Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sống theo kỳ vọng hay sống để hạnh phúc?

1.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Lựa chọn sống thật với bản thân, buông bỏ hào quang và chấp nhận sự bình thường lại là cuộc chiến âm thầm nhưng đầy kiên định. Đối với Trần Duy Trinh - cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), đó không phải là sự thất bại, mà là hành trình tự tìm lại chính mình.

“Miễn là chúng ta không ngừng cố gắng và giữ được sự bình tĩnh thì chúng ta sẽ nhìn ra những cơ hội thôi,” Trinh nói. Trinh không từ bỏ khát vọng vươn lên, nhưng thay vì cạnh tranh với người khác, anh chọn cạnh tranh với chính mình.

“Đây là mình của năm 2017, đầy tiềm năng và tham vọng, còn đây là mình của năm 2025, một người bán tạp hóa hoàn toàn bình thường”, câu nói mở đầu trong video mới đây của Trinh bất ngờ thu hút hơn 7 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn. Sự đối lập giữa hai hình ảnh đã khiến cộng đồng mạng không khỏi tò mò: điều gì đã xảy ra với chàng trai từng được kỳ vọng là “ngôi sao sáng” ấy?

Câu hỏi này không chỉ mở ra một câu chuyện về Trần Duy Trinh mà còn là cuộc đối chiếu sâu sắc giữa kỳ vọng xã hội và thực tế cuộc sống. Trinh, một chàng trai từng là hình mẫu “con nhà người ta”: thông minh, học giỏi. Từ những năm cấp ba, Trinh đã gánh trên vai không chỉ kỳ vọng của gia đình mà còn cả ánh mắt ngưỡng mộ từ bạn bè và thầy cô. Nhưng sau những năm tháng đeo đuổi thành công, anh nhận ra rằng: “Mình hiểu ra là kiếm tiền cũng là một lĩnh vực trong cuộc sống và giỏi kiến thức học thuật không đồng nghĩa với việc mình là người toàn tài. Vậy nên việc mình không giỏi kiếm tiền là sự thực và mình cần chấp nhận”.

Thừa nhận giới hạn bản thân và bước ra khỏi những kỳ vọng, đó là nhận thức trưởng thành mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để đối diện. Điều khiến người ta ngưỡng mộ Trinh không phải là những tấm bằng hay danh hiệu, mà là sự bình thản khi chấp nhận giới hạn của mình. Trinh đã làm điều ít ai dám làm: từ bỏ ánh hào quang để sống một cuộc đời giản dị, bán tạp hóa và làm truyền thông cho một công ty trà ở quê nhà.

2. Nhưng, như Trinh viết trong dòng mô tả video: “Chấp nhận làm một người bình thường cũng không đơn giản lắm”. Nghĩa là, để đi đến lựa chọn này, hẳn Trinh cũng đã có những tháng ngày đấu tranh cam go. Trinh không phải là người duy nhất phải vật lộn với những kỳ vọng xã hội. Tôi và nhiều người trẻ khác, cũng như Trinh, từng phải đối mặt với những “khủng hoảng danh tính” (Identity crisis). Đó là những ngày tháng bối rối khi không biết bản thân thực sự là ai, không rõ mình mạnh ở điểm nào hay yếu ở đâu, loay hoay với câu hỏi: “Mình là ai giữa muôn vàn kỳ vọng?”.

Sự hoang mang, cảm giác không thể đáp ứng những gì người khác mong đợi khiến không ít người trẻ phải đối mặt với những hệ lụy khủng khiếp như stress, trầm cảm, thậm chí là sự mất phương hướng. Nhà tâm lý học Erik Erikson - “cha đẻ” của khái niệm “khủng hoảng danh tính” - từng nói rằng đây là một trong những thử thách lớn nhất của đời người, khi chúng ta phải đối diện với chính mình, tự vấn về bản ngã và lựa chọn của mình. Nhưng từ trong khủng hoảng, Trinh đã dũng cảm tái định nghĩa lại thành công - không còn là những gì người khác mong đợi, mà là sự bình an và hạnh phúc từ bên trong. Dám chấp nhận thực tế không như kỳ vọng để rẽ hướng tìm con đường mới cũng là một dạng thành công.

3. Trinh không từ bỏ khát vọng vươn lên, nhưng thay vì cạnh tranh với người khác, anh chọn cạnh tranh với chính mình. Trong nhiều chia sẻ về video của Trinh, nhiều người trẻ cũng đã bày tỏ quan điểm: “Chẳng sao cả nếu ta không huy hoàng”. Sự đồng cảm lan tỏa vì trong từng lời nói của Trinh, người ta nhìn thấy chính mình - những con người đang chật vật giữa dòng chảy của danh vọng và thực tế, loay hoay tìm một bến đỗ bình yên.

Trong xã hội hiện đại - nơi không ít người mải miết chạy theo danh vọng, câu chuyện của Trinh như cú chạm vào sâu thẳm của những quan niệm tưởng chừng đã mặc định về thành công. Đằng sau con số triệu lượt xem kia không chỉ là sự tò mò mà còn là sự đồng cảm với một thế hệ đang phải gồng mình đối mặt với những kỳ vọng chất chồng. Câu chuyện của Trinh không kể về một “ngôi sao tắt” mà là biểu tượng của một thế hệ dám chọn sống thật, dám đối mặt với những giới hạn cá nhân, dám lựa chọn sống khác!

HOÀI NHƯ

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/song-theo-ky-vong-hay-song-de-hanh-phuc-4003218/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm