Vào những ngày tháng 4 này, cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, nhiều cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh của Sư đoàn 341 - đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng hội tụ tại Quảng Bình, nơi cách đây nửa thế kỷ Sư đoàn 341 xuất quân vào chiến trường, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Sư đoàn 341 (Quân khu 4) còn có tên gọi Đoàn Sông Lam được thành lập ngày 23/11/1972 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh, Sư đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa bàn phía nam Quân khu, là lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng.
Ngày 3/2/1975 tại thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Sư đoàn 341 đã làm Lễ xuất quân, tham gia chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Sông Lam cùng vũ khí, trang bị kỹ thuật, gần 1.000 xe các loại hành quân xuyên dãy Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong đội hình của Quân đoàn 4.
Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc, nơi được đối phương coi là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Trong suốt nhiều ngày chiến đấu kiên cường, Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, làm rung chuyển tuyến phòng thủ vững chắc của địch, góp phần quyết định đẩy nhanh sự tan rã của quân ngụy Sài Gòn.
Chiến công của Sư đoàn 341 tại Xuân Lộc là một dấu son trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, là minh chứng cho tinh thần chiến đấu quả cảm, ý chí kiên cường và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
Ngay sau chiến thắng Xuân Lộc, Sư đoàn 341 tiếp tục được giao nhiệm vụ đánh điểm đột phá Trảng Bom, phát triển theo trục đường số 1 vào Biên Hòa, Sài Gòn.
Đây là trận đánh nằm trong thế trận của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, binh khí kỹ thuật quan trọng địch ở Trảng Bom.
Theo ký ức của nhà văn Đậu Thanh Sơn, khi đó là chiến sĩ của Sư đoàn 341 tham gia trận đánh Trảng Bom: Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, trong khu rừng trú quân, cả đại đội tập hợp trang nghiêm, nghe chính trị viên Quách Thanh Tiễn phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn-Gia Định.
Trận đánh Trảng Bom của sư đoàn 341, ngày 26-27/4/1975. (Ảnh: PV Báo Quân đoàn 4, lưu giữ tại Nhà truyền thống Quân đoàn 4)
Trận đánh yếu khu Trảng Bom là trận đánh then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng đông nam, có đủ bốn trung đoàn của Sư đoàn 341 tham gia. Chính trị viên nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi của Bộ Tư lệnh Sư đoàn: “Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong sư đoàn, đoàn kết chiến đấu giành thắng lợi, dâng lên ngày sinh nhật Bác”.
Nhà văn Đậu Thanh Sơn nhớ lại: "Trong giờ phút thiêng liêng đó, có lẽ quá xúc động nên da nổi gai ốc, trong lòng trào dâng trào niềm vui khó tả. Tất cả anh em trong đơn vị được tham gia đánh trận này, ai cũng có tâm trạng hào hứng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng rất vẻ vang và đầy ý nghĩa".
Sư đoàn ra đời trên quê Bác, mang tên “Sư đoàn Sông Lam” - dòng sông hiền hòa quê hương Bác, nay lại được nổ súng mở màn chiến dịch mang tên Bác.
Kết quả: 10 giờ ngày 27/4, Sư đoàn 341 đập tan khu vực phòng ngự địch, làm chủ chi khu Trảng Bom do Sư đoàn 18 bộ binh và Trung đoàn 5 thiết giáp ngụy chiếm giữ. Trận tiến công giải phóng yếu khu quân sự Trảng Bom tiêu diệt đại bộ phận lực lượng và binh khí kỹ thuật quan trọng của Sư đoàn 18 và lực lượng địch ở khu vực Trảng Bom, Biên Hòa. Trận đánh diễn ra với không gian rộng, thời gian ngắn, một trận đánh khép chặt vòng vây, táo bạo, tiến công tiêu diệt lớn quân địch, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi cho lực lượng của Quân đoàn 4 và lực lượng cơ động của Bộ Quốc phòng phá vỡ tuyến phòng thủ hướng Đông Sài Gòn, mở đường nhanh chóng tiến công Biên Hòa, Sài Gòn-Gia Định. Có thể nói, đây là một trong những trận then chốt, góp phần tạo thế và lực cho đại quân của ta tiến vào Sài Gòn-Gia Định.
