Toàn cảnh buổi làm việc
Thách thức cao, mục tiêu cao và hướng tới kết quả cuối cùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã cơ bản ổn định tổ chức, bắt đầu cách làm việc mới với tinh thần sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng tới kết quả cuối cùng. Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò là Bộ hạt nhân và nòng cốt trong thực hiện Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị. Bộ KH&CN nhận nhiệm vụ: Nếu đất nước tăng trưởng 10%, ngành KH&CN chịu trách nhiệm thúc đẩy ít nhất 5% tăng trưởng, tức là chiếm từ hơn 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
Hiện Bộ KH&CN đang xây dựng Chương trình chuyển đổi AI quốc gia để ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung. Chương trình chuyển đổi AI quốc gia phải thể hiện được tinh thần "toàn dân", "toàn diện". Mỗi người dân Việt Nam có một trợ lý ảo. Thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi AI quốc gia là tháng 5/2025 và đến tháng 11/2025 phải có trợ lý ảo cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng tin tưởng, Bộ KH&CN, với bộ máy mới, tinh thần đoàn kết, với sự đổi mới mạnh mẽ dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được giao
Nhiệm vụ lớn tiếp theo trong năm 2025 của Bộ là xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung. Theo đó sẽ đầu tư hạ tầng với nhiều trung tâm dữ liệu được trang bị GPU nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn phát triển AI của riêng mình có thể huấn luyện AI, phát triển các ứng dụng AI tại đây. Đây là nhiệm vụ quan trọng vì Việt Nam coi AI là công nghệ chính, do đó phải hỗ trợ các doanh nghiệp để họ phát triển các ứng dụng AI.
Về Chính phủ số, thời gian tới cần tập trung vào dịch vụ công trực tuyến. Bộ phấn đấu tối thiểu 80% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo trong số hơn 2000 dịch vụ công, trước tiên tập trung vào khoảng 50 dịch vụ công có số lượng người dùng nhiều nhất thì mới đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ KH&CN đã cơ bản ổn định tổ chức, bắt đầu cách làm việc mới với tinh thần sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng
Đối với nhiệm vụ mỗi bộ, tỉnh phải có một trung tâm điều hành thông minh (IOC) để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả giúp lãnh đạo tỉnh có những phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thực. Do vậy cần sớm ban hành các tiêu chuẩn về IOC cấp bộ, cấp tỉnh ngay trong tháng này.
Về kinh tế số, Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã (dự kiến tháng 4/2025). Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo, cần tập trung xây dựng các nền tảng số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quản trị tài chính, nhân sự, các vấn đề về thuế… Tập trung làm nhanh, làm tốt các nền tảng này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Công nghiệp công nghệ số phải xác định các sản phẩm chiến lược, từ đó xác định công nghệ chiến lược, công nghiệp chiến lược. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng lưu ý, Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị mới được ban hành với tinh thần đột phá, cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề, các điểm nghẽn. "Sản phẩm chiến lược", "công nghệ chiến lược" là những vấn đề hoàn toàn mới, chưa được đề cập đến trong bất cứ văn bản luật nào. Do đó, để triển khai, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Bộ sẽ sớm ban hành Danh mục công nghệ chiến lược được Nhà nước ưu tiên phát triển, tiếp sau đó sẽ ban hành Chương trình phát triển công nghệ chiến lược.
Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành Đề án Quốc gia khởi nghiệp với tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân; sử dụng hiệu quả Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF); xây dựng và triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm…
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ đang xây dựng hạ tầng khoa học công nghệ dùng chung; tái cấu trúc các chương trình khoa học công nghệ quốc gia; ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tập trung hoàn thành đầu tư hệ thống phòng đo kiểm công nghệ mới dùng chung; ban hành Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia...
Xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò quan trọng, then chốt của KHCN, ĐMST, CĐS. Đây là động lực chính để phát triển nền kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng chính là vai trò, sứ mệnh mới của Bộ KH&CN, ngành KH&CN trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức lớn cần phải giải quyết, cụ thể: Khoảng cách lớn về trình độ KH&CN với các nước phát triển; Nhận thức về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đầy đủ; Hành lang pháp lý chưa đồng bộ; còn tồn tại một số "điểm nghẽn" kìm chế sự phát triển của lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS; Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt những bước đột phá chiến lược; khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; Nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu hụt; Nguồn lực đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm, hạ tầng số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Trên cơ sở kết quả đạt được, cùng với những phân tích, dự báo về các xu hướng lớn đang tác động mạnh đến thế giới và sự phát triển rất nhanh của KHCN, ĐMST và CĐS, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN cần tập trung thực hiện. Cụ thể:
Bộ cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức. Phải coi đây là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành, lĩnh vực; sàng lọc bộ máy và sắp xếp lại nhân lực.
Quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội và Nghị quyết 03 của Chính phủ. Nâng cao nhận thức, tạo xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS; đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy.
Nghị quyết 57/NQ-TW giao khoảng 180 nhiệm vụ, đều phải hoàn thành gấp, chủ yếu trong năm 2025, do đó Bộ KH&CN phải có một chương trình cụ thể để theo dõi, cập nhật, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết.
Bộ cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế theo hướng đồng bộ, minh bạch, xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; quyết tâm loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược. Trong đó, sớm thúc đẩy hoàn thành 2 tuyến cáp quang biển và triển khai mạng 5G toàn quốc, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, và phát triển các công nghệ mũi nhọn như AI, IoT, blockchain, bán dẫn... Hạ tầng số phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các ngành công nghệ chiến lược. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết "ba nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học – Nhà đầu tư), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu.
Bộ cũng cần thúc đẩy ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp gắn với nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của Quỹ đổi mới sáng tạo, chỉ đạo cần hình thành nhanh quỹ này để thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp.
Liên quan các kiến nghị, đề xuất của Bộ, Phó Thủ tướng sơ bộ đồng ý và giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng, kết nối cơ sở dữ liệu và phát triển nguồn nhân lực.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Bộ KH&CN với bộ máy mới, với tinh thần đoàn kết, với sự đổi mới mạnh mẽ, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành KH&CN sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được giao, đặc biệt khi những nhiệm vụ này đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế đất nước./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/quyet-tam-loai-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-197250403152959549.htm
Bình luận (0)