Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Hội Vật lý Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và đông đảo người yêu khoa học, cộng đồng nghiên cứu.
Với chủ đề "Sự ra đời của cơ học lượng tử và ứng dụng", chương trình gồm ba bài giảng: Bài giảng số 1: "Khởi đầu của cơ học lượng tử, hệ thức bất định, hiệu ứng xuyên hầm và nguyên lý Pauli" của Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tiến Khoa, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trình bày.
Bài giảng số 2: "Vật lý lượng tử của thế kỷ 21: Từ máy tính và thông tin lượng tử đến các hệ sinh dược học phân tử" của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Vật lý, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm khoa học tính tỷ lệ cho các hệ phức hợp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội.
Bài giảng số 3: "Từ nghiên cứu cơ bản tới thiết kế các linh kiện lượng tử" của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Nam, Viện trưởng Nghiên cứu tiên tiến (PIAS), Trường đại học Phenikaa.
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội diễn giả 2 tham dự tại buổi trình bày. |
Các bài giảng chuyên sâu nhưng gần gũi, mở ra góc nhìn đa chiều về hành trình phát triển của vật lý lượng tử từ nền tảng lý thuyết đến ứng dụng hiện đại.
Tại bài giảng "Khởi đầu của cơ học lượng tử, hệ thức bất định, hiệu ứng xuyên hầm và nguyên lý Pauli" của Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tiến Khoa, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam mở đầu về những khái niệm nền tảng như hệ thức bất định, hiệu ứng xuyên hầm, và nguyên lý loại trừ Pauli, giúp người nghe hình dung rõ hơn về những "viên gạch" đầu tiên trong tòa nhà vật lý lượng tử và sự hình thành cơ học lượng tử, qua đó giúp người nghe có thể nhập môn dễ dàng vào cơ sở của vật lý lượng tử.
Ở bài giảng số 2 của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Toàn (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) giúp mọi người hiểu hơn về một số vấn đề có tính nền tảng, tính triết lý gắn với các khái niệm mới về lượng tử, tính bất định,… khác hẳn với các nguyên lý cổ điển.
Bên cạnh đó, nội dung bài giảng cũng đưa khán giả đi sâu vào tương lai của vật lý lượng tử trong thế kỷ 21, nơi mà máy tính lượng tử, truyền thông lượng tử và cả sinh học phân tử đang ngày càng gắn kết chặt chẽ
Ở bài giảng số 3, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Nam (Trường Đại học Phenikaa) chia sẻ hành trình từ nghiên cứu cơ bản tới thiết kế các linh kiện lượng tử - nền tảng công nghệ cho thế hệ thiết bị điện tử tương lai.
Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Nam tập trung vào những nội dung chính về quá trình theo thời gian mà nhân loại đã trải qua; từ những nghiên cứu cơ bản ban đầu đến những nghiên cứu đột phá trong thuyết lượng tử được ứng dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày như: khám phá về bán dẫn và thiết kế chế tạo các linh kiện điện tử được ứng dụng và có mặt trong hầu hết các máy móc…
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Nam, Trường Đại học Phenikaa, diễn giả 3 tham dự tại buổi trình bày. |
Thông qua chuỗi bài giảng này, Ban tổ chức kỳ vọng có thể góp phần lan tỏa tinh thần yêu khoa học, kết nối các thế hệ nghiên cứu trẻ với tri thức nền tảng, đồng thời nâng cao hiểu biết của công chúng về những tiến bộ đang định hình tương lai công nghệ toàn cầu.
Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản và sự cần thiết phải tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ lượng tử trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh của công nghệ nano và vật liệu 2D hiện đại.
Nguồn: https://nhandan.vn/ky-niem-ngay-luong-tu-the-gioi-su-ra-doi-cua-co-hoc-luong-tu-va-ung-dung-post872341.html
Bình luận (0)