Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sống cuộc đời phong phú nhờ sách

BPO - Trong thời đại công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt, việc đọc sách đang trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, giá trị của việc đọc sách chưa bao giờ mất đi. Đặc biệt khi phong trào học tập suốt đời ngày càng được khuyến khích, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ con người.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước21/04/2025

Những trải nghiệm thú vị từ sách

Cô bé xinh xắn và tràn đầy năng lượng Nguyễn Hoài Thương học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Tân Khai A, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, bắt đầu hành trình đọc sách từ khi vào lớp 1. Hoài Thương chia sẻ: Người truyền cảm hứng cho em chính là cô Nguyễn Thị Hồng, nhân viên Thư viện trường. Nhờ cô có nhiều giải pháp hay nên Thư viện trường có rất nhiều loại sách. Và cũng bằng sự tận tâm của mình, cô đã giúp em và các bạn ngày càng yêu thích việc đọc sách. Vì vậy, cứ đến giờ ra chơi là chúng em lại háo hức đến thư viện để đọc sách. “Em thích đọc sách vì nó giúp em khám phá thế giới, học được nhiều điều bổ ích và làm giàu thêm vốn từ vựng của mình” - Hoài Thương chia sẻ.

Em Nguyễn Hoài Thương, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Tân Khai A, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản

Cũng nhờ yêu thích đọc sách, Hoài Thương đã đoạt giải ba cuộc thi kể chuyện theo sách cấp trường và giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc huyện Hớn Quản.

Không chỉ vậy, việc đọc sách còn giúp Hoài Thương được sống trong một thế giới khác, được học hỏi nhiều điều mới mẻ về cuộc sống, từ đó phát triển kỹ năng tư duy phản biện, phân tích và sáng tạo. 

Cũng như bao cô, cậu bé khác, Hoài Thương đặc biệt yêu thích truyện cổ tích, bởi những câu chuyện này thường mang theo một thế giới đầy kỳ diệu, với những nhân vật chàng hoàng tử, công chúa xinh đẹp thông minh hay các con vật dễ thương biết vâng lời. Hơn nữa những câu chuyện cổ tích còn chứa đựng những bài học đạo đức vô cùng giá trị, như lòng dũng cảm, sự trung thực, hay tình yêu thương vô điều kiện. 

Không chỉ đọc sách, các em còn mang những bài học đạo đức vào các buổi thảo luận sách, nơi mà các ý tưởng và quan điểm được chia sẻ sôi nổi. “Chúng em không chỉ đọc mà còn học cách cảm nhận và làm quen, tập giải quyết những vấn đề trong cuộc sống” - Hoài Thương chia sẻ.

Khoảng trời bình yên

Trong thế giới hiện đại đầy bộn bề và hối hả, việc tìm kiếm những khoảnh khắc bình yên trở nên ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, có những người đã tìm thấy ánh sáng trong những trang sách. 

Đối với chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, chủ cơ sở Nến thơm NT (phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài), việc nhận ra giá trị của sách từ cuốn “Trái tim không” của Thiền sư Yantra đã giúp chị quyết định thay đổi và chiến thắng bản thân. Giữa cuộc sống bận rộn, thay vì để bị cuốn theo, chị tập sống chậm lại và tìm thấy niềm vui từ việc uống trà, thưởng nến, đọc sách…

Một nhóm bạn đọc sách tại không gian trà nến thơm NT

Một không gian đọc sách tại Nến thơm NT mà chị Thủy Tiên chuẩn bị cho khách hàng

Không gian đọc sách tại Nến thơm NT

Từ những trải nghiệm đáng giá về sự kết hợp giữa đọc sách và sống chậm, chị Thủy Tiên nhận ra, sách không đơn thuần là những dòng chữ trên giấy, mà là cánh cửa mở ra thế giới mới, nơi chị có thể tạm rời xa những lo toan thường nhật. Những cuốn sách đã trở thành người bạn đồng hành, giúp chị kết nối với chính bản thân. Từ những lợi ích nhận ra, chị đã tạo nên một không gian đặc biệt, nơi mọi người có thể đến thưởng thức trà, ngắm ánh nến lung linh và đắm chìm trong những trang sách. 

Những không gian đó không chỉ là nơi để thưởng thức trà và đọc sách, mà còn là nơi giúp mọi người tìm thấy sự bình yên giữa bộn bề cuộc sống. 

