Hàng ngồi, từ trái qua; 1- Trung tướng Nguyễn Như Văn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II; 2- Đ/c Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư; 3- Đ/c Trần Hiệu, nguyên Cục trưởng Cục II; 4- Trung tướng Vũ Chính, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục II; 5- Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Anh hùng LLVT nhân dân Hàng đứng thứ 2, trái qua; 3- Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), nguyên Trưởng phòng Tình báo Miền-J22; 4- Đại tá Lê Hữu Thuý (Năm Thuý), Anh hùng LLVT nhân dân; 5- Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (Hoàng Đức Nhã), Anh hùng LLVT nhân dân Hàng đứng thứ 3, trái qua; 1- Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), Anh hùng LLVT nhân dân |
Tuyệt đối chấp hành, chủ động sáng tạo
"Đặc sắc nhất của Tình báo Quốc phòng là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ quốc phòng trong tất cả các lĩnh vực tình báo. Các nhiệm vụ, biện pháp, chiến công của tình báo đều từ chủ trương đường lối của Đảng; đã giao việc là phải nỗ lực hoàn thành”- Trung tướng Lưu Đức Huy, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 2 trải lòng về những vấn đề cốt tử, “đề bài” hóc búa, nhiệm vụ khó khăn mà Tổng hành dinh giao cho tình báo trong Kháng chiến chống Mỹ. Đó là, xuyên suốt về chính trị, phải nắm được mọi âm mưu, thủ đoạn, tình hình nội bộ Mỹ; chính trường Việt Nam Cộng hoà. Về ngoại giao, nắm rõ sự ủng hộ của quốc tế với nhân dân Việt Nam; phong trào phản chiến ở Mỹ. Về kinh tế, phải nắm rõ viện trợ kinh tế, quân sự Mỹ; chi tiêu của chính quyền Sài Gòn. Về quân sự là các chiến lược lớn của Mỹ-Ngụy; các kế hoạch quân sự cụ thể…
"Từ sau năm 1973, Mỹ buộc phải rút quân theo Hiệp định Paris, những vẫn viện trợ quân sự, phá hoại Hiệp định với chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Câu hỏi “quan trọng nhất’ trên giao cho các lưới tình báo thời kỳ đó, trong đó có cụm H63 chúng tôi phải tìm hiểu là: “Mỹ có đưa quân trở lại khi ta đánh lớn không?”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm tình báo H63, hàng đầu, thứ 2 từ phải sang, tham gia tiếp quản Sài Gòn sau giải phóng 30/4/1975. Nguồn: Tổng cục II. |
Tháng 7/1974, Phòng Tình báo Miền- J22 thu được bản tường trình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hoà về kế hoạch dự kiến năm 1975, trong đó có những thông tin đặc biệt: Mức độ tiếp viện của Mỹ trên chiến trường miền nam; Mức độ khó khăn của Sài Gòn; Viện trợ Mỹ bị cắt giảm; Việt Nam cộng hoà bắt lính quân dịch không đủ… Tin tức của các ông Phạm Xuân Ẩn, Ba Minh và nhiều lưới điệp báo khác cho phép Tình báo Quốc phòng khẳng định: Năm 1974, địch phải co cụm, chấp nhận bỏ đất nếu bị mất. Tình thế cách mạng biến chuyển mau lẹ. Dự báo chính xác, chớp lấy thời cơ là đòi hỏi của thực tiễn.
Từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975, Bộ Chính trị họp Hội nghị mở rộng và nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược rất lớn…Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm 1975-1976...: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975” (Biên niên sự kiện Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1930-2000) - Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh. NXB QĐND- H.2021, tr.290).
Tháng 1/1975, ta đánh chiếm Phước Long, miền nam chấn động, địch không có biểu hiện quyết liệt tái chiếm như hồi Quảng Trị 1972, Tổng hành dinh lại đặt vấn đề “Nếu quân Nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn thì Mỹ có can thiệp quân sự không”. Trả lời chính xác sẽ góp phần quyết định hướng giải quyết chủ động: nếu Mỹ can thiệp, ta đánh cách khác, nếu Mỹ bỏ mặc miền nam, ta sẽ đánh cách khác.
Trong những ngày tháng “một ngày bằng hai mươi năm” đó, ông Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng gửi tài liệu kèm 5-6 cuộn phim ra cứ, trong đó có tài liệu rất quan trọng của Ban Nghiên cứu chiến lược của Chính quyền Sài Gòn do tướng Nguyễn Xuân Triển làm Chủ tịch. Lần thứ nhất, ông Ẩn gửi bản tóm tắt. Lần thứ hai là bản gốc- tài liệu “nước cốt’ (như cách mà Trung tướng Lưu Đức Huy hay dùng). Bản nghiên cứu gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khẳng định: “Quân đội Mỹ sẽ không trở lại miền nam. Hạm đội 7 sẽ không trở lại biển Đông. Mỹ không sử dụng pháo đài bay B52 ở chiến trường Đông Dương. Mỹ tiếp tục cắt giảm ngân sách viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà, kể cả quốc phòng”. Đặc biệt, tài liệu nói rõ, chỗ yếu nhất, khó bảo vệ nhất là chiến trường Tây Nguyên, Vùng 2 chiến thuật. Ở Vùng 2 Chiến thuật, chiến trường hiểm yếu nhất là Buôn Ma Thuột. Nếu cộng sản đánh Buôn Ma Thuột thì toàn bộ hệ thống phòng thủ Tây Nguyên sẽ đổ vỡ, phải bỏ về phòng thủ ở đồng bằng!- Đại tá Tư Cang bình luận: “Rút kinh nghiệm Chiến tranh Triều Tiên, khi quân Trung-Triều đổ xuống phía nam Triều Tiên, hạm đội 7 Mỹ vô can thiệp ngay. Giờ Mỹ có vậy không? Trước câu hỏi của trên, chúng tôi yêu cầu anh em phải tìm hiểu, trả lời hết trách nhiệm. Vì ảnh hưởng của câu hỏi mang ý nghĩa chiến lược sẽ góp phần giúp ta chủ động tác chiến giành thắng lợi, giảm thiểu thương vong, thiệt hại của ta”.
Quyết định của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương chọn tấn công Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 đã phá toang thế trận địch đúng ở khâu “yếu nhất”. Vấn đề tiếp là khi ta dồn sức giải phóng miền nam, nếu Mỹ quay lại sẽ ra sao? Tin tức nhiều nguồn cho thấy, quan tâm lớn nhất của Mỹ lúc đó không phải là sự nguy ngập của Việt Nam Cộng hoà mà là “danh dự nước Mỹ”. Và đó là nội dung bức điện Tổng thống Mỹ G. Ford trả lời Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ. Vấn đề là làm sao có được nội dung tuyệt mật đó?
Để Bộ Chính trị đưa ra được quyết định cuối cùng về Tổng tiến công giải phóng miền nam là kết quả tổng hợp của nhiều nguồn tin, của trí tuệ, nghệ thuật quân sự tài tình, song đóng vai trò quan trọng còn có một cán bộ tình báo nằm sâu trong lòng địch. Đồng chí Nguyễn Văn Minh (tức H3) có nhiệm vụ là nhận và lưu trữ công văn đi-đến giữa Văn phòng Bộ Tổng tham mưu Nguỵ với Phủ Tổng thống, các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu. Hơn 10 năm làm thư ký đánh máy tại Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, có những tài liệu mật chỉ 5 người được biết thì trừ ông, 4 người kia thuộc hàng chóp bu. Sự tin cậy của các đời Tổng Tham mưu trưởng với ông chính là biệt lệ: ông là thượng sĩ duy nhất được vào phòng Tổng Tham mưu trưởng không cần xin phép trước. Viên thượng sĩ “quèn” đó, chính là người đã tiếp cận được bức điện tối mật của Tổng thống G.Ford gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sao gửi Tổng Tham mưu trưởng Nguỵ Cao Văn Viên và nhanh chóng chuyển về Tổng hành dinh. Tin tức vào