Chú trọng tự học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng vào thực tiễn. Sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh. Vì vậy, học sinh cần chú trọng tự học để hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.
Em Nguyễn Quốc Vượng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập cho biết: Nội dung Chương trình GDPT 2018 có sự đổi mới, khó hơn năm trước nên thay vì phụ thuộc vào thầy, cô giáo thì phần lớn chúng em nâng cao ý thức tự giác học tập, làm bài tập đầy đủ ở nhà. Cùng với đó, cấu trúc đề thi phần đúng/sai phải tuyệt đối chính xác.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Đa Kia, huyện Bù Gia Mập trong giờ học môn Địa lý
Tương tự em Bùi Phương Huyền, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đa Kia nhìn nhận: Chương trình mới khó hơn nên đòi hỏi phải tư duy và đề cao phương pháp tự học của bản thân chứ không phụ thuộc nhiều vào thầy cô. Thầy cô chỉ hướng dẫn phương pháp, còn kiến thức tư duy thì bản thân tự rèn luyện thêm từ thực tiễn. “Đây là năm học đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018 nên chúng em có phần hơi lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị từ trước nên tâm thế luôn sẵn sàng” - em Huyền chia sẻ.
Cùng với đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Để kỳ thi đảm bảo chất lượng, đáp ứng trình độ, năng lực học sinh, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị từ sớm, công bố các đề tham khảo giúp thí sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Từ đó giúp các em có cơ hội cọ xát, luyện tập thường xuyên để nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Đa Kia chia sẻ: So với những năm trước, chương trình thi năm nay bao quát hơn, bao gồm nhiều phần. Đối với môn Địa lý có 3 phần, phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Đặc biệt, phần trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn bắt buộc học sinh phải bao quát toàn bộ kiến thức cũng như có quá trình am hiểu và áp dụng công thức tính nhanh. Giáo viên tiếp cận khó vì có nhiều đối tượng khác nhau nên cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tận dụng mọi lúc, mọi nơi để hướng dẫn, hỗ trợ các em, đặc biệt là học sinh yếu, kém.
Theo cô Lâm, với nội dung thi mới nên để đạt điểm cao là khó, vì vậy cần phân loại đối tượng. Đối với học sinh yếu thì phối hợp giảng dạy tận tình, tỉ mỉ với những kiến thức cơ bản; đối với học sinh khá, giỏi thì nâng cao kiến thức để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. “Để đạt kết quả cao, giáo viên cần bám sát kế hoạch giảng dạy của bộ, sở. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn các em làm bài tập, giải đề thi minh họa để nâng cao kỹ năng làm bài cũng như nắm được điểm yếu, điểm mạnh và tìm giải pháp tháo gỡ” - cô Lâm cho hay.
Nhiều điểm mới
Cùng với nội dung, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng sẽ có rất nhiều điểm mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn chương trình và sẽ giảm áp lực hơn nhiều so với trước.
Theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm 2025 sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50, thay vì 30-70 (học bạ 30%, kết quả thi 70%) như trước. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết).
Học sinh lớp 12, Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long trong giờ ôn luyện môn Ngữ văn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Đặc biệt, điểm học bạ các năm lớp 10, 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước (với cách tính: lớp 10 x (nhân) hệ số 1, lớp 11 x hệ số 2 và lớp 12 x hệ số 3). Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc THPT.
Kỳ thi năm 2025 có 4 bài thi, gồm 2 môn thi bắt buộc là Văn, Toán và 2 môn do thí sinh tự chọn. Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi năm nay sẽ giảm 1 buổi thi và giảm 2 môn thi. Qua đó, giảm áp lực, chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Theo đó, tổ chức kỳ thi thành 3 buổi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Trước đây thay vì 1 phòng sẽ tổ chức thi 1 bài tổ hợp (Lý - Hóa - Sinh hoặc Sử - Địa - Giáo dục công dân) cho 1 hoặc nhiều thí sinh đăng ký thì nay sẽ tổ chức cho nhiều thí sinh cùng thi các môn tự chọn khác nhau/phòng thi (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa…). Các thí sinh sẽ thi 2 bài tự chọn trong cùng 1 buổi thi nhưng khác thời điểm (bài thi thứ nhất, bài thi thứ hai).
Cùng với đó, quy chế thi THPT năm 2025 cũng thay đổi về điểm khuyến khích. Đó là bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Điều này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp. Quy chế cũng cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...
Việc sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50 sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh. Các em sẽ có động lực học tập ngay từ những năm đầu cấp, thay vì chỉ tập trung vào lớp 12, từ đó phát triển khả năng học tập bền vững. Cùng với đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực hơn trước. Thầy PHẠM THẾ NAM, |
Với nhiều điểm mới nên Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị kỹ và công bố phương án thi từ cuối năm 2023; ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vi rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi…
Ngoài tăng cường ôn luyện, nâng cao tính tự giác trong học tập, rèn luyện kỹ năng làm bài thành thục cho học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh đã và đang tổ chức các kỳ thi thử để học sinh làm quen với các dạng đề thi mới, phương thức thi mới cũng như kiểm tra kiến thức thực tế. Đây cũng là dịp để cán bộ, giáo viên trong ngành tập dượt phương án tổ chức thi, kỹ năng xử lý tốt tình huống để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, đúng quy chế.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/171799/san-sang-tam-the-vuot-vu-mon
Bình luận (0)