Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sinh viên làm ứng dụng “phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu”

Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng người khiếm thính trong giao tiếp với người khác, một nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Lạc Hồng đã phát triển Dự án Ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ ký hiệu. Ứng dụng này có tên Adley, đã đoạt giải nhì tại vòng chung kết Chương trình Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) do Đại học Arizona (Hoa Kỳ) và Dow Việt Nam tổ chức.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai08/05/2025

Đại diện nhóm tác giả trình bày về Dự án Adley - ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: NVCC
Đại diện nhóm tác giả trình bày về Dự án Adley - ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: NVCC

Đây cũng là dự án được chọn tham gia vòng chung kết Cuộc thi Giải pháp sáng tạo cho phát triển bền vững - cuộc thi toàn cầu do Liên minh Cintana Education tổ chức tại Hoa Kỳ trong tháng 6 tới.

Hỗ trợ người khiếm thính trong giao tiếp

Nhóm sinh viên thực hiện Dự án Adley gồm: Vũ Thị Kim Hương, Vi Hoài Thương, Phạm Bảo Minh Thế và Hoàng Gia Huy, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Bùi Xuân Cảnh. Dự án được nghiên cứu, phát triển trong hơn 3 tháng, mục tiêu nhằm tạo ra một ứng dụng hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, xóa bỏ rào cản giao tiếp cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam.

Ứng dụng được thiết kế với 3 chức năng chính. Chức năng đầu tiên là phiên dịch từ giọng nói hoặc văn bản sang ngôn ngữ ký hiệu dưới dạng video hoạt họa nhằm giúp người khiếm thính dễ dàng nắm bắt nội dung giao tiếp trong thời gian thực, đặc biệt là trong các tình huống hàng ngày như: trò chuyện, làm việc hay tham gia các hoạt động cộng đồng.

Đây là năm thứ 7 Chương trình EPICS được tổ chức tại Việt Nam. Năm nay, chương trình thu hút 21 nhóm sinh viên gồm 113 thành viên đến từ các trường đại học ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội và Đồng Nai tham gia.

Chức năng thứ 2 là nhận diện và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu từ cử chỉ tay thông qua camera của thiết bị. Ứng dụng sẽ sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh và học máy để phân tích các động tác tay của người dùng, từ đó phiên dịch thành văn bản hoặc giọng nói, giúp người khiếm thính có thể truyền đạt thông tin cho người bình thường một cách dễ dàng và trực tiếp hơn, không cần đến giấy bút hay người phiên dịch trung gian.

Chức năng thứ 3 là xây dựng một cộng đồng học tập và kết nối. Đây được xem là mạng xã hội để người khiếm thính giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời là môi trường để tất cả mọi người - bao gồm cả người nghe bình thường, có thể học hỏi và rèn luyện ngôn ngữ ký hiệu. Ứng dụng sẽ có các khóa học ngắn, các bài giảng cơ bản, trò chơi tương tác và hoạt động cộng đồng để người dùng giao lưu, học tập. Điều này góp phần nâng cao nhận thức xã hội, thúc đẩy sự hòa nhập và giảm thiểu khoảng cách giữa người khiếm thính và cộng đồng.

Đặc biệt, ứng dụng còn tích hợp một mục riêng dành cho việc giới thiệu và kết nối việc làm, giúp người khiếm thính có thể tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp phù hợp với năng lực và mong muốn. Qua đó, dự án không chỉ dừng lại ở hỗ trợ giao tiếp, mà còn hướng đến việc cải thiện chất lượng sống, nâng cao sự tự tin và vị thế của người khiếm thính trong xã hội.

Dự án nhân văn

EPICS là chương trình khởi nghiệp xã hội, trong đó các nhóm sinh viên hợp tác với các tổ chức cộng đồng để thiết kế, xây dựng và triển khai những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề xã hội thực tiễn. Trong vòng 5 tháng, sinh viên trải nghiệm toàn bộ quy trình đổi mới sáng tạo, từ hình thành ý tưởng đến thử nghiệm mô hình, đồng thời rèn luyện kỹ năng quản lý dự án và giao tiếp chuyên môn.

Đây không phải lần đầu tiên sinh viên Trường đại học Lạc Hồng tham gia sân chơi này. Trước đó, nhiều nhóm sinh viên của trường đã tham gia EPICS và đạt được nhiều thành tích cao. Học hỏi kinh nghiệm làm dự án từ những người đi trước, nhóm sinh viên Dự án Adley đã có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng để thực hiện dự án một cách hiệu quả.

Theo Trưởng nhóm Gia Huy, khi bắt tay vào thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải chính là việc tiếp cận với những người khiếm thính để xin phản hồi và góp ý thực tế. Nhiều người trong số họ khá e ngại, tự ti và không muốn người khác biết về tình trạng của mình nên việc tiếp cận ban đầu không dễ dàng.

“Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ và kết nối từ các thầy cô trong trường, nhóm chúng tôi đã có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe chia sẻ từ một số người khiếm thính. Chính những cuộc trò chuyện ấy đã giúp nhóm hiểu hơn về nhu cầu thực sự và tiếp thêm động lực để phát triển dự án một cách ý nghĩa và gần gũi hơn với cộng đồng” - Gia Huy chia sẻ.

Chị Hoài Thương thì cho biết, điểm đặc biệt trong ứng dụng của nhóm không chỉ nằm ở khả năng phiên dịch và hỗ trợ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà còn ở định hướng lâu dài là xây dựng một cộng đồng gắn kết, nơi người khiếm thính có thể kết nối, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, nhóm cũng muốn tạo ra cầu nối với các cơ hội việc làm, góp phần giúp người khiếm thính cải thiện chất lượng cuộc sống và tự tin hơn trong xã hội.

Hải Yến

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/sinh-vien-lam-ung-dung-phien-dich-ngon-ngu-ky-hieu-51b1704/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm