Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy trụ cột nông nghiệp: Động lực cho tăng trưởng kinh tế Đắk Lắk

Trong những tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp đã có khởi đầu đầy hứa hẹn, với giá trị tổng sản phẩm đạt trên 105% kế hoạch, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng chung của tỉnh và tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế Đắk Lắk.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk22/04/2025

Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã cho thấy sự linh hoạt đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bố trí cơ cấu giống phù hợp với từng mùa vụ không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất mà còn giảm thiểu rủi ro do thị trường và thời tiết gây ra.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 1/2025 đạt 105,14% (tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 1,11% so với mức tăng 4,03% của quý 1/2024). Đặc biệt, lĩnh vực trồng trọt có những bước tiến vượt bậc: diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 vượt kế hoạch, đạt 69.360 ha (bằng 110,1% kế hoạch) và tăng 5,75% (tương đương tăng trên 3.700 ha) so với cùng kỳ năm 2024.

Điều này cho thấy sự nỗ lực của người nông dân trong việc tăng gia sản xuất. Các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, khoai lang, rau xanh, đậu các loại, sắn, mía, thuốc lá được chăm sóc tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Đối với cây lâu năm, đặc biệt là các loại cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu...) và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở rộng, với tổng diện tích 373.772 ha, tăng 4,3% (tương đương tăng trên 15.000 ha) so với cùng kỳ năm 2024, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo ra các sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu cao.

Nông dân huyện Ea Súp sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi cũng ghi nhận những kết quả khả quan với tổng đàn vật nuôi đạt khoảng 18,77 triệu con, tăng 21,3% (tương đương tăng trên 3 triệu con) so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng thịt hơi đạt 83.197 tấn, tăng 25,49% (tương đương khoảng 17.000 tấn) và sản lượng trứng đạt 97 triệu quả, tăng 2,65% (tương đương khoảng 2,5 triệu quả) so với cùng kỳ năm 2024. Lĩnh vực thủy sản cũng có những đóng góp tích cực với sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.110 tấn, tăng 7% (tương đương 274 tấn) so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, trong quý 1/2025, tỉnh đã xuất bán thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá tầm) đạt khoảng 17 tỷ đồng.

 

“Để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát huy trụ cột nông nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất. Đồng thời, phát triển bền vững các loại cây trồng chủ lực, hình thành các vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025”

- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

Ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, một trong những điểm sáng nổi bật là sự ổn định của giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng.

Điều này góp phần quan trọng vào việc duy trì thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó, công tác quản lý và triển khai các chính sách đất đai được thực hiện minh bạch và công bằng. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng lòng tin và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

Mặc dù dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới, những kết quả tích cực từ các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp cho thấy sản xuất nông nghiệp của tỉnh không chỉ ổn định mà còn có sự mở rộng. Điều này tạo tiền đề vững chắc để nông nghiệp Đắk Lắk có thể đạt hoặc vượt kịch bản tăng trưởng đã đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trên 8% trong năm 2025.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp Đắk Lắk vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Nhất là các thị trường xuất khẩu lớn liên tục thay đổi quy định, đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp phải thường xuyên cập nhật và linh hoạt ứng phó. Việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam cũng tạo ra thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản. Vì vậy, để bảo đảm kịch bản tăng trưởng năm 2025, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, chú trọng thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp. Riêng đối với cây công nghiệp, Đắk Lắk xác định cà phê vẫn là ngành hàng chủ lực và chú trọng xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, hướng đến mục tiêu trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”. Tỉnh cũng sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu mô hình sản xuất chuối xuất khẩu của Công ty Cổ phần Banana Brother Farm (thôn 1, xã Ea Riêng, huyện M'Drắk).

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, vấn đề cần chú ý hiện nay là giảm giá thành trong ngành cà phê, nhất là khâu sản xuất. Bởi hiện nay giá thành cà phê của Việt Nam có nguy cơ cao hơn cà phê Brazil nên sẽ rất khó cạnh tranh tại thị trường Mỹ cũng như nhiều thị trường khác. Do đó, để giảm giá thành thì phải tăng cường đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất để tối ưu hóa năng suất và chất lượng, từ đó kéo giá thành xuống.

Ứng dụng công nghệ cảm biến trong sản xuất cà phê tại Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Huấn cho rằng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cũng là một giải pháp quan trọng. Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, bảo quản và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp hiện đại và thông minh.

Đắk Lắk sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nông dân, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực hợp tác xã và cán bộ các cấp. Tỉnh cũng sẽ chú trọng xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, số hóa các quy trình trong chuỗi giá trị nông sản và kết nối đồng bộ với các ngành kinh tế khác.

Đồng thời, Đắk Lắk sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và bổ sung những chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/phat-huy-tru-cot-nong-nghiep-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te-dak-lak-514176d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm