Khách nước ngoài mua quà lưu niệm ở Huế

Thiếu sản phẩm mang dấu ấn Huế

Trước ngày rời Huế để về Hà Nội, chị Trần Kim Cúc loay hoay trong việc lựa chọn quà tặng lưu niệm. Chị Cúc bày tỏ: “Thị trường bày bán nhiều món đồ, nhưng khó chọn, vì nhiều sản phẩm là hàng công nghiệp, xuất xứ Trung Quốc. Có những sản phẩm mang tính địa phương như nón lá, hoa sen giấy Thanh Tiên lại khó mang về vì cồng kềnh, dễ hư hỏng”.

Huế là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mảnh đất Cố đô cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thế nhưng nhắc đến quà tặng lưu niệm, khách du lịch vẫn đánh giá Huế đang gặp phải tình trạng… vừa thừa, vừa thiếu.

Anh Nguyễn Văn Tài, du khách TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn: “Huế nói riêng, nhiều địa phương trong nước nói chung đang gặp cùng một vấn đề. Dù có nhiều làng nghề truyền thống nhưng thị trường quà lưu niệm hiện nay vẫn bị các sản phẩm nước ngoài lấn át. Sản phẩm lưu niệm được người địa phương làm ra thì khó cạnh tranh về giá, độ tinh xảo. Hơn thế, lại chưa chú trọng đến hướng nhỏ gọn, thiếu tính đặc trưng của điểm đến”.

Là lãnh đạo đơn vị lữ hành, thường xuyên đi các quốc gia, bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế cho rằng, thị trường quà tặng lưu niệm ở Huế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu du khách. Theo bà Lý, quà tặng lưu niệm du lịch cần đảm bảo 3 yếu tố: Giá cả, hình thức (bao gồm cả độ nhỏ gọn) và nét văn hóa đặc sắc. Các sản phẩm quà lưu niệm ở Huế đang gặp vấn đề liên quan đến 3 yếu tố trên. Kinh nghiệm khi đi các nước cho thấy, họ khai thác đặc trưng điểm đến để làm du lịch và truyền thông rất tốt. Chẳng hạn, ở Malaysia, hình ảnh tháp đôi Petronas - kiến trúc biểu tượng của Kuala Lumpur và cả Malaysia được khai thác đưa vào làm quà tặng lưu niệm ở nhiều món đồ, từ móc chìa khóa, bấm móng tay… Cứ lên xe, hướng dẫn viên du lịch sẽ giới thiệu về sản phẩm lưu niệm của nước bạn. Tương tự, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều nước đều có những sản phẩm lưu niệm để quảng bá hình ảnh điểm đến. Họ "thổi" vào món đồ lưu niệm những câu chuyện thú vị và khách du lịch sẽ cảm thấy muốn mua món đồ đó về.

Đại diện một công ty lữ hành ở Huế kể, dịp Noel, tết Dương lịch, đơn vị thường tặng quà cho khách Tây. Tuy nhiên, khi tư vấn với tổng công ty, nhiều món đồ được nhắc tới, nhưng cuối cùng vẫn không chọn lựa được, đành phải đặt hàng quà lưu niệm từ Hà Nội gửi vào. Đây là thực tế rất đáng trăn trở.

Chị Hồ Mỹ Liên Hanh, hướng dẫn viên du lịch ở Huế chia sẻ, nhiều du khách đến Huế thường lựa chọn đặc sản ẩm thực: Mè xửng, mắm… để làm quà hơn là quà lưu niệm. Lý do vì nón lá và một số quà tặng lưu niệm khác kích thước lớn, khó đóng gói và vận chuyển. Nhiều món đồ khác chưa mang đặc trưng Huế để mang tính kỷ niệm và khi về, khách có thể giới thiệu “mình vừa đi Huế”.

Ở góc độ nghệ thuật, ông Võ Quang Phát, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho rằng, quà tặng lưu niệm Huế chưa có tính mới và yếu tố sáng tạo, tính ứng dụng và phổ biến cho khách du lịch. Mặc dù các nghệ nhân ở Huế tay nghề giỏi nhưng các sản phẩm lưu niệm để phục vụ khách du lịch và mang dấu ấn Huế còn thiếu. Dù trước đây, Sở Công thương từng không ít lần chủ trì và có phối hợp với trường tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhưng chưa thể cho ra các sản phẩm sản xuất hàng loạt phục vụ du khách do giá cao và nhiều yếu tố khác.

Nên có các dự án nghiên cứu

Sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn của điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời là công cụ quảng bá hình ảnh điểm đến. Trong cuộc họp rà soát công tác tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Xuân Bắc cũng từng gợi ý, Huế nên quan tâm đến các đặc sản quà tặng lưu niệm gắn với hình ảnh Huế, chương trình sự kiện đặc sắc để phục vụ du khách.

Theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế Dương Thị Công Lý, Huế phải chọn ra sản phẩm đặc trưng, gắn với hình ảnh đặc trưng của địa phương để xây dựng các sản phẩm quà tặng lưu niệm, đồng thời tập trung quảng bá. Sản phẩm lưu niệm không chỉ phục vụ mục đích thương mại mà là công cụ hữu ích để du khách lan tỏa, quảng bá điểm đến. Các sản phẩm quà tặng lưu niệm phải thiết kế tinh xảo, nhỏ gọn, phù hợp để khách mang về.

Các chuyên gia du lịch cũng gợi ý, trên cơ sở các làng nghề truyền thống của Huế, nên làm sản phẩm chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động du lịch. Điển hình như làng nghề đúc đồng, ngoài chuông, lư đồng, vật phẩm phục vụ các nghi lễ tâm linh, có thể tạo ra các món đồ lưu niệm nhỏ gọn, gắn với văn hóa, hình ảnh Huế một cách tinh xảo.

Ông Phát gợi ý, thời gian tới, nên có các dự án nghiên cứu với sự vào cuộc của các chuyên gia cùng nghệ nhân làng nghề để có các ý tưởng, mẫu sản phẩm quà lưu niệm đặc sắc cho Huế. Những món quà ấy không chỉ để trưng bày mà phải dùng được, vừa đáp ứng kỹ thuật tinh xảo, nhưng phải cạnh tranh được về giá.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/qua-tang-luu-niem-du-lich-thua-ma-thieu-152836.html