thời khắc quyết định góp phần giúp trên xác quyết hai vấn đề mấu chốt; “Khi ta đánh Sài Gòn thì Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến trở lại” và “Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho quân nguỵ bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ” (báo cáo tuyệt mật). Với nhiều chiến công và thành tích, ông đã được phong quân hàm Đại tá tình báo và năm 1999, H3 - Nguyễn Văn Minh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân
Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Minh ( Ba Minh tức H3) , được cài vào làm việc tại văn phòng Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam cộng hoà đã cung cấp nhiều tin tức tình báo có giá trị chiến lược phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975. Nguồn: Tổng cục II. |
Ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào Bộ Tổng tham mưu Nguỵ, H3 vô cùng xúc động. Người thượng sĩ mẫn cán, với biệt tài sắp xếp tài liệu rất riêng để ‘sếp’ cần là có, gọi là lấy; bao năm còn tạo cho mình một vỏ bọc người mê đề đóm, rảnh là ghi thơ, đoán những giấc mơ, vui buồn, ăn ngủ, thức khuya, ở lại cơ quan cũng bởi “mê đề”, nay lẳng lặng thay thường phục, trào dâng một niềm vui khó tả. “Mấy chục năm rồi…Cảm giác ấy mừng lắm…Nay tôi đã thoát vòng nguy hiểm. Mừng mà không chia sẻ được với ai”. Đó cũng là tâm trạng của nhà báo thạo tin nổi tiếng Sài Gòn Phạm Xuân Ẩn khi tiễn những ‘nguồn tin” ruột nháo nhào di tản trong cơn hấp hối của chế độ mà ông ròng rã “phụng sự” công khai để cùng đồng đội góp phần làm cho nó sụp đổ từ bên trong bằng những báo cáo tuyệt mật - “Nhiệm vụ của tôi về mặt kỹ thuật thì đã kết thúc, đất nước đã thống nhất và người Mỹ đã ra đi, nhưng tôi không thể tiết lộ sự thật với ai cả.” (X6 Điệp viên hoàn hảo,, Nxb Hồng Đức, tái bản, bổ sung năm 2013, tr282). |
"Luôn dựa vào dân và đi sát địch", xác định "coi như chết rồi"
“Ở NGHỀ này, đào tạo 100 người đưa đi, được mươi người trụ lại, chui sâu leo cao làm tốt nhiệm vụ ở vị trí của mình cũng là thắng lợi. Có những lúc lưới bị vỡ, thiệt hại nặng chứ, rồi chúng ta phải gây dựng lại từ trong dân. Tình báo lấy dân làm gốc là vấn đề cốt tử, là đặc sắc Việt Nam!. Nghề tình báo cần nhất là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với tổ chức tình báo. Phải có niềm tin tuyệt đối về tất thắng của cách mạng. Anh phải mưu trí sáng tạo trong hoạt động. Phải sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ”- Trung tướng Lưu Đức Huy chia sẻ.
Trong hồi ức của Đại tá Tư Cang, từ một mệnh lệnh về tình huống tình báo, lưới của ông đã chủ động tìm hiểu, hoàn thành xuất sắc lệnh trên giao. “Mậu Thân 1968, đánh đợt một, ta bị tổn thất nhiều, tới đợt hai, bất ngờ Phó chỉ huy cánh quân phía bắc tên là Tám Hà dao động, đầu hàng. Ông Sáu Trí (Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm), Trưởng phòng Tình báo Miền-J22 yêu cầu tôi: “Có cán bộ cao cấp của ta vừa đầu thú, anh vô ngay Sài Gòn, tìm bằng được bản cung, xem nó khai gì?”. Tôi về thành gặp ông Ẩn, điệp viên dưới vỏ bọc nhà báo của tờ TIME. Ông Ẩn nói, “anh đợi tôi đi gặp nhân mối, nhưng chỉ được xem 15 phút vì tuyệt mật”. Bản cung hơn 20 trang, chụp xong, ổng rủ tôi tới Khách sạn Continental “coi tụi Mỹ có biết thằng đó đầu thú không, phản ứng ra sao?”. Tôi ngồi đợi ở cà phê Givral chừng 20 phút thì ổng tới, kêu: “Có cái này hay anh Tư!”- Hay sao? ‘Ở bển biết thằng này ra “đầu” rồi! Nhưng nó khai “Việt cộng đã sẵn sàng đánh đợt hai” làm Tổng thống Mỹ “bối rối”, ý là “nếu để Việt cộng đánh đợt hai thì chỉ có thương lượng và rút quân!”. Cái “sự bối rối” đáng giá quá trời! Tám Hà nó về “đầu” ngày 19/4, đến 20/4 tôi nhận lệnh, ngày sau đã gửi về nhà. Ông Sáu Trí khen “kịp thời quá!”. Trên đánh giá, tình báo đã tham mưu sắc hai vấn đề, thứ nhất, đánh mạnh Mậu Thân sẽ làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ, mà Mỹ muốn “buông” thì chính quyền Sài Gòn sẽ không còn chỗ dựa. Thứ hai, từ thông tin của ông Ẩn và các lưới về ý đồ giăng bẫy một ‘Điện Biên Phủ đảo ngược’ của địch, Quân uỷ Trung ương chỉ đạo “tương kế tựu kế’ thực hiện chiến dịch nghi binh “Điện Biên Phủ giả vờ”, rằng ta không tập trung đánh vào đô thị, đồng bằng mà chỉ đánh ở vùng rừng núi để kéo giãn chủ lực của địch khỏi các thành phố khi ta tổng tấn công và nổi dậy…
“Cái này không phải là công của riêng ai. Đảng đã nhìn xa, xây dựng lực lượng, xây dựng lòng dân vững chắc để tình báo được che chở, làm việc”- Đại tá Tư Cang tâm sự- “Bác Hồ gởi thơ cho tình báo từ hồi chống Pháp nói, tình báo là “tai mắt” của Đảng, “phải luôn dựa vào dân và đi sát địch”. “Dựa vào dân là làm dân vận, đi sát địch để nắm địch thì phải chấp nhận hy sinh chớ” – ông Tư trỏ ngón tay vào ngực. “Tôi nói anh em, tụi bay vô đơn vị này, phải ghi bốn chữ trong ngực!. “Chữ gì chú Tư?”, nói: “Coi như chết rồi!”. Có lần cơ sở báo tôi: “Tư Lâm giao liên bị bắt ở Hóc Môn. Phải di chuyển ngay! Tôi nói: “Thằng này nó chịu chết thôi chứ chắc chắn không khai! Nhưng về nguyên tắc, em phải đi để bảo vệ đường dây. Còn anh tin Tư Lâm! Chớ có hai trái lựu đạn đây, nếu nó dẫn lính về, một trái anh chia cho nó, một để anh. Sĩ quan, cụm trưởng hy sinh thì trên thay, chứ người bên trong, đường dây mật, phải bảo vệ tới cùng! Sau 1975 tôi ra Phú Quốc thắp hương cho Tư Lâm. Bị tra tấn đến chết mà nhất quyết không khai’.
Năm 2006, có cuộc họp tình báo toàn ngành, Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói tôi “chú Tư báo cáo về công tác Đảng công tác chính trị trong một cụm”. Tôi nói: Đơn vị tôi hoạt động từ đầu tới cuối không đứt liên lạc ngày nào! Những người bị bắt đều chấp nhận chết chứ không khai. Đó là nguyên tắc Đảng!
Trong Phỏng vấn đầy đủ độc quyền của Media 21, “Phần 1; Những câu chuyện trong hậu địch”, công bố hôm 29/3/2025, cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 2 nghẹn lời khi kể về Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thương- Hai Thương - “Nó hứa hẹn với ông rất nhiều, nhưng ông không khai. Cuối cùng nó cưa chân ông! Mỗi lần cưa là cưa sống, không gây mê, chỉ gây tê để ông cảm nhận đau đớn! Cưa bằng cưa thợ mộc, chứ không phải là cưa y tế! Sáu lần cưa như thế”!