Sư đoàn 341 tập kết, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Ngày 28/4, Sư đoàn 341 sử dụng Trung đoàn pháo binh 55 kiềm chế các trận địa pháo binh địch, Tiểu đoàn bộ binh 7 được tăng cường bốn xe tăng phối hợp với Tiểu đoàn 4 đột phá vào Hố Nai, nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại tổ chức đột phá, đến chiều ngày 28/4, bộ đội ta mới vào đến ấp Hố Nai 1. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ngay trong trung tâm thị trấn.
Sáng 29/4, Sư đoàn 341 có xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng của địch, đến ngã 3 Hố Nai, gặp hào sâu không qua được, xe tăng vòng qua phía bắc đánh xuống Biên Hòa. Trong lúc đó, Trung đoàn 273 tiêu diệt địch ở ga Long Lạc rồi tiến vào sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ của Sư đoàn 3 không quân ngụy. Sau khi đánh chiếm căn cứ thiết giáp, Sư đoàn 18 ngụy ở Yên Thế, Trung đoàn 270 phối hợp cùng Sư đoàn 6 cùng đánh chiếm căn cứ pháo binh Hốc Bà Thức, sau đó cùng Trung đoàn 266 vòng qua Hố Nai đánh vào Long Bình. Đêm 29, Sư đoàn 6 đập tan tuyến phòng thủ địch ở ngã ba Hố Nai.
Từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 30/4, Sư đoàn 6 (Quân đoàn 4) phối hợp với Trung đoàn 3 (Sư đoàn 341) chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, 11 giờ, làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 3 không quân và sân bay Biên Hòa. 9 giờ sáng 30/4, Sư đoàn 341 đánh chiếm Hốc Bà Thức, 13 giờ phát triển sang giải phóng Thủ Đức.
Trận đánh Trảng Bom của sư đoàn 341, ngày 26-27/4/1975. (Ảnh: PV Báo Quân đoàn 4, lưu giữ tại Nhà truyền thống Quân đoàn 4)
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 341 tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản tại thành phố Sài Gòn. Chưa được bao lâu, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn lại hành quân chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; rồi cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia giải phóng người dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia ghi nhận: “Tổ quốc Campuchia sẽ mãi mãi ghi vào sổ vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của mình những chiến công và hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341”...
Từ tháng 12/1980, Sư đoàn trở về đội hình Quân khu 4, đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng dự bị động viên.
Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Sư đoàn 341 đã được Đảng, Nhà nước hai lần tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Apsara hạng Nhất; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng, vinh danh; nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt …
Trên chặng đường rèn luyện, chiến đấu và chiến thắng của Sư đoàn 341-Đoàn Sông Lam, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã ngã xuống trên các chiến trường, máu của các anh đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Sư đoàn. Những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh đã hy sinh một phần xương máu và cống hiến tuổi xuân của mình cho kháng chiến. Trở về từ khói lửa chiến tranh, vượt qua muôn vàn gian khó, họ tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh Sư đoàn 341 vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ độ Cụ Hồ”, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nửa thế kỷ trôi qua, kể từ khi xuất quân tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm1975, Sư đoàn 341 đã đi qua những chặng đường đầy gian lao nhưng cũng rất vinh quang. Những ký ức hào hùng và những bài học lịch sử từ chiến thắng Xuân Lộc, Trảng Bom... của Sư đoàn đã, đang và sẽ mãi được phát huy, là hành trang quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Sư đoàn 341 vững mạnh toàn diện nói riêng.
Ngày nay, trong thời ký đổi mới, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh của Sư đoàn tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, kỷ luật nghiêm minh, quyết chiến, quyết thắng”, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu", có sức chiến đấu cao, chính quy tinh nhuệ và từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, thiên tai... để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sư đoàn 341 tổ chức huấn luyện chuyên ngành hỏa lực cho quân nhân dự bị động viên, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Sư đoàn 341 tổ chức huấn luyện chuyên ngành hỏa lực cho quân nhân dự bị động viên, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/Su-doan-341-va-nhung-chien-thang-trong-chien-dich-Ho-Chi-Minh-lich-su/index.html
Bình luận (0)