Ngành kim hoàn chưa nằm trong danh sách ưu tiên chuyển đổi số
Bà Ngô Thị Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý HanaGold, cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao các vấn đề "nóng" của ngành vàng như chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách giúp phát triển ngành vàng trong nước, đồng thời đảm bảo nhu cầu mua - bán thực tế của người dân trong nước và bắt kịp xu thế thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Thảo, ngành kim hoàn hiện nay còn một số mặt bất cập như: giá vàng niêm yết không minh bạch, thông tin thị trường khó cập nhật, chênh lệch mua - bán khó kiểm soát và thiếu chuẩn chung về giao dịch.
Bà Ngô Thị Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý HanaGold, đề xuất có chính sách thuận lợi cho các đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong ngành kim hoàn
Đặc biệt, theo nữ doanh nhân này, những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số của ngành vàng chưa được sự hỗ trợ đủ mạnh về mặt chính sách cũng như cơ hội phát triển công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. "Ngành kim hoàn chưa được nằm trong danh sách ưu tiên chuyển đổi số để nâng cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam" - nữ Tổng Giám đốc nêu vấn đề.
Trước thực trạng trên, bà Ngô Thị Thảo đề xuất có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong ngành kim hoàn, từ đó giúp tăng cường tính minh bạch và sự phát triển của ngành vàng Việt Nam trong tương lai.
Mong muốn Hoa Kỳ khôi phục mức thuế cũ
Tại buổi tiếp xúc, bà Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng, đơn vị chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đan đát từ các nguyên liệu tự nhiên cho biết, hiện hơn 80% sản phẩm của hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, gần đây, Hoa Kỳ áp thuế cơ bản ở mức 10% và thêm 46% thuế đối ứng (đang gia hạn 90 ngày), ảnh hưởng nặng đến các mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, thực phẩm, nhôm và hàng thủ công mỹ nghệ - vốn là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long - trong khi trước đây được hưởng mức thuế 0%.
"Điều này đang gây ra những tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Việc tăng thuế này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp mà còn đe dọa đến sinh kế của hàng triệu lao động nước ta" - bà Lê Thanh Trúc nhận định.
Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kim Hưng kiến nghị Chính phủ và Bộ ngành Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ, đồng thời xem xét đàm phán với phía đối tác để khôi phục mức thuế như trước đây hoặc phù hợp hơn. Ngoài ra, bà Lê Thanh Trúc cũng đề xuất Chính phủ và Bộ, ngành chức năng có định hướng chiến lược cụ thể các ngành nghề mũi nhọn cần ưu tiên phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Lo ngại sụt giảm lượng du khách từ thị trường phương Tây
Tương tự, bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Khách sạn TTC Cần Thơ, chia sẻ, tình hình địa chính trị và chính sách đối ngoại của các quốc gia lớn luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Gần đây, sau khi chính trường một số nước đối tác có sự thay đổi, một số chính sách cứng rắn hơn về xuất nhập cảnh, thương mại và quan hệ quốc tế đã bắt đầu định hình trở lại. Điều này đặt ra những thách thức cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút khách du lịch từ thị trường các nước có thay đổi chính sách mới như Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Nữ Giám đốc này cho hay, một số công ty lữ hành đã phản ánh sự sụt giảm lượng khách đăng ký từ các thị trường phương Tây do tâm lý e ngại rủi ro, chi phí đi lại tăng, cũng như những thay đổi về thủ tục thị thực nhập cảnh. Trong khi đó, các thị trường khách lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các điểm đến khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines - vốn đang tung ra nhiều chính sách hấp dẫn để giành thị phần.
Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Khách sạn TTC Cần Thơ, kiến nghị có giải pháp phù hợp nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam thích ứng với những biến động từ chính sách quốc tế
Từ các vấn đề trên, bà Phạm Thị Thanh kiến nghị có giải pháp, định hướng chiến lược mới phù hợp hơn, nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam thích ứng với những biến động từ chính sách quốc tế, nhất là từ các quốc gia lớn. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách đối ngoại và xúc tiến thương mại - du lịch để bảo đảm vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Trao đổi, giải đáp về các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, cùng với các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phản ứng kịp thời, tổ chức nhiều cuộc họp, đồng thời gặp gỡ, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ thương mại công bằng, bền vững với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, động viên những nữ doanh nhân ở TP Cần Thơ
Cùng với đó, tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tận dụng, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; mở rộng thị trường và tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới; cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; khuyến khích tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi chính sách thuế của Hoa Kỳ.
Liên quan đến quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, do không còn phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng cũng cho biết, đã giao Bộ Công an điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu, đầu cơ, găm hàng, đội giá, trốn thuế... "Cơ quan công an đã khởi tố vụ án tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); sắp tới tiếp tục xử lý một số tổ chức nữa. Những người làm đúng, làm tốt sẽ được ủng hộ, ai làm sai, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nu-doanh-nhan-kien-nghi-ve-nhieu-van-de-nong-truoc-ky-hop-quoc-hoi-20250421234106634.htm
Bình luận (0)