Xóa bỏ nỗi lo chờ đợi
Hàng tháng, bà Nguyễn Thị Hiền (62 tuổi, ngụ phường Bảy Hiền, TPHCM) đi bộ 1,4km đến Bệnh viện Thống Nhất xếp hàng để lấy toa thuốc. “Mỗi 21 ngày tôi lại phải đi từ 5 giờ sáng để đến khám. Nói là khám chứ thực ra cũng không khám gì nhiều, xét nghiệm thì không phải làm thường xuyên, 3-6 tháng mới làm một lần. Bác sĩ hỏi bệnh, nếu không có gì bất thường thì cho thuốc như thường lệ”, bà Hiền chia sẻ. Nay được “nới” thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày, bà Hiền không còn phải đến bệnh viện mỗi tháng.
Ông Nguyễn Văn Út (63 tuổi, ngụ phường Bến Thành, TPHCM) cũng phấn khởi vì được biết bệnh đái tháo đường nằm trong danh sách bệnh mạn tính được cấp phát thuốc trên 30 ngày, giúp ông đỡ phải tới lui bệnh viện.
Theo Thông tư 26, một số bệnh mạn tính sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú sử dụng trên 30 ngày, tối đa 90 ngày, thay vì chỉ được cấp thuốc tối đa 30 ngày như trước đây. Danh mục gồm 16 nhóm bệnh lớn, với 252 bệnh và nhóm bệnh mạn tính, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, Parkinson, Alzheimer, trầm cảm, rối loạn lo âu, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), suy giáp, suy tuyến yên, sa sút trí tuệ, ung thư vú, ung thư tuyến giáp...

BS-CK2 Mai Đức Huy, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, phân tích, kéo dài thời gian cấp phát thuốc cho người mắc bệnh mạn tính giúp giảm áp lực về tâm lý đi khám mỗi tháng, bớt phiền hà cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi kê đơn thuốc cho người bệnh lên 60 ngày hoặc 90 ngày, bởi phải tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh có ổn định hay không để có đánh giá linh hoạt. Với người lớn tuổi diễn tiến bệnh rất dễ trở nặng, do đó khi kê đơn thuốc phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe người bệnh.
Bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa gặp khó
Theo Bộ Y tế, thời gian đầu áp dụng Thông tư 26, một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa có thể gặp thách thức trong việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc khi số lượng thuốc kê mỗi lần tăng gấp ba so với trước đây. Ngoài ra, một số loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương ở một số thời điểm nhất định.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn chuyên môn cụ thể, hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cấp phần mềm quản lý đơn thuốc, cải tiến quy trình kê đơn, đồng bộ hệ thống giám sát để theo dõi hiệu quả thực hiện. Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị chủ động rà soát, dự trù cơ số thuốc hợp lý theo thực tế kê đơn, nhằm đảm bảo người bệnh được cấp phát đầy đủ, không bị gián đoạn trong điều trị.
Siết chặt kê đơn
Lý giải về quy định kê đơn thuốc nới rộng thời gian lên tối đa 90 ngày thay vì 1 tháng như trước đây, TS-BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, việc phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định, thực sự gây ra nhiều phiền toái và gánh nặng không nhỏ cho người bệnh và gia đình. Với những người sống xa bệnh viện, chi phí đi lại có khi còn cao hơn cả chi phí thuốc men. Dù vậy, theo TS-BS Vương Ánh Dương, việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định chuyên môn kỹ thuật; chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh.
Trong Thông tư số 26, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1-10; tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng phải bắt buộc thực hiện từ ngày 1-1-2026. Đơn thuốc điện tử là một phần trong bệnh án điện tử. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám, điều trị cho người bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú. Khi đó, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn đều có thể theo dõi được. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Không để xảy ra tình trạng lợi dụng các quy định để nâng giá thuốc
Bộ Y tế vừa có công văn về việc chấn chỉnh công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật BHYT, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT, Bộ Y tế đề nghị người đứng đầu các đơn vị y tế rà soát, thực hiện nghiêm các nội dung theo đúng quy định. Trong đó, về mua sắm, cung ứng thuốc, thiết bị y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các quy định để nâng giá thuốc, đặc biệt đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
MINH KHANG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/noi-thoi-gian-ke-don-thuoc-benh-man-tinh-giam-tai-benh-vien-bot-phien-ha-cho-benh-nhan-post802726.html
Bình luận (0)