Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ du kích Sáu Trong: 16 tuổi cầm súng, mất một tay vẫn khiến giặc khiếp sợ

(Dân trí) - Tháng 4/1970, tại trại giam của địch, du kích Sáu Trong hứng chịu những đòn tra tấn man rợ. Bất chấp những lần bị chích điện đau thấu xương, người con gái kiên cường của Củ Chi không hé nửa lời.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025

1.webp

2.webp

Trò chuyện cùng phóng viên Dân trí trong sân vườn tại tư gia ở quận 12 (TPHCM), Đội trưởng Đội nữ du kích Sáu Trong hướng mắt ra xa, nhớ lại những đêm trong rừng, chỉ có bóng tối bao trùm. Cô du kích tuổi đôi mươi ngày đó chỉ đau đáu làm sao cống hiến được nhiều hơn. Cái chết, có chăng chỉ thoáng qua tâm trí một cách nhẹ nhàng, bình thản.

Bà Sáu Trong nói, cuộc đời bà có 3 cột mốc không thể nào quên. Lần đầu tiên, đó là khi bà phải cắt cụt tay ở tuổi đôi mươi. "Để tôi kể cho bạn nghe, vì sao đó lại là khoảnh khắc đáng nhớ", bà Sáu Trong mở đầu câu chuyện, hồi tưởng lại cuộc đời chiến đấu ly kỳ không kém những thước phim.

3.webp

Sáu Trong (tên thật Võ Thị Tiệp, còn gọi là Võ Thị Trong, SN 1950) quê ở ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Sinh ra trong gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, từ năm 13 tuổi, bà làm Đội trưởng Đội thiếu nhi, 2 năm sau đó gia nhập Đội du kích ấp Phú Hòa.

"Khi tôi lớn lên, quân Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam. Sư đoàn 25 đàn áp, bắn phá làng mạc quê hương tôi. Củ Chi lúc ấy không còn một nóc nhà nhưng phong trào cách mạng không lúc nào dập tắt. Mỗi người đều có nhiệm vụ. Trẻ em đào hào, vót chông, khiêng đất phụ người lớn đào địa đạo. Phụ nữ nấu cơm. Bộ đội, du kích đánh đồn, đánh giặc", bà kể.

Trận đánh đầu tiên của du kích Sáu Trong diễn ra vào tháng 2/1966. Ở tuổi 16, bà được phân công chiếu đấu cùng 4 đồng chí của Tiểu đoàn Quyết Thắng. Hôm đó, cả nhóm cùng bộ đội bố trí chiến hào dọc theo chiều dài ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng, ẩn nấp dưới tán cây, đợi xe tăng Mỹ xuất hiện.

Như dự đoán, một đoàn xe tăng đi từ hướng Trảng Bàng (Tây Ninh) lao vào trận địa. Cầm khẩu súng trường K44 trên tay, Sáu Trong bình tĩnh chờ xe đến thật gần, rồi không do dự lên nòng nhả đạn. Sau 40 phút giằng co, đoàn xe tăng Mỹ không thể vào được ấp Phú Hòa, đành quay ra gọi tiếp viện từ căn cứ Đồng Dù.

Cùng ngày hôm đó, địch càn quét ở khu rừng thuộc Phú Hòa nhưng vẫn bị lực lượng du kích chống trả quyết liệt. Kết quả, tiểu đoàn du kích cùng bộ đội địa phương lập công lớn, bắn cháy 25 xe tăng, xe bọc thép, loại 35 tên địch, thu về một số vũ khí, đẩy lùi cuộc càn của Mỹ. Trong buổi tuyên dương, du kích Sáu Trong nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3.

4.webp

Lần khác, vào tháng 4/1967, bà Sáu Trong cùng một đồng đội chống trả cuộc càn của địch tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) - vùng giáp ranh với xã Phú Hòa. Bà đoán hướng đi của địch, gài trái mìn gạt nặng 12kg do chiến sĩ cơ giới Út Đực (anh hùng Tô Văn Đực - PV) chế tạo. 

Đúng như dự liệu, khi chiếc xe tăng vừa di chuyển qua vị trí gài mìn, một tiếng nổ kinh hoàng xé toạc không gian. Chiếc xe cháy rụi, toàn bộ lính bị tiêu diệt. Sau trận, bà Sáu Trong được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Nhờ loạt chiến công, bà cùng một số du kích được cử tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng võ trang Nhân dân Giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai, tổ chức ở Tây Ninh ngày 17/9/1967. 

Rưng rưng xúc động khi nhận Huân chương chiến công hạng Ba, cô gái 17 tuổi năm ấy còn vinh dự được chụp hình cùng bà Nguyễn Thị Định - Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Lúc đó, Sáu Trong không hề hay biết, bức ảnh kỷ niệm với "cô Ba Định" lại vô tình rơi vào tay giặc Mỹ một năm sau đó, khiến bà vào chốn lao tù…

5.webp

Tháng 5/1968, bà Sáu Trong nhận nhiệm vụ trà trộn trong dân, tìm lương thực cho bộ đội, du kích. Lần nọ, khi nhiệm vụ chưa hoàn thành, bà được cấp trên giao ở lại nên phải vội vàng mang lựu đạn, hồ sơ tài liệu giấu trong thùng đại liên. Sáng hôm sau, bọn Mỹ tràn vào xã, tình cờ lùng sục đúng nơi Sáu Trong giấu tài liệu.

"Thấy tấm hình có Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, địch biết chắc trong ấp có Việt Cộng. Chúng gom hết dân lại nhận diện khuôn mặt, sau đó bắt tôi về giam tại Hậu Nghĩa (Long An ngày nay - PV). Tra khảo vũ lực đến dụ dỗ ngọt nhạt, địch vẫn không thể khai thác được gì từ tôi, đành phải xếp tôi thuộc diện tình nghi. Có lần, má đi thăm nuôi, tôi cắt một lọn tóc gửi má, ngầm ý nhắn nhủ tổ chức ở nhà yên tâm", bà kể.

6.webp

13 tháng giam cầm Sáu Trong, địch không tìm được chứng cứ buộc tội bà. Tháng 8/1969, chúng buộc phải thả bà ra tù. Ngay lập tức, bà móc nối với căn cứ cách mạng.

Thời điểm đó, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), lực lượng vũ trang địa phương có nhiều biến động. Sáu Trong được giao nhiệm vụ làm trợ lý tham mưu cho huyện đội, hoạt động hợp pháp ở ấp chiến lược. Ban ngày, bà đi làm rẫy, trồng lúa trồng khoai, tạo vỏ bọc an toàn. Ban đêm, bà hoạt động bí mật, truyền tin, rải đơn, gây dựng lại cơ sở, tổ chức lực lượng diệt ác, phá kìm.

Vào một ngày tháng 3/1970, Sáu Trong cải trang thành khách đi uống cà phê, mang khối thuốc nổ C4 giấu trong hộp sữa, đặt ở vị trí nơi địch thường tụ tập trong quán. Đúng giờ hẹn, trái mìn nổ tung trời, địch khiếp đảm chạy tán loạn, thương vong 15 tên.

Chuỗi chiến công vang dội đã khiến Sáu Trong trở thành cái gai trong mắt địch. Tháng 4/1970, bà một lần nữa sa vào tay chúng. Năm tháng địa ngục trần gian trong nhà tù địch là những chuỗi ngày bà phải đối diện với những màn tra tấn man rợ. Với ý chí sắt đá, bà đã kiên cường vượt qua, giữ trọn khí tiết của người cách mạng.

Vết thương nặng ở cánh tay trong lần bị giam cầm ấy đã nhiễm trùng nghiêm trọng. Lời khuyên cắt bỏ một phần ba cánh tay của bác sĩ không làm lay chuyển ý chí chiến đấu của bà. Nén chịu cơn đau thấu xương, bà cột cánh tay lên cổ mỗi khi tham gia hoạt động. Có những lúc, sự tập trung vào nhiệm vụ đã khiến bà quên đi nỗi nhức nhối, để mặc vết thương ngày càng sưng tấy.

Có lần, Sáu Trong chỉ huy một đồng chí trong cơ sở mật thâm nhập đồn lính chế độ cũ, lập kế hoạch bắn một tên giặc, lấy hết súng đạn. Hoàn thành xong nhiệm vụ, lính Sư đoàn 25 điên cuồng truy lùng cả đêm. Khi đó, tay phải Sáu Trong cầm lựu đạn, tay trái bị thương, treo lên cổ. Nếu bà vẫn bị kẹt ở ấp chiến lược thì chỉ có mất mạng.

Trong tình huống ngặt nghèo, máu chảy ròng ròng, Sáu Trong vẫn nén đau, động viên mọi người. Bà quyết định cùng đồng đội cố gắng bò men theo hàng rào bốt bảo an bởi vì "nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất". Họ vượt qua cánh đồng trống, rút về căn cứ, thoát nạn một cách ngoạn mục.

7.webp

Người phụ nữ 75 tuổi kể, sau vụ tác chiến đó, cấp trên khuyên bà cắt cánh tay, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

"Đó là thời khắc đầu tiên trong đời tôi không thể nào quên. Ngày hôm sau, tôi đi xe ôm từ Củ Chi đến Bệnh viện Bình dân ở Sài Gòn. Để hợp thức hóa việc chữa trị, trong hồ sơ bệnh án, tôi khai mình không cha, không mẹ, bị thương do té xe, đi làm rẫy.

Lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ nên đắn đo nhiều lắm. Mất một phần cánh tay, tôi trở thành thương binh, không còn cơ hội đứng vào tuyến trước. Tôi làm cách mạng mới được vài năm, chưa đạt được thành tích nào to lớn, cụt tay sẽ làm được gì? Tôi còn là phụ nữ, nghĩ chuyện tương lai cũng lo chứ", bà Sáu Trong nhớ lại.

Cuối cùng, nữ du kích Sáu Trong chấp nhận cưa tay. Bà xác định mình làm du kích mật cũng như chiến đấu trực tiếp ở mặt trận, các chiến sĩ có thể cụt tay, cụt chân, hy sinh, thì bà cũng có thể bị thương, mất một phần cơ thể.

8.webp

Ở tuổi 75, dù chỉ còn một cánh tay phải, bà Sáu Trong vẫn quán xuyến việc nhà, tham gia nhiều công tác chính trị xã hội địa phương. Thi thoảng, giữa cuộc trò chuyện, bà bận rộn nghe những cuộc điện thoại từ chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đảng ủy phường…

Lật giở những trang hồi ký đầy xúc động về hành trình cách mạng của bà Sáu Trong, phóng viên đặt câu hỏi, chất chứa sự cảm phục: "Sau khi trải qua mất mát lớn như vậy, bà đã có những thay đổi gì trong cuộc sống?". Với một nụ cười ẩn chứa sự mạnh mẽ, bà Sáu Trong trả lời: "Thay đổi lớn nhất à? Tôi cạo trọc đầu luôn sau đó".

Bà kể, trước kia, mái tóc dài, óng ả là niềm tự hào của bà, thu hút bao nhiêu ánh mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng, sau ca phẫu thuật định mệnh, bà đã cạo đi mái tóc ấy. Trở thành thương binh, bà phải đối diện với những nỗi đau không chỉ về thể xác mà còn cả những gánh nặng tinh thần, khiến sức khỏe có lúc chao đảo.

Tuy nhiên, bản lĩnh người chiến sĩ không cho phép bà buông xuôi. Cơ sở thấy bà quyết tâm chiến đấu liền cử đi dự lớp tập huấn quân sự, vừa học chính trị, vừa rèn luyện thêm khả năng bắn súng. Năm 1973, bà trở thành Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi, tiếp nối truyền thống của các đàn chị đi trước.

9.webp

Cột mốc thứ hai mà Sáu Trong không thể nào quên trong đời diễn ra vào tháng 3/1975. Lần đó, bà cùng chị em đội nữ du kích nhận nhiệm vụ tiêu diệt tên trưởng đồn Bàu Giang ở xã Trung An. Tên này nhiều lần bắt bớ, đàn áp lực lượng cách mạng, gieo nỗi căm thù ngùn ngụt trong dân làng. 

Đầu tiên, bà mượn khẩu súng giảm thanh K54 từ Đội an ninh T4, sau đó đi thám thính, vẽ sơ đồ, lên kế hoạch trong nhiều ngày.

Hôm ấy, Sáu Trong cùng 2 chị em đồng đội ăn mặc như thương gia bán tro dừa, vào ấp chiến lược tác chiến. Để giấu cánh tay cụt, bà đeo túi xách, giấu kỹ súng trong người. Vì gặp tình huống phát sinh, quá giờ trưa vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ, họ sốt ruột đi loanh quanh ấp, lo sợ bị bại lộ. Sau khi trấn tĩnh, Sáu Trong quyết chờ đến thời điểm thích hợp để ra tay.

"Đến lúc tên địch về, tôi trong vai người bán tro dừa, bước thẳng vào nhà. Hắn thấy tôi mà không nghi ngờ, bảo tôi ngồi xuống chờ, bà xã đi Bình Dương gần về tới. Liếc thấy tên đồn trưởng không mang theo súng, tôi yên tâm phần nào. Hắn vừa ngả lưng xuống ghế, tôi bước đến xoay người phía sau, rút súng kề sát đầu và bóp cò", bà Sáu Trong kể.

Sau khi bà cùng đồng đội rút êm, lính lùng sục, gom hết dân để truy tìm thủ phạm nhưng không có manh mối.

"Về căn cứ, chính trị viên trưởng Huyện đội Củ Chi khen: "Các em giỏi lắm!". Đơn vị tôi được trao tặng huân chương, mỗi người đều được nhận bằng khen. Đây là kỷ niệm đáng nhớ vì tôi đấu tranh tâm lý rất nhiều trước khi xông vào sào huyệt trực tiếp tiêu diệt tên ác ôn. Thời bị cưa tay, tôi chấp nhận mình bị thương. Lần này, tôi chấp nhận nếu sơ suất thì nằm trong tay giặc, chấp nhận hy sinh", bà trầm ngâm nói.

10.webp

Khi phóng viên Dân trí đặt câu hỏi "những thanh niên ngày đó nghĩ gì về cái chết và sự hy sinh", bà Sáu Trong đáp: "Quân dân Củ Chi một tấc không đi, một ly không rời. Chúng tôi bám trụ chống càn, giữ từng tấc đất. Địch tới càn quét, lập chốt, nhưng người dân, du kích ra đào chiến hào, làm vành đai, thà hy sinh ngay chiến hào chứ không cho tụi nó lấn chiếm".

Nhẩm lại từng trận đánh, từng giây phút vào sinh ra tử, bà Sáu Trong nói, cuộc đời này, bà mãi không quên mùa xuân lịch sử 50 năm về trước.

Tháng 2/1975, cấp trên lệnh cho huyện Củ Chi trong vòng một tháng chuẩn bị một trung đoàn. Trung đoàn Đất Thép ra đời, tập hợp lực lượng từ bộ đội địa phương, đội trinh sát và lực lượng dân quân du kích. "Lúc đó, chúng tôi chỉ biết là chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Ngay cả trung đội trưởng cũng không biết là chuẩn bị giải phóng Sài Gòn", bà kể.

11.webp

Ngày 26/4/1975, cấp trên gọi Sáu Trong cùng một số đồng chí lên để thống nhất lực lượng với Quân đoàn 3. Khi đó, xe tăng của bộ đội chủ lực đã tiến về Củ Chi từ bao giờ.

