Những ngày gian khó
Ngay sau khi TP Đà Nẵng được giải phóng, từ ngày 5-4-1975 đến ngày 11-5-1975, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ tư lệnh BĐBP) đã điều động 200 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng và Quảng Bình chi viện cho CANDVT tỉnh Quảng Đà (nay là BĐBP tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng), bố trí về các đồn, trạm An ninh vũ trang tuyến biên giới, bờ biển, cửa khẩu cảng, sân bay.
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó tư lệnh BĐBP tặng hoa chúc mừng Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà nẵng nhân dịp Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024. |
Ngày 6-1-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 06 “Về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”. Theo đó, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ngày 31-12-1996, Trung tướng Phạm Văn Trà, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định số 2444/QĐ-BQP, giải thể Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành lập mới Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam và Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng. Việc chia tách đã được thực hiện và hoàn thành đúng ngày 1-1-1997.
TP Đà Nẵng có đường biên giới quốc gia trên biển hơn 34km, có đường bờ biển theo mép nước thủy triều 87km với 16 phường biên giới thuộc 5 quận (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và huyện đảo Hoàng Sa, đặt ra cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền ANBG của BĐBP thành phố rất nặng nề khó khăn và phức tạp. 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Đà Nẵng đã không ngừng kế thừa và phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuần tra bảo vệ bờ biển. |
Những năm sau giải phóng, việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP TP Đà Nẵng vô cùng khó khăn vất vả khi quân số ít, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vô cùng phức tạp. Do chưa hiểu về chính sách của cách mạng nhiều người dân đã tìm cách vượt biên bằng đường biển. Một số kẻ xấu đã lợi dụng điều này để lừa lấy tiền, vàng rồi bỏ mặc người dân lênh đênh trên biển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng địa bàn, các Đồn, trạm đóng dọc theo bờ biển vô cùng vất vả với nhiệm vụ chống vượt biên trái phép. Một mặt, cán bộ, chiến sĩ tổ chức ngăn chặn, mặt khác phải tăng cường xuống địa bàn để tuyên truyền để người dân hiểu, yên tâm làm ăn và không mắc lừa.
Trong những năm từ 1998-2001, lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước, nhiều đối tượng đã tổ chức buôn lậu từ nước ngoài về các tỉnh ven biển miền Trung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự và chủ quyền trên biển. Cái tên Trần Hoa (nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng, nguyên Tư lệnh BĐBP) cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến vì ông là người chủ công nhiều trận đánh, nổi bật là chiến công “một trăm ngày trên biển”. Theo đó, các tàu của BĐBP TP Đà Nẵng luôn thường trực trên biển, khi bắt được tàu buôn lậu sẽ tổ chức cho tàu khác kéo về bờ. Điều đó có nghĩa là những người lính Biên phòng theo tàu mặc sóng gió, thiếu thốn cho tới khi nhiệm vụ hoàn thành. Kết quả, BĐBP TP Đà Nẵng đã bắt hàng trăm tàu buôn lậu, thu giữ hàng hóa hàng chục tỷ đồng nộp sung công quỹ Nhà nước.
Đồn Biên phòng Non Nước tặng quà các cháu học học sinh được đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. |
Những dấu ấn thời kỳ mới
Sự phát triển của TP Đà Nẵng đã đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của BĐBP TP Nẵng. Để đáp ứng được nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều quyết sách, tập trung vào xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Công tác tuyên truyền biển, đảo đã được BĐBP thành phố triển khai đồng bộ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, như kết hợp công tác tuyên truyền với thực hiện các chương trình an sinh xã hội bằng việc tổ chức tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, áo phao cho ngư dân; nhận đỡ đầu, huy động ngày công để xây mới, sửa chữa nhà, tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho cho gia đình chính sách, hộ nghèo; vận động hỗ trợ tiền mặt, xe đạp quà tặng cho 255 lượt cháu học sinh nghèo theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, với tinh thần “Không bỏ ai ở lại phía sau”, các đơn vị đã vận động, phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng hàng nghìn suất quà trị giá hàng tỷ đồng.
Đại tá Trần Công Thành - Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Đà Nẵng trao thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện Cuộc vận động 50 tại BĐBP thành phố Đà Nẵng. |
Những năm qua, các Đồn Biên phòng cũng tích cực vận động ngư dân tham gia Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Theo đó, các đơn vị đã xây dựng, củng cố 94 Tổ khai thác hải sản đoàn kết an toàn/680 tàu; phối hợp với địa phương xây dựng 4 khu dân cư văn hóa biển và 1 Âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa; triển khai 3 phòng khám quân dân y kết hợp để khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Những việc làm này nhằm khuyến khích ngư dân vừa vươn khơi, bám biển vừa bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển đủ mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, từ đó tạo thành thế liên hoàn bờ - biển - đảo, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có tình huống xảy ra.
Với việc xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, số người nghiện ma túy gia tăng, nguồn cung ma túy chưa được giải quyết triệt để, các cơ sở kinh doanh giải trí, lưu trú hoạt động còn nhiều bất cập nên tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy còn nhiều điều kiện để hoạt động. Hoạt động của các tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Trước tình hình đó, BĐBP đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, xác lập nhiều chuyên án, bắt giữ các đối tượng cầm đầu đường dây ma túy từ “rốn ma túy” các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị với số lượng hàng kg; triệt phá các tụ điểm ma túy gây nhức nhối ở địa phương; phát hiện nhiều vụ án bắt đối tượng chuyên cung cấp ma túy tinh dầu thảo dược, “nước vui” cho học sinh, sinh viên...
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng tham gia thi đấu bóng chuyền chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống BĐBP thành phố Đà Nẵng. |
Thực tế, những con tàu tuần tra của BĐBP TP Đà Nẵng không chỉ có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền, biển đảo mà gánh trên mình sứ mệnh cứu nạn những con tàu của ngư dân không may gặp nạn trên biển. Trong đại dịch Covid-19, BĐBP thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức phát động, ký kết thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép”. Đặc biệt, BĐBP TP Đà Nẵng là một trong những lực lượng cuối cùng rút khỏi các khu cách ly tập trung của thành phố, trên các chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhận quyết định phong quân hàm, nâng lương tại khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến nay, đã có hơn 100 tàu quân sự nước ngoài cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Australia… với gần 40.000 lượt thủy thủ đoàn với mục đích thăm xã giao và thăm thông thường, diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, các hoạt động nhân đạo, khảo sát hải dương học. Đối với các tàu quân sự nước ngoài, yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu, thủy thủ đoàn rất cao. BĐBP TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác từ công khai đến bí mật, phối hợp với Sở Ngoại vụ, PA18, PA35, các cơ quan trong khối cảng để quản lý, giám sát các hoạt động của thủy thủ. Nhiều thuyền viên bị thất lạc tài sản đã được cán bộ Biên phòng tìm kiếm, trao trả. Những việc này đã góp phần tạo nên thương hiệu “Thành phố Đà Nẵng - Điểm đến an toàn và thân thiện”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà cứu chữa tàu cá của ngư dân bị cháy tại vịnh Mân Quang. |
Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiều tập thể, cá nhân BĐBP TP Đà Nẵng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen, Cờ Thi đua và các danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Đây là vinh dự cũng là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ cố gắng phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
THANH TRÚC
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nua-the-ky-giu-vung-an-ninh-chu-quyen-bien-dao-thanh-pho-da-nang-822547
Bình luận (0)