vào hoạt động hiệu quả sẽ không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường trên địa bàn huyện Di Linh mà còn góp phần giảm tải vấn đề xử lý rác thải cho các địa bàn khác trong tỉnh, nhất là TP Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/nha-may-xu-ly-chat-thai-ran-lien-dam-di-vao-hoat-dong-86d1157/
Bình luận (0)