“Trong cuộc sống hối hả hiện nay, việc dành thời gian đọc sách giúp tôi tìm thấy bình an. Tôi mong muốn đây sẽ là một trạm đọc, chốn dừng chân để mọi người đến thưởng thức trà và đọc sách. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời để mỗi người “sạc pin” cho bản thân” - chị Tiên nói với ánh mắt rạng rỡ.

Chị Tiên chia sẻ, đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là cách sống. Trong những buổi thưởng trà và đọc sách, chị Tiên đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Có những người tìm đến chị với nỗi buồn, những áp lực trong công việc hay cuộc sống gia đình. Họ thường bảo rằng sau khi đọc một cuốn sách, họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, như thể những gánh nặng đã được trút bỏ. 

Việc đọc sách đã trở thành một liệu pháp chữa lành, giúp con người tìm thấy sự an yên trong tâm hồn. Sách giúp chúng ta hiểu chính mình hơn, từ đó tìm ra cách đối diện với những vấn đề trong cuộc sống.

Chữa lành tâm hồn 

Nhà văn Võ Thu Hương hiện là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, có 20 tác phẩm đã in, trong đó 2/3 là văn học thiếu nhi, tiêu biểu như “Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào”, “Góc nhỏ yêu thương”, “Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?”... Những tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Thu Hương còn được đưa vào sách giáo khoa.

Em Hoài Thương (giữa) đọc sách tại Ngày hội đọc sách Trường tiểu học Tân Khai A

Ngày hội đọc sách tổ chức tại Trường tiểu học Tân Khai A

Nhà văn Thu Hương cho rằng, lợi ích của sách đối với thanh thiếu nhi nói riêng và con người nói chung là không thể phủ nhận, nhất là trong việc hình thành kiến thức, kỹ năng và bồi đắp tâm hồn. Ít ai biết được rằng, bản thân chị được vun bồi tình yêu sách từ những cuốn sách đủ loại trong vựa ve chai của mẹ. Từ tình yêu của mẹ, chị đã tiếp cận những cuốn “Không gia đình”, “Cánh buồm đỏ thắm”... rồi dần yêu sách lúc nào không hay. Tuy trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc đọc sách giấy không còn phổ biến như trước, nhưng hoàn toàn có thể kéo gần văn hóa đọc đến mọi người.

Ngày hội đọc sách do Thư viện lưu động tỉnh tổ chức tại Trường tiểu học Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng

Là người đã sáng tác nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhà văn Thu Hương cho rằng ngoài việc viết lách, thì sự kết nối giữa nhà văn với độc giả để lan tỏa những thông điệp của tác phẩm cũng rất quan trọng. Những phương pháp đọc hiệu quả mà chị Thu Hương thường chia sẻ để phát triển văn hóa đọc cho mỗi người quan trọng nhất là tự xây dựng thói quen, đến từ sự gương mẫu của cha mẹ, thầy cô, cộng đồng. Chị Thu Hương cho biết thêm: “Việc đọc sách cần phải được thực hiện một cách có ý thức. Hãy tạo ra những không gian đọc sách thoải mái, nơi mỗi người có thể tự do khám phá và cảm nhận. Đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách”.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, trong 2 ngày 20 và 21-4, Bình Phước sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách và tổ chức Thư viện lưu động tại Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Ban tổ chức chương trình cũng sẽ tặng sách, thiết bị phục vụ đọc sách cho các trường: Tiểu học, THCS, THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Cùng với phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ban tổ chức còn phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh lần thứ VII, năm 2025. 

Đặc biệt, ở sự kiện này, nhà văn Võ Thu Hương sẽ tham gia nói chuyện chuyên đề “Phương pháp đọc sách, kỹ năng thu thập kiến thức của học sinh phổ thông.


Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, việc đọc sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc và phong trào học tập suốt đời. Câu chuyện của em Hoài Thương, những chia sẻ của chị Thủy Tiên và nhà văn Võ Thu Hương là minh chứng rõ nét cho giá trị to lớn của việc đọc sách trong học tập và cuộc sống. Không chỉ vậy, việc đọc sách hiện nay đã và đang trở thành một hành trình khám phá bản thân. Qua những cuốn sách, chúng ta không chỉ tìm thấy tri thức mà còn là sự kết nối, an yên và chữa lành cho tâm hồn.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/54/171807/song-cuoc-doi-phong-phu-nho-sach


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm