Cả Đồng Nai và Bình Phước đều sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, từ các di tích lịch sử kháng chiến như: Chiến khu Đ, Căn cứ Tà Thiết, Nhà lao Tân Hiệp…, đến các lễ hội dân gian, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là những giá trị quý báu, là điểm tựa để hình thành bản sắc riêng cho tỉnh Đồng Nai mới - một vùng đất hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa đa dạng.
Trong bối cảnh “về chung nhà”, việc khai thác hiệu quả thế mạnh văn hóa không chỉ là nhu cầu, mà còn là cơ hội vàng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi công nghiệp hóa của Đồng Nai với vùng cao nguyên đặc trưng của Bình Phước nếu được kết nối hiệu quả sẽ tạo nên sự hấp dẫn độc đáo cho ngành du lịch và công nghiệp văn hóa. Do đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch văn hóa - lịch sử. Việc kết nối các tuyến điểm như: Khu di tích Chiến khu Đ - Vườn quốc gia Cát Tiên - Sóc Bom Bo - Căn cứ Tà Thiết không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Một điểm nhấn không thể thiếu là phát huy vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào S’tiêng, M’nông, Chơro…, trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Các giá trị như: hát ru, sử thi, cồng chiêng, nghề thủ công truyền thống… nếu được đầu tư đúng mức sẽ không chỉ bảo tồn được bản sắc, mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.
Hành trình “về chung nhà” của Đồng Nai và Bình Phước là cơ hội quý giá để kết nối, làm giàu thêm truyền thống và sức mạnh văn hóa. Khi xây dựng được hệ sinh thái văn hóa mang bản sắc riêng, phát huy sức mạnh mềm từ văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai mới phát triển bền vững.
Minh Ngọc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202506/phat-huy-the-manh-cua-van-hoa-khi-ve-chung-nha-01a1a80/
Bình luận (0)