Giao thông viên tình báo, Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thương (Hai Thương), bị địch bắt giam, tra tấn, 6 lần cưa chân, vẫn kiên cường không khai báo Ảnh chụp năm 2022 Nguồn-Tổng cục II |
Nghe tôi hỏi, giữ nguyên tắc “bí mật, đơn tuyến, cự ly” giữa lòng địch, thậm chí với cả đồng chí, đồng bào, ông nghĩ gì về sự che chở, đùm bọc của nhân dân, Đại tá Tư Cang lặng đi, rồi kể: “Tôi từ Củ Chi vào thành, ở nhà cơ sở. Quê ổng ở xã Nội Duệ, tỉnh Bắc Ninh. Đêm nằm tâm sự, ổng nói “Ba biết con vô đây là làm cách mạng! Nói thiệt, vốn ba có 36 triệu - lúc đó 3.000 đồng/ lạng vàng. Nếu giặc bắt con trong nhà thì tiêu tan hết! Nhưng con cứ yên tâm, nghe không! Vì ba thương cách mạng, ba thương con!”. Đêm ngủ, mình nói chuyện cách mạng, về Bác Hồ cho ổng nghe, đấm bóp cho ổng khi ổng đau. Chiến tranh nhân dân, phải ở sao cho dân thương che chở, đùm bọc thiệt tình!
Truyền thống vẻ vang, hành trang tiếp bước
SỰ nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của Đảng và dân tộc đã ghi nhận đóng góp to lớn của Tình báo Quốc phòng. Nhờ sớm xác định bản chất và âm mưu của đế quốc Mỹ, chúng ta đã kịp thời chuẩn bị và đưa được số lượng lớn cán bộ ưu tú và chiến trường miền nam, cùng lực lượng tại chỗ, đã xây dựng, phát triển nhanh chóng các phương thức, lực lượng, thế trận liên hoàn vững chắc, xây dựng nhiều cơ cán chui sâu, leo cao vào các cơ quan trọng yếu, đầu não của Mỹ-Nguỵ. Từ đó đã thu thập được nhiều tin tức có giá trị chiến lược như; âm mưu chống phá Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve; âm mưu hất cẳng Pháp của Mỹ; chiến lược ‘Chiến tranh đặc biệt”, ‘Chiến tranh cục bộ’, Việt Nam hoá chiến tranh’, kế hoạch “tố Cộng diệt Cộng”, lập ấp chiến lược, kế hoạch AB hàng năm; các kế hoạch hành quân, phản kích và rút quân của Mỹ, chư hầu ra khỏi miền nam...
Đồng chí Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung)-Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân, ngoài cùng bên phải, khi là phóng viên tạp chí TIME đang phỏng vấn Tướng ba sao,Tư lệnh Vùng 3 chiến thuật Nguỵ trong một cuộc hành quân năm 1968 Nguồn: Tổng cục II |
“Thắng lợi cuối cùng là từ sự lãnh đạo của Đảng, từ trí tuệ, máu xương của quân dân ta, của tất các lực lượng, các mặt trận, trong đó có hy sinh lớn lao và lặng thầm của Tình báo Quốc phòng Việt Nam, từ điệp báo chiến lược; trinh sát kỹ thuật; trinh sát bộ đội; các cơ quan thu nhận, nghiên cứu, phân tích xử lý tin tức; hậu cần kỹ thuật đảm bảo …Trung tướng Lưu Đức Huy chia sẻ.
Trong cuốn X6 Điệp viên hoàn hảo, nhà sử học Larry Berman kể lại, chính Tổng thống Dương Văn Minh thừa nhận “ông không ngạc nhiên khi miền Bắc chiến thắng trong cuộc chiến này bởi đội ngũ tình báo đã giúp họ cập nhật được đầy đủ thông tin” (Sdd, tr 272).
Năm mươi năm sau ngày thống nhất non sông, bắc nam liền một dải, truyền thống vẻ vang là chỗ dựa đặc biệt tin cậy về cung cấp thông tin, nghiên cứu tham mựu đề xuất, bảo đảm thông tin đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước sớm nhất, kịp thời nhất, sâu nhất, chính xác nhất, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về chiến lược, vẫn luôn là niềm tự hào, là hành trang tiếp bước để Tình báo Quốc phòng không ngừng phát triển, hoàn thiện, nâng tầm, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa trước mọi hoàn cảnh, trước mọi kẻ thù.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/phia-sau-cau-hoi-quan-trong-nhat-nam-1975-voi-tinh-bao-quoc-phong-post870780.html
Bình luận (0)