Có người thấy Sáu Trong cụt tay liền thắc mắc, thủ trưởng đơn vị khoe bà là kiện tướng diệt ác để "người ta khỏi xem thường". Sau cuộc họp, Sáu Trong mới biết trận đánh lớn này là trận quyết định ở Sài Gòn. Cả đêm, bà lo lắng, trằn trọc không ngủ được. "Nếu không được đi, lỡ cơ hội này, tôi sẽ tiếc nuối cả đời", bà tâm sự.

Chỉ đến khi được đứng vào hàng ngũ Trung đoàn Đất Thép tại địa điểm tập kết ở xã An Phú vào sáng 29/4/1975, Sáu Trong mới phở phào. Bà được làm Đội phó Đội trinh sát và Đội trưởng Đội nữ du kích.

Chiều hôm đó, Trung đoàn Đất Thép đi trước mở đường cho quân chủ lực theo hướng Tỉnh lộ 15, bao vây đồn Tân Thạnh Đông, tiến về Hóc Môn. Tới cầu Xáng, do xe tăng vào trước làm gãy cầu, đoàn được người dân lấy xuồng đưa qua. Cùng thời điểm đó, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm lên trên nóc dinh quận lỵ Củ Chi, hệ thống chế độ cũ tại địa phương tan rã.

Sáu Trong vừa đi, vừa cùng các nữ du kích cầm loa, hát vang ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân. Một số em học sinh lớp 9, lớp 10 chạy theo xin đi cùng đoàn. Cờ tung bay, người dân tràn ra hai bên đường, reo hò. Kể đến đây, nước mắt bà chảy dài…

Trong sâu thẳm người nữ du kích vốn đã thấm thía cảnh máu đổ trên quê hương, còn gì hạnh phúc hơn khi bà được trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của dân tộc. "Không khí chiến thắng sôi sục khắp nơi. Chúng tôi vừa cười, vừa khóc, có người còn nằm lăn ra đất. Đến giờ nhớ lại, tôi vẫn nổi da gà", bà nói.

12.webp

Sáng 30/4/1975, trung đoàn bừng bừng khí thế đi qua Gò Cát, ngã tư An Sương rồi tiến tới chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Đúng 11h40, chỉ huy Trung đoàn Đất Thép cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Tòa hành chánh tỉnh Gia Định (nay là UBND quận Bình Thạnh, TPHCM), hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Chỉ ít phút sau, Sáu Trong và đồng đội cũng nhận tin Lữ đoàn xe tăng 203 đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu mốc sụp đổ của địch, kết thúc chiến tranh.

Suốt một tuần sau ngày hòa bình lập lại, nhiều đêm Sáu Trong và đồng đội chập chờn tỉnh giấc vì chưa quen với ánh đèn. "Trước đây, chúng tôi chỉ quen ngủ trong bóng đêm, khi làm tù binh hoặc đi vào vùng địch mới thấy ánh đèn điện nửa đêm", bà nói.

13.webp

Hòa bình lập lại, bà Sáu Trong công tác tại Tiểu đoàn 195 thuộc Bộ tư lệnh TPHCM. Bà lập gia đình với một cán bộ của Tiểu đoàn Đặc công Gia định. Năm 1984, do không đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, bà xin nghỉ và hưởng chế độ thương binh 2/4. Nhờ biết kinh doanh, gia đình bà hiện có cơ ngơi đủ đầy tại quận 12, TPHCM.

Ở tuổi xế chiều, niềm vui của bà Sáu Trong là tham gia các công tác chính trị, xã hội địa phương. Bà tự thấy mình trẻ hơn tuổi, chân tay, đầu óc luôn hoạt động. Bà kể thêm, từ khi chồng qua đời hồi năm trước, bà cắt tóc ngắn luôn cho gọn. "Bởi vì giờ không còn ai buộc tóc cho tôi mỗi ngày nữa", người cựu du kích Củ Chi nói với giọng nhẹ tênh.

14.webp

Nội dung: Bích Phương

Ảnh: Trịnh Nguyễn

Thiết kế: Tuấn Huy

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nu-du-kich-sau-trong-16-tuoi-cam-sung-mat-mot-tay-van-khien-giac-khiep-so-20250417172934584.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm