Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những người 'kể chuyện' bằng cơ thể

Dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ, giữa những nhịp điệu sôi động và tiếng vỗ tay vang dội, vũ công không chỉ là người múa mà còn là người "kể chuyện" bằng cơ thể, linh hồn của sân khấu.

Báo Long AnBáo Long An25/04/2025

Vũ đoàn Sóng Xanh

Tìm thấy đam mê qua từng bước nhảy

“Nghề vũ công không đơn giản chỉ là những điệu nhảy. Đó là cả một hành trình khổ luyện, đam mê và đôi khi là những hy sinh thầm lặng mà ít ai thấy được” - Đó là chia sẻ của Đặng Dương Phát, một vũ công trẻ đến từ Long An, người từng rẽ khỏi định hướng con đường quân ngũ để theo đuổi nghề đam mê của mình.

Năm 2015, khi còn là học sinh lớp 12, anh Phát thử sức với vai trò cộng tác viên tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An. Không kỳ vọng nhiều, không hoạch định quá xa xôi nhưng như một mối duyên nghề, anh ngày càng bị thu hút bởi ánh đèn sân khấu và những giai điệu sôi động.

“Tôi còn nhớ mình bắt đầu tham gia cộng tác từ tháng 4/2015 thì đến tháng 9 cùng năm đã được biểu diễn tại Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông” ở tỉnh Cà Mau. Lúc đó lo lắm vì đang là học sinh nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia. Sau lần đó, tôi cảm thấy mình thật sự yêu sân khấu và bắt đầu nghiêm túc hơn với nghề vũ công” - anh Phát nhớ lại.

Và kể từ cột mốc ấy, hành trình nghệ thuật của anh Phát như mở rộng hơn. Năm 2016, anh tiếp tục ghi dấu ấn tại Hội diễn “Đàn, hát dân ca ba miền” rồi đều đặn tham gia nhiều hội thi từ cấp tỉnh, khu vực đến toàn quốc. Sự kiên trì và tinh thần học hỏi không ngừng đã đưa anh tiến xa trong lĩnh vực mà mình từng chỉ “tham gia theo phong trào”.

Khác với nhiều bạn trẻ phải đối mặt với định kiến khi theo đuổi nghệ thuật, anh Phát may mắn khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình. Anh Phát chia sẻ: “Gia đình không những không cấm cản mà còn là hậu phương vững chắc của tôi. Mẹ tôi phụ giúp giặt giũ trang phục, ở nhà còn có hẳn một kho đồ dành riêng cho nhóm diễn”.

Năm 2022, anh Phát chính thức được tuyển dụng vào biên chế tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, bắt đầu dựng bài chuyên nghiệp và trở thành hạt nhân nghệ thuật của đơn vị. Với anh, bằng cấp không nói lên sự chuyên nghiệp mà sự chuyên nghiệp của diễn viên múa đến từ chính kỹ năng, tinh thần và thái độ làm việc của người đó.

Không chỉ có những khoảnh khắc thăng hoa, nghề vũ công cũng ẩn chứa không ít mặt trái. Khi lên TP.HCM để vừa học, vừa làm, anh Phát bắt đầu nhận thấy rõ hơn những điều chưa đẹp của nghề, từ sự cạnh tranh không lành mạnh đến chuyện nhạy cảm về tiền bạc, điều kiện làm việc, thù lao.

Đã hơn 1 tuổi, Vũ đoàn Sóng Xanh được anh Phát thành lập quy tụ những bạn trẻ yêu nghệ thuật, phần lớn là sinh viên hoặc người đang kinh doanh. Cái tên “Sóng Xanh” mang ý nghĩa về tuổi trẻ luôn tràn đầy năng lượng, sự tươi mới và khát vọng vươn xa. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính vẫn là một thực tế không thể né tránh. Với thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/tháng, nhiều vũ công trẻ buộc phải làm thêm nghề khác để duy trì cuộc sống.

Anh Phát nói: “Một phần nguyên nhân cũng do tình trạng “diễn viên alô”, chỉ cần gọi là có thể diễn, không quan tâm chất lượng, khiến mặt bằng giá cả thị trường bị ép xuống”.

Nếu hỏi điều gì là thử thách lớn nhất với nghề vũ công, anh Phát không ngần ngại trả lời là sức khỏe. Vận động nhiều không đúng kỹ thuật rất dễ bị chấn thương, đau mỏi gần như là chuyện xảy ra hàng ngày. Ngoài ra, việc tập luyện các động tác khó đòi hỏi thể lực và tinh thần cao cũng là một rào cản lớn với những người mới vào nghề.

Bước nhảy của tuổi trẻ và khát vọng dài lâu

Không ít bạn trẻ tìm đến với nghề múa từ những buổi biểu diễn ngẫu hứng ở trường học nhưng không phải ai cũng giữ được tình yêu đó đủ lâu để biến nó thành một con đường nghiêm túc. Với Trương Võ Đăng Khoa (SN 2005, hiện là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Văn Hiến, TP.HCM) thì chính một dịp tình cờ đã dẫn lối Khoa đến với sàn diễn, từ đó đam mê ngày một lớn dần.

“Khi còn học lớp 10 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), anh Phát có về trường để biên đạo một tiết mục múa cho học sinh. Tôi tham gia tiết mục đó và cảm thấy yêu thích ngay từ lần đầu tiên được đứng trên sân khấu. Sau này, tôi tự học các động tác múa qua mạng rồi mới chính thức tham gia vũ đoàn cùng anh Phát” - Khoa nhớ lại.

Không qua từ trường lớp đào tạo, khó khăn đầu tiên với Khoa chính là thể chất. Cơ thể không dẻo tự nhiên khiến mỗi buổi tập ép dẻo là một lần chiến đấu với giới hạn bản thân. Nhiều lúc đau lắm, có khi gần như chấn thương nhưng Khoa không bỏ cuộc. Bản thân của em biết, để tiến xa hơn trong nghề này thì phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác.

Lần đầu tiên được biểu diễn tại một chương trình cấp tỉnh, trên sân khấu lớn ở huyện Tân Trụ khi còn là học sinh lớp 12, với Khoa đó là một cột mốc khó quên. Khoa chia sẻ: “Lúc đó, tôi đứng vị trí trung tâm, run lắm vì bên dưới là rất nhiều người đang nhìn mình. Tôi cố gắng diễn hết mình, hoàn thành tốt tiết mục và sau đó không kiềm được cảm xúc, tôi đã bật khóc vì hạnh phúc”.

Ban đầu, gia đình không ủng hộ Khoa theo đuổi nghề vũ công nhưng bằng cách cân bằng giữa việc học và đi múa, Khoa dần thuyết phục được ba mẹ. Khoa nói: “Tôi nghĩ gia đình tuy không nói ra nhưng đã ngầm chấp nhận lựa chọn của tôi. Và tôi trân trọng điều đó”.

Hiện tại, dù vẫn còn là sinh viên, trung bình mỗi tháng Khoa tham gia khoảng 10 show diễn, thu nhập tầm 4 triệu đồng. Vào những tháng được nghỉ học, con số này có thể tăng gấp đôi. Tuy chưa đủ để ổn định cuộc sống lâu dài nhưng với Khoa, đó là động lực để tiếp tục bước đi. Sau khi tốt nghiệp đại học, Khoa có kế hoạch học thêm trung cấp múa để được đào tạo bài bản với mong muốn gắn bó lâu dài và chuyên nghiệp hơn với con đường nghệ thuật.

Dù con đường phía trước còn nhiều thử thách nhưng với đam mê cháy bỏng, sự bền bỉ và khát vọng vươn xa, những người theo nghề vũ công từng ngày viết tiếp câu chuyện nghệ thuật của mình bằng những bước nhảy mang theo cả trái tim./.

Khánh Duy

Nguồn: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-ke-chuyen-bang-co-the-a194109.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm