Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sân khấu cách mạng - Thấm đẫm lòng tự hào dân tộc

Những năm gần đây, sân khấu TPHCM hoạt động sôi nổi, ra mắt hàng trăm vở mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo khán giả. Đặc biệt, nhiều vở diễn lịch sử cách mạng đã được đầu tư dàn dựng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng29/04/2025

Ngợi ca tinh thần anh hùng cách mạng

Trong loạt tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử cách mạng được ra mắt thời gian qua, nổi bật lên có: Dấu xưa (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B); Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TPHCM); Đồng chí (Hội Sân khấu TPHCM); Rặng trâm bầu, Ngày ấy Cổng Trời (Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi); Cánh đồng rực lửa (Sân khấu kịch Quốc Thảo); Những cánh hoa trinh trắng (Công ty Ấn Tượng Mới); các vở cải lương San hô đỏ, Câu hò đất mẹ, Tiếng hò sông Hậu (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Người ven đô (Sân khấu Cải lương mới Đại Việt); vở hát bội Anh hùng (Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM); vở múa Hoàng hôn (Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM); tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Đoàn Văn công Quân khu 7); kịch múa Tổ quốc (Trường Trung cấp Múa TPHCM); vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Trước ngọn sóng (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam)…

%6b.jpg
Vở múa rối nước Trước ngọn sóng

Không đóng đinh trong cách dàn dựng kiểu cũ, các tác phẩm kể trên thu hút khán giả bởi những nét đặc sắc riêng. Như với vở kịch Đồng chí, hình tượng chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ được xây dựng với tinh thần xung kích, luôn đi đầu trong mọi khó khăn từ thời chiến đến thời bình.

“Đồng chí là một kịch bản khó dàn dựng. Tuy nhiên, cái “chất” của vở rất đẹp khi ngợi ca tinh thần dân tộc, sự đoàn kết. Nếu ai cũng vì đất nước, cùng chí hướng, thì đều có thể bắt tay xây dựng đất nước...”, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

Vở múa Hoàng hôn lại có cái nhìn khác biệt, mới lạ về chiến tranh cách mạng. Chia sẻ quan điểm về tác phẩm, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Trưởng đoàn Múa HBSO, cho biết: “Dù vẫn là đề tài chiến tranh nhưng vở múa không tái hiện sự tàn khốc, mà chủ yếu tạo nên những màn trình diễn đẹp, lạ, gắn liền với những bức chân dung, những kỷ vật và những câu chuyện bên lề cuộc chiến, để khán giả thấy những câu chuyện mang nhiều cung bậc cảm xúc lắng đọng, cảm động, đằng sau cuộc chiến...”.

Khơi dậy lòng tự hào và tình yêu nước

Truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, lý tưởng cách mạng nhưng không giáo điều, nặng nề là hướng đi chung của các tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử cách mạng.

NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện vở Dấu xưa (tác giả: Nguyễn Thanh Bình; đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc), tôi luôn mong muốn tác phẩm phải thể hiện được chất nhẹ nhàng, mềm mại, thấm đẫm chữ tình. Câu chuyện thể hiện được sự gần gũi, thực tế, giúp khơi gợi cho khán giả trẻ sự tưởng nhớ, lòng tự hào về lịch sử của cha ông…”.

Cũng theo hướng đó, vở cải lương Người ven đô (kịch bản: Minh Khoa, chuyển thể cải lương: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) đã tái hiện không khí hừng hực lửa đấu tranh anh dũng, tinh thần người Việt Nam kiên cường, bất khuất trước kẻ thù xâm lược.

Được tái dựng từ kịch bản gốc từng biểu diễn lần đầu vào năm 1976, Người ven đô bản dựng mới có cấu trúc kịch bản, hình tượng nhân vật, tình tiết kịch đầy mới lạ, mang tính hiện đại. Đặc biệt, dàn diễn viên trẻ - những người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, đã thể hiện sự khác biệt trong lối diễn so với các nghệ sĩ thế hệ trước - những người đã trải qua thời chiến tranh khốc liệt.

“Chúng tôi mong muốn vở kịch sẽ giúp khán giả hiểu hơn về những hy sinh, mất mát, tinh thần không khuất phục của người dân Việt Nam, những yếu tố đã góp phần mang lại ngày toàn thắng 30-4-1975 lịch sử”, soạn giả Hoàng Song Việt, ông “bầu” Sân khấu cải lương mới Đại Việt, bộc bạch.

50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, niềm vui chung to lớn ấy có được là nhờ biết bao hy sinh của ông cha ta trong công cuộc giữ nước và bảo vệ Tổ quốc. Từng câu chuyện truyền thống cách mạng đã được các tác giả kịch bản, đạo diễn đưa lên sân khấu với sự mềm mại, dung dị, giúp tác phẩm dễ dàng chạm đến trái tim khán giả, nhất là với lớp trẻ hôm nay.

“Các tác phẩm sân khấu có đề tài lịch sử cách mạng nếu khéo léo khai thác đời sống tâm lý các nhân vật, đi sâu vào các tình tiết xung đột gần gũi với con người thời đại mới, phản ánh những góc nhìn về tình cảm, tình yêu, quan điểm sống... thì dễ dàng đạt được sự đồng cảm của người xem hơn”, NSND Trần Minh Ngọc nhận định.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/san-khau-cach-mang-tham-dam-long-tu-hao-dan-toc-post793